Chiếc khăn mùa đông

Bùi Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -“Ôi! chiếc khăn mùa đông” của Nguyễn Lãm Thắng - tôi cứ gọi nguyên ra một câu thơ thế nhé. Bài thơ đơn giản như chiếc khăn mỏng làm sao che được cái lạnh mùa đông giá nhưng lại đủ sưởi ấm lòng người.

Mẹ rút từng sợi mưa
Trên đôi tay rét buốt
Mẹ đan sớm vào trưa
Thành chiếc khăn ấm áp

Mẹ choàng vào cổ con
Dải tình thương nồng ấm
Con đi giữa chiều đông
Gió mưa dường bớt lạnh

Ôi! chiếc khăn mùa đông
Là tình yêu của mẹ
Là ngọn lửa rực hồng
Sưởi ấm lòng con trẻ.

            Nguyễn Lãm Thắng

Chiếc khăn mùa đông - ảnh 1
Ảnh minh họa

LỜI BÌNH
“Ôi! chiếc khăn mùa đông” của Nguyễn Lãm Thắng - tôi cứ gọi nguyên ra một câu thơ thế nhé. Bài thơ đơn giản như chiếc khăn mỏng làm sao che được cái lạnh mùa đông giá nhưng lại đủ sưởi ấm lòng người. Viết về mẹ thì hình như không có gì mới, có gì bất ngờ mà sao đọc lên ta vẫn thấy lạ. Lạ ở chính sự cảm nhận và liên tưởng ở tâm hồn mình. Bắt đầu là khi mẹ đan chiếc khăn ấy:

Mẹ rút từng sợi mưa
Trên đôi tay rét buốt
Mẹ đan sớm vào trưa
Thành chiếc khăn ấm áp

Nhà thơ đã có một phát hiện thú vị. Chính chiếc khăn ấm lại được đan từ buốt giá, qua bàn tay mẹ những “sợi mưa” đã thành sợi ấm, mẹ đan thời gian, đan tần tảo, chịu thương chịu khó để cho con sự yên ấm. Nhưng rồi, sau bao năm điều mà tác giả ám ảnh nhất lại chính là “đôi tay rét buốt”, một đôi tay chẳng bao giờ được ấp ủ của mẹ. Bao năm qua con đã quên điều ấy, chính mẹ cũng đã quên bởi luôn chỉ nghĩ đến con. Bài thơ được tiếp nối bằng cử chỉ yêu thương, trao gửi hơi ấm của mẹ:

Mẹ choàng vào cổ con
Dải tình thương nồng ấm
Con đi giữa chiều đông
Gió mưa dường bớt lạnh

Chiếc khăn mùa đông - ảnh 2
Ảnh minh họa

Người mẹ nào cũng mong được làm điều đó, trao cho con hơi ấm nhưng chỉ nhà thơ mới nhìn ra được cả một “dải tình thương”. Chiếc khăn như dải mây trắng ngày nắng, như dãy núi chắn bão giông và hơn hết còn là sự ấm áp của lòng nhân ái, của sự cao thượng. Hai câu thơ sau mới đọc sẽ thấy cũ, thấy mòn nhưng có lẽ đó mới chính là một bất ngờ của Nguyễn Lãm Thắng: “Con đi giữa chiều đông/ Gió mưa dường bớt lạnh”. 

Dù mẹ có thương yêu, chăm lo, ấp ủ thế nào thì một người con trai vẫn phải đối diện với thực tại, với cuộc đời riêng của mình. Bởi thế, nhà thơ dùng hai từ “bớt lạnh” thật tinh tế. Bớt là giảm đi, ít đi chứ đâu thể hết nhưng nhờ cái phần được bớt đi ấy mà anh đủ dũng khí bước tiếp trong cuộc đời này. Bài thơ khép lại với sự suy cảm được thốt lên bằng tấm lòng của người con:

Ôi! chiếc khăn mùa đông
Là tình yêu của mẹ
Là ngọn lửa rực hồng
Sưởi ấm lòng con trẻ.

Mẹ và mùa đông, chiếc khăn và kỷ niệm là những gì sâu lắng nhất, đáng nhớ nhất. Nếu không có mùa đông, tay mẹ sẽ không rét buốt (đôi tay rét buốt), con sẽ không phải chịu “gió mưa” trên đường đời nhưng cũng nhờ thế mà thấu hiểu thêm lòng mẹ. Và, đến đây người viết có một liên tưởng đến hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Con nhớ mế! Lửa hồng soi tóc bạc/ Năm con đau, mế thức một mùa dài” trong Tiếng hát con tàu. Mẹ là ngọn lửa sinh sôi kỳ diệu đã giữ gìn sự sống, nuôi dưỡng những tâm hồn và cũng là chủ nhân của bao nền văn hóa. Dù là người mẹ đã sinh ra mình hay chỉ là người mẹ nào đó ta đã gặp trong cuộc đời thì ta cũng nhận được sự nhân ái, yêu thương đó từ họ. Một người mẹ, nhiều người mẹ đan khăn cho con, quàng cho con “dải tình thương” và họ đã trở thành  biểu tượng cao quý trong cuộc đời này. Hãy yêu thương mẹ hơn và trân trọng… 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.