“Chị ngoại” ngoại tình

PHƯƠNG VIỆT
Chia sẻ

(PNTĐ) -Khi nghe tôi gọi mấy đứa bạn hồi cấp III là “chị ngoại”, “chị nội”, thấy bà cụ hàng xóm lẩm bẩm điều gì đó. Chắc cụ không hài lòng với cách gọi đó. Nghĩ cũng phải, lâu nay tào lao, nhí nhố là thế nhưng giờ thì các bạn ấy cũng đường đường chính chính lên chức bà ngoại, bà nội - một vị trí quan trọng trong mỗi gia đình.

So với những năm 80, 90 của thế kỷ trước, người Việt ở độ tuổi trung niên bây giờ trẻ hơn rất nhiều. Nó xuất phát từ điều kiện kinh tế được cải thiện giúp chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt: dinh dưỡng, trang phục, tinh thần… Bởi thế, nếu đem so sánh một người phụ nữ 50 tuổi ngày đó với một U50 hôm nay thì đúng là như cô với cháu. Đi kèm với đó còn là sự thay đổi về quan niệm trong cuộc sống, trong ứng xử, những phép tắc, quy định đã được thay đổi hoặc giản lược để phù hợp với nếp sống mới, với dòng chảy hòa nhập toàn cầu.

“Chị ngoại” ngoại tình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Giờ đây ra đường, bắt gặp nhiều phụ nữ ngỡ họ còn trẻ trung lắm nhưng hỏi ra mới biết họ đã có con cái lập gia đình và sinh con đầu lòng. Ở cơ quan, để thêm “gia vị” hài hước, chúng ta vẫn hay gọi họ bằng những cái tên: “chị nội”, “chị ngoại” và họ cũng vui vẻ đón nhận. Có điều, nếu để ý kỹ, trong cách ứng xử của các chị ấy đã có phần khiêm nhường, chín chắn hơn vì luôn tâm niệm sẽ có con dâu, con rể, thông gia và bạn bè của họ nhìn vào. Vui gì, tếu táo ra sao cũng phải ra dáng… bà.

Nhưng tôi đã nhầm, không phải tất cả các “chị nội”, “chị ngoại” đều được như thế. Thấy tôi không tin, Hưng - anh bạn cùng phòng có cái “thú” săm soi những góc khuất - bảo tôi: “Ông có tin bà H cơ quan mình có bồ không? Tôi thì tôi nghi lắm”. Tôi cười: “Ông nhìn ai cũng ra tội, chị H đứng đắn, nghiêm túc, lại có cháu ngoại rồi, ai lại làm thế…”. Hưng châm thuốc, cười khẩy nhìn tôi: “Đợi đấy mà xem”.

“Chị ngoại” ngoại tình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tối về, tò mò tôi lướt facebook vào trang của chị H xem có gì khác thường không. Trên hình nền là dòng chữ: “Gia đình là số 1”. Ảnh đại diện của chị là cảnh anh chị bế đứa cháu kháu khỉnh, nhìn thật đầm ấm. Ở cơ quan, chưa bao giờ tôi thấy chị ăn mặc “mát mẻ”, ngồi nói chuyện với anh em cũng không thấy chị nói năng kiểu ỡm ờ, đưa đẩy. Tóm lại, chị thuộc dạng khả kính.

Và rồi đùng cái, chị H ly hôn trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Hưng mời tôi ly cà phê ngoài cổng cơ quan và vênh mặt lên cười: “Ông gà mờ lắm, đừng tưởng “chị ngoại” mà không dám ngoại tình nhá”. Tôi “tâm phục, khẩu phục” nhấm nháp ly cà phê đắng đót ngồi nghe anh ta giảng giải thấy cũng nhiều điều có lý. Hưng bảo: “Vì sao bà H phải diễn bộ mặt thế? Vẻ ngoài nghiêm nghị, đứng đắn một cách “bất thường” trong khi nhìn đôi mắt bà ấy vẫn thấy “hừng hực” lửa tình, chưa kể đến những lúc thật sự ít người, dáng ngồi khi mặc váy ngắn, khi đung đưa cặp mông theo kiểu “thả thính” của bà H mới đáng sợ…”. Hưng khẳng định đó là người đàn bà “lẳng lơ một cách ranh mãnh”. Chuyện “chị ngoại” H càng nóng lên khi kẻ đồng phạm (mà anh em quen gọi là “số hưởng”) chẳng ai khác là tay nhân viên hợp đồng ở phòng chị. Đến lúc này, tôi lại muốn gặp chị T nhất. Bởi, chị là người làm phòng đó nhưng lại hay sang phòng tôi than thở: “Cái thằng D đến khổ, toàn bị bà H hành, khắt khe với đàn em quá làm gì?”. 

“Chị ngoại” ngoại tình - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chẳng phải để tôi đợi lâu, chị T đã hiện ra ngay ở cửa phòng tôi với nụ cười không rõ là vui hay chua chát. Vẫn kiểu nhanh nhảu, chị kể: “Hóa ra, ban đầu tôi cứ tưởng bà H khắt khe với thằng D, thì ra là màn kịch. Chính vì luôn ấn tượng về mối quan hệ giữa “cô” và “cháu” đó mà bọn tôi không hề nghi ngờ, bị qua mặt hết”. Tôi nhớ khi đã quay trở lại bàn làm việc, vẫn còn nghe văng vẳng bên tai lời chị T kể những chuyện đại loại như cách khêu gợi, cách “trói” giai trẻ của nữ trưởng phòng từng được mệnh danh là “hắc xì dầu” nhất cơ quan…

Nghĩ cho cùng, chuyện gì xảy ra đã xảy ra rồi. Chị H cũng đã phải xin nghỉ chế độ sớm rồi chuyển đến một nơi khác sống. Tôi biết chị không thiếu tiền, có thể đảm bảo cuộc sống khi về già. Nhưng chọn cách ra đi như thế cũng có nghĩa là chị phải sống xa con, xa cháu, xa mái ấm gia đình đúng vào cái độ tuổi được hưởng hạnh phúc. 

Điều gì khiến chị H sa chân vào sai lầm ấy? Có phải vì bản năng dục vọng lóe lên lần cuối ở tuổi xế chiều, bởi “thèm khát” tình yêu hay chị bị ảnh hưởng bởi một lối sống hưởng thụ nào đó? Sau này, tôi hiểu rằng, lâu nay chị vốn mang trong mình tất cả những ham muốn dục vọng đầy bản năng nhưng cố ẩn giấu. Cũng như, trong con người chị vẫn chứa đựng những suy nghĩ ích kỷ.

Tất cả âu cũng là những mảng tối, góc khuất, phần “con” của từng người. Có điều, đáng ra khi đã làm mẹ, làm bà, chị phải biết lựa chọn và từ bỏ, biết niềm vui nào là chân chính, trường tồn, thú vui nào chỉ là sự ích kỷ, là nhất thời và tổn hại đến hạnh phúc lâu bền thì chị H lại không sớm nhận ra.

“Chị ngoại” ngoại tình - ảnh 4
Ảnh minh họa

Cả một đời công tác của chị H kết thúc bằng bữa liên hoan chia tay qua quýt mà chẳng ai muốn nói với ai những lời thật lòng. Tất cả anh chị em đều thấy buồn, buồn cho một con người, tiếc cho một đời người. Gã tình nhân trẻ làm hợp đồng sau đó cũng sớm phải “cao chạy xa bay”, trả lại sự bình yên cho cơ quan.

 Nhìn gương chị H, rồi lại nhìn sang mấy “chị ngoại”, “chị nội” ở cơ quan vẫn đang tích cực làm đẹp và mặc diện, người viết chợt nghĩ: đẹp thì cứ đẹp, trẻ thì cứ trẻ nhưng hãy là mẹ chồng, mẹ vợ, là bà nội, bà ngoại trẻ trung thân thiện chứ đừng làm điều gì khiến con trẻ phải xấu hổ mỗi khi ra đường. Bởi như các cụ ta vẫn nói: “Phúc đức tại mẫu”, người phụ nữ luôn là biểu tượng của hạnh phúc gia đình…

Tin cùng chuyên mục

Giữ lại những bữa cơm chung

Giữ lại những bữa cơm chung

(PNTĐ) - Tôi sinh năm 1972, thuộc thế hệ 7x – thế hệ giao thời giữa cũ và mới. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ bao cấp còn nhiều thiếu thốn, nhưng cũng chính vì thế mà càng thấm thía giá trị của gia đình. Trong ký ức tuổi thơ tôi, gia đình là nơi ấm áp và đầy nền nếp.
Nâng cao hiểu biết cho người lao động

Nâng cao hiểu biết cho người lao động

(PNTĐ) - Đa phần công nhân lao động đang làm việc trên địa bàn Thành phố đến từ các tỉnh/thành. Trong bối cảnh thế giới ảo đang có sức hút lớn, kênh giải trí chủ yếu của nhiều công nhân lao động là internet, rất cần có các hoạt động để nâng cao hiểu biết pháp luật, chăm lo đời sống tinh thần, tập hợp, thu hút, định hướng tư tưởng công nhân lao động.