Chia đất chia cả tình thân

Thu Giang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cả đời gom góp tạo dựng, ông bà cũng có một mảnh đất làm của để dành cho con cái sau này. Ở tuổi xế chiều, ông quyết định chia tài sản cho con cái, phòng khi mình tuổi già không còn minh mẫn để làm việc đó. Ai ngờ ông chia đất xong cho con thì tình thân ruột thịt cũng theo đó bị chia lìa.

Nỗi lòng vì con của cha mẹ

Ông bà đến với nhau khi cả hai ra thành phố lập nghiệp mưu sinh. Ông kể, hai người cùng huyện, sống xa quê nên tình đồng hương kéo họ lại gần nhau. Nhờ thế mà họ nảy sinh tình cảm rồi nên duyên vợ chồng. Cuộc sống mưu sinh ở thành phố không dễ dàng nhưng họ quyết bám trụ với phương châm “hy sinh đời cha mẹ để củng cố đời con cái”. Bà sinh nở hai lần được 3 đứa con: Hai con trai sinh đôi ở lần đầu và con gái út. Để nuôi được ba đứa con ăn học, ông bà làm đủ thứ, hết việc chính ở công ty đến việc làm thêm bên ngoài.

Bà kể, từ những ngày đầu đến với nhau, hai vợ chồng lúc nào cũng tâm niệm phải có được một mảnh đất, trước là có chỗ để ở, sau là tài sản để dành cho con cái sau này. Do đó, những năm đầu, họ chấp nhận đi thuê trọ. Dành dụm được chút tiền tiết kiệm, cộng thêm vay mượn mỗi nơi một ít, ông bà tìm về các vùng ven đô mua đất. Họ chấp nhận đầu tư theo kiểu mạo hiểm mua “đất kẹt”, đất nông nghiệp. Sau đó, lựa lúc gặp thời, được giá, họ lại bán đi, rồi tìm mua mảnh khác có diện tích lớn hơn. Qua nhiều lần mua đi bán lại như thế, ông bà cũng có được một mảnh đất rộng gần 400m2 ở ven đô. Ngày dựng căn nhà nhỏ trên mảnh đất ấy, ông bà vui mừng khôn xiết vì đã thực hiện được tâm nguyện.

Sau khi sinh ba đứa con, ông bà lại bắt đầu có những dự tính mới để vừa đảm bảo nuôi con ăn học, vừa tích lũy của để dành cho con cái sau này. Ngày Hà Nội mở rộng quy hoạch khu đô thị về các làng ven đô, mảnh đất của ông bà trở nên có giá. Người dân có đất ùn ùn bán đất to mua đất nhỏ, lấy tiền dư ra để xây nhà cao tầng, sắm xe hơi, hưởng thụ cuộc sống vật chất khấm khá. Nhìn quanh, ai cũng đổi đời vì đất, chỉ riêng ông bà vẫn giữ nguyên ngôi nhà cấp 4, sống tằn tiện.

Chia đất chia cả tình thân - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Ông bảo hồi đó, ai cũng bàn họ bán một nửa mảnh đất đi lấy tiền xây nhà khang trang mà ở, thậm chí còn dư tiền gửi tiết kiệm nuôi con ăn học cho đỡ lam lũ vất vả. Nhưng họ không nghĩ đến sự tính toán đó vì đã có dự định về sau.

- Mảnh đất này, chúng tôi tính toán sau này chia cho hai đứa con trai, mỗi đứa 150m2, cho con gái 100m2. Tính như vậy thì đứa con nào cũng có mảnh đất cắm dùi để ở, dù cuộc sống khó khăn đến mấy cũng không lo sống cảnh “không nhà không cửa”. Sau này, nếu cần các con cũng có thể bán đi một phần diện tích để lấy tiền xây nhà - ông nói về sự tính toán của mình cho tương lai con cái.

Trong thâm tâm của họ, với cách tính toán đó, sau này ông bà dù khuất núi rồi cũng an lòng vì con cái đều có cuộc sống ổn định cả. Âu đó cũng là trách nhiệm và lòng thương con cái vô bờ bến của họ. Vì thế, ông bà chẳng bán đất xây nhà để cuộc sống của mình thảnh thơi như bao người khác. Hàng ngày, họ vẫn tảo tần làm lụng đủ việc để lo cho ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn.

Tình thân chia lìa vì đất

Con cái trưởng thành, đến lúc dựng vợ gả chồng, bấy giờ chuyện tính toán của để dành cho con cái của ông bà cần được thực hiện. Hai đứa con trai cưới vợ, mong muốn bố mẹ phân chia tài sản để bán đất xây nhà. Đứa nào cũng lấy lý do không thể sống chung với bố mẹ trong căn nhà cấp 4 chật chội đã nhiều lần cơi nới để có không gian riêng cho con trai, con gái ấy. Đồng thời, chúng cũng không muốn kéo dài cuộc sống phải đi thuê nhà bên ngoài.

Sau nhiều lần suy đi nghĩ lại, ông bà thấy cũng phải, tài sản này về sau cũng phải chia cho các con. Nhân lúc ông bà còn khỏe mạnh, minh mẫn thì làm luôn. Ông bảo bà gọi các con về họp gia đình, nói ra dự tính chia tài sản theo tỷ lệ 150-150-100 ấy. Thế nhưng, sau khi nghe cách chia của ông bà, hai đứa con trai liền có ý kiến.

- Con nghĩ, khi chia đất, bố mẹ cần tính đến chuyện ai sẽ phụng dưỡng bố mẹ sau này. Chính xác hơn là bố mẹ sẽ sống cùng với ai sau này để phân chia phần hơn cho người đó. Ví dụ, nếu bố mẹ sống với con thì diện tích đất chia cho con phải hơn chú hai và cô út – con trai cả ông bà nói.

- Con thì nghĩ thế này, diện tích đất hai con trai phải bằng nhau, còn trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ thì chia đều cho anh em. Bố mẹ sẽ lần lượt sống với mỗi người một thời gian, hoặc anh cả chăm sóc bố, con chăm mẹ - con trai thứ nêu ý kiến.

Chia đất chia cả tình thân - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

- Hoặc là con trai mỗi người 150m2, phần cô út 50m2 vì là con gái đi lấy chồng rồi, bớt lại 50m2 bán đi, bố mẹ mua căn chung cư nhỏ để ở. Như vậy, con cái, bố mẹ đều có nhà riêng - con trai cả ông bà lại tính thêm nước nữa.

Nghe vậy, cô con gái út ông bà không bằng lòng. Thời đại nào rồi mà các anh còn phân biệt trai gái khi chia tài sản. Về lý, luật pháp quy định con cái dù trai hay gái đều bình đẳng khi hưởng quyền thừa kế tài sản của bố mẹ. Về tình, con nào chả là con, sao lại phân biệt yêu thương con trai hơn con gái. Rồi con gái út ông bà làm mình làm mẩy loạn nhà lên, bảo nếu bố mẹ phân biệt đối xử như thế, nó sẽ đấu tranh đến cùng để “đòi công bằng”.

Ông bảo có nằm mơ họ cũng không nghĩ sẽ có ngày cả nhà sẽ loạn lên vì chuyện chia đất. Chuyện tưởng chừng như suôn sẻ theo tính toán cả đời của ông bà, ai ngờ ba đứa con lại có tính toán riêng của chúng. Nhưng điều làm ông bà đau đớn nhất là chúng đưa chuyện chăm sóc bố mẹ ra để mặc cả thiệt hơn trong chia tài sản.

Sau khi tham khảo ý kiến anh em, họ hàng và để con cái không đứa nào so bì với nhau, ông bà quyết định mảnh đất chia làm 4 phần. Ba đứa con, mỗi đứa một phần, ông bà một phần. Ngày nhận tài sản, vợ chồng con trai lớn ông bà còn dặn hai đứa em sau này trách nhiệm chăm sóc bố mẹ khi đau ốm cũng phải chia đều đúng như số tài sản mỗi người nhận được, không có chuyện trút lại cho phận con trưởng.

Hai người em nghe anh nói vậy thì bảo truyền thống dân tộc, trách nhiệm con trưởng bao giờ cũng cao hơn con thứ, chuyện phụng dưỡng bố mẹ và thờ cúng tổ tiên là của con trưởng, con thứ chỉ phụ giúp. Mâu thuẫn giữa ba đứa con cũng nảy sinh từ đó. Thấy anh em chúng cãi vã nhau, ông tức giận đập bàn bảo sau này ốm đau cũng không cần đứa nào về chăm sóc phụng dưỡng. Đến lúc đó, họ sẽ bán phần đất này mang tiền vào nhà dưỡng lão ở, nhờ người dưng chăm sóc những ngày cuối đời.  

Sau khi chia đất xong, ông bà vẫn ở phần đất có ngôi nhà cấp 4 họ xây từ thuở xưa, còn phần đất chia cho ba đứa con đều bị chúng bán ngay sau đó, lấy tiền mua đất, mua nhà chỗ khác. Mỗi đứa con một phận, chẳng đứa nào ngó ngàng đến nhau, ông bà muốn gắn kết lại cũng khó khăn.

Cả đời tạo dựng, tích cóp có của để dành cho con cái, nhưng chính tài sản để dành đó lại khiến tình thân ruột thịt chia lìa. Ông bà bảo đó cũng là nỗi đau khổ nhất của cuộc đời họ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo chị em tham gia.
Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(PNTĐ) -  Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.
Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.