CHỊ HÃY LO CHO BẢN THÂN NHIỀU HƠN

Chia sẻ

Hồi chưa giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, người phụ nữ sinh năm 1959 ấy lặn lội từ một huyện giáp biển của một tỉnh Bắc miền Trung ra Hà Nội, vừa là thăm các em, các cháu, vừa là “giả vờ đi chơi”, việc chính là thuê xe ôm đến Văn phòng tư vấn tâm lý để chia sẻ câu chuyện của cuộc đời mình.

Chị mong nhận được những chia sẻ, động viên, góp ý của các bác “cán bộ”.

Chị kể, số chị vất vả từ nhỏ. Nhà nghèo, đông anh chị em, bố mẹ mất sớm, chị là chị cả trong gia đình, nên suốt những năm tháng tuổi thơ, tuổi trẻ, chị lặn lội mò cua bắt ốc để nuôi các em ăn học. Hết em trai thứ nhất, sát chị, đỗ đại học, lại đến em thứ hai cũng tiếp bước anh trai. Chỉ có cậu út và cô em sát út là không học cao được vì “trí tuệ có hạn”, nay làm ăn, sinh sống tại quê nhà. Hai em trai của chị đều thành đạt, vợ con nhà cửa đàng hoàng ở Hà Nội và Nha Trang. Các con của họ nay cũng đã trưởng thành, họ đều lên ông lên bà cả rồi. Chỉ còn chị là người không chồng, sống độc thân…

Bố mẹ mất sớm, nhưng đất đai thổ cư ông bà để lại cũng khá rộng. Cách đây 10 năm, 5 chị em đã họp bàn, thống nhất chia 5 phần, trai cũng như gái, đã đi xa cũng như ở nhà, đều một phần như nhau, chị bảo con nào cũng là con, của cha mẹ để lại thì chia đều. Chị có một phần, cộng thêm một phần của cậu em ở Nha Trang tình nguyện cho chị, thế là chị có 2 phần đất. Cậu em ở Hà Nội bỏ tiền xây cho chị căn nhà vững chãi trên nền đất ấy, cậu ấy còn mua đủ trang thiết bị cho ngôi nhà như quạt trần, đèn điện, bếp gas. Chị chưa thật già, vẫn làm ruộng được, lại trồng cây chuối, nuôi con gà, trồng vạt chè, nên cũng có đồng ra đồng vào. Các em, các cháu ở xa, mỗi lần về quê, ngày giỗ, ngày Tết, đều biếu chị, đứa vài trăm, đứa đôi triệu, thành ra chị cũng có “chút vốn”. Nếu nói về nghèo thì chị không quá nghèo, nhưng chị bảo chị sống khổ quá, khóc hết nước mắt rồi, giờ không biết sống ra sao cho đến cuối đời. Chị nói, các em chị cũng là những người có ăn, có học, nhưng chuyện của gia đình, chị không dám tâm sự, chia sẻ nhiều với “chúng nó”, sợ họ đánh giá là “vạch áo cho người xem lưng”!

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Người làm chị khổ nhiều nhất là vợ chồng cậu em út, hiện đang sống cạnh nhà chị. Họ kém tuổi chị, vẫn khoẻ, nhưng hai vợ chồng lười làm, ham ăn nhậu. Các con cũng đã trưởng thành, nhưng chúng cũng không khá giả, nên không giúp gì được cho bố mẹ. Ngày xưa, chị cũng chăm sóc cậu em như những anh chị em khác, nhưng do học kém nên không đi thoát ly được, nay ở nhà sống khổ, cậu em suốt ngày chửi chị là không công bằng, chỉ biết chăm lo cho các em khác, chứ không quan tâm tới “thằng này”, khiến “thằng này khổ”. Chị có cái gì ngon, ăn được là vợ hoặc chồng cậu ấy sang lấy tự nhiên, không nói một lời. Có hôm vừa cắt nải chuối, định hôm sau mang đi bán, lấy tiền mua con cá, mớ rau, vậy mà bị cậu ấy tịch thu luôn. Có hôm, chị vừa kho niêu cá, vợ cậu út sang nói đưa cá đây, rồi lấy về bên nhà ăn với nhau, không để cho chị một mẩu. Biết chị vừa được các em, các cháu cho tiền, vợ chồng cậu ấy thay nhau sang nói ngon, nói ngọt, chị chị em em, moi bằng hết mới thôi. Chị cũng thú nhận, tính chị cả đời chỉ lo cho người khác, không giữ được cái gì cho mình, sống lại thiếu thốn tình cảm, nên cứ ai ngọt ngào là dốc hết ra cho. Chị bảo, cho em chị không tiếc, chị ăn uống có là bao, chi tiêu cũng chưa phải lo việc gì lớn, nhưng đau nhất là họ không coi chị ra cái gì. Không bao giờ có miếng ngon, miếng ngọt lại biết biếu chị một miếng. Bức xúc, hay rượu vào là đè chị ra chửi bới, coi như chị là chỗ để họ trút giận, là nguyên nhân khiến cho họ khổ.

Đặc biệt, vài lần cậu em đã đánh chị, muốn chị đi đâu đó, hoặc chết quách cho rồi, để cậu ấy được cả cơ ngơi, nhà cửa mà chị đang sinh sống. Chuyện này chị đã báo cáo công an xã, cậu em bị cán bộ xã gọi lên kiểm điểm, nên giờ cũng đỡ rồi.

Còn cô em gái, lấy chồng cùng xã, khác thôn, thương chị. Tuy nhiên, chồng cô ấy lại bị bệnh “thần kinh không bình thường”, mấy lần chị sang chơi, đã bị anh ta lấy gậy đập vào đầu. Chị hỏi ý kiến cán bộ tư vấn rằng có nên chuyển đến ở cùng với vợ chồng cô em gái không, vì theo chị cô em gái cũng thương chị, nếu chị ốm đau, cô em gái chăm sóc chị sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, chị sợ đi ở nhà cô em gái, vợ chồng cậu em út được thể phá phách nhà cửa, vơ vét đồ đạc của chị, không may không thể sống ở nhà cô em gái được, mà quay về thì lại không có chỗ mà ở, có đồ mà dùng.

Mọi nỗi buồn đau, khổ sở của chị, chị không hề chia sẻ với hai cậu em trai thành đạt ở Hà Nội và Nha Trang, sợ họ giận, về mắng mỏ cậu út, khiến cậu út càng giận chị hơn. Hai cậu em tốt, nhưng ở xa, có phải lúc nào cũng lo, cũng bênh vực được chị. Chính vì thế chị lo cho tương lai, ngày một ngày hai của mình sẽ sống trong cô đơn, hưu quạnh, không có ai giúp đỡ, chia sẻ. Tranh thủ dịp ra Hà Nội chơi với gia đình cậu em trai, chị tìm đến văn phòng của chúng tôi…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thấu hiểu nỗi niềm của chị, chúng tôi lắng nghe chị giãi bãy, tâm sự.

Trước tiên chúng tôi động viên, khen ngợi chị rằng chị là người tử tế, cả đời sống hết lòng vì người khác, rồi “trời sẽ thương”, cho chị sống khoẻ, sống thọ. Chị gợi cho mọi người nhớ tới hình ảnh người chị tảo tần lo cho các em trong bài hát “Chị tôi”.

Các chuyên viên tư vấn của chúng tôi cũng động viên chị rằng chị thật may mắn, sống trong hoàn cảnh vất vả vậy mà ở tuổi 62 như hiện nay, đi lại nhanh nhẹn, ăn to nói lớn, không bệnh tật gì, không mắt kém, lãng tai, vậy là quá tốt. Nhiều người phụ nữ, sau 55 là “xuống cấp” nhanh chóng lắm.

Trao đổi với chị, chúng tôi giúp chị nhận ra rằng “mười ngón tay có ngón dài ngón ngắn”, mấy chị em của chị, cũng có người nọ, người kia, không thể giống nhau được. Hoàn cảnh vất vả vậy mà 2 em trai của chị cũng học hành thành đạt, đặc biệt, bây giờ vẫn ghi nhớ công lao của chị, quan tâm giúp đỡ chị về vật chất. Tuy nhiên, họ ở xa, chị cần giữ liên lạc, trao đổi thường xuyên. Hai anh ấy là người có học, có uy tín trong gia đình, có thể đứng ra giải quyết những bất đồng, xích mích nảy sinh, chị không nên giấu kín quá mức mọi chuyện liên quan đến bản thân mình.

Đặc biệt, các chuyên viên tư vấn cũng cùng chị xây dựng kế hoạch cho cuộc sống an toàn của chị trong tương lai. Từ nay trở đi, sức khoẻ của chị là điều quan trọng nhất, trong đó sức khoẻ tinh thần cũng là điều đáng quan tâm. Có chút tiền bạc nào phải biết giữ cho riêng mình, bởi sau này, người sống một mình mà không có tiền thì rất khổ. Gắng giữ tinh thần đoàn kết với em trai và em dâu. Họ ít học, lại cả đời vất vả, không được đi đây đi đó, nên suy nghĩ nông cạn, đôi khi chỉ coi trọng miếng ăn trước mắt mà không nghĩ đến tình thân, ruột thịt. Chị cũng ở một mình, ăn riêng, không cần mua sắm đồ ăn thức uống nhiều, kẻo lại bị họ “tịch thu”. Khi nào có món ngon, hãy chủ động cho vợ chồng cậu em. Cũng không nên kể lể nhiều về công sức của mình trong quá khứ, kể nhiều nó sẽ mất đi lòng tốt vô tư. Không chấp nhau từng câu ăn, câu nói, khi cậu em uống rượu, có lời ra, lời vào, chị cũng gắng giữ bình tĩnh, tránh đi đâu đó cho tạm yên. Tuy nhiên, nếu vợ chồng cậu em có những hành động quá đáng như đánh đập, xúc phạm, gây thương tích, chị phải biết kêu cứu làng xóm láng giềng, sau nữa là nói cho anh chị em trong gia đình biết, không nên cam chịu thái quá.

Giờ chị còn khoẻ, ăn được, đi được, làm được, cứ ở tại căn nhà của mình, cạnh nhà cậu em út. Mai sau già yếu, không lao động được hay cần người hỗ trợ sẽ tính sau. Ít ra, họ cũng là em ruột, bình thường có tức nhau, giận nhau, nhưng khi có việc cần thiết, họ cũng sẽ có trách nhiệm, dù sao “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Không nên đến ở với cô em gái lúc này, tự nhiên gia đình có ba ông bà già, nhiều chuyện không vui xảy ra, nhất là khi cậu em rể có “đầu óc không được bình thường”.

Cố gắng duy trì tinh thần lạc quan, tích cực để sống khoẻ mạnh ngày nào, tốt ngày ấy. Duy trì kết nối điện thoại với các anh chị em ruột và các cháu để không cảm thấy mình có “một thân một mình”. Đừng mặc cảm về thân phận cô đơn, lẻ bóng của mình, bởi thực tế nhiều gia đình có 5, 6 người con, cuối đời cha mẹ già cũng ở một mình đó thôi.

Chị nói rằng chị nhẹ nhõm hẳn sau khi đã trút bầu tâm sự cùng chúng tôi, lại được chúng tôi nhắc nhở nhiều điều, nên chị cũng vui, xin phép về ăn cơm, kẻo các cháu thấy bác đi lâu, chúng đi tìm!

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.