Chiến thắng dịch bệnh bằng tình yêu chân thành

Chia sẻ

Như chú ong chăm chỉ, nghệ sỹ Philippa Found đã thu thập hàng ngàn câu chuyện tình yêu đẹp thời Covid-19 cho dự án mang tên “Chiến thắng dịch bệnh bằng tình yêu chân thành”.

Philippa Found là một nghệ sỹ và nhà văn người Anh. Các tác phẩm của cô thiên về khám phá những mảng tối bất công trong cuộc sống thực tại của người phụ nữ. Một trong những cuốn sách được Found chắp bút là "The Body in Women's Art Now" (tạm dịch: Cơ thể phụ nữ trong nghệ thuật ngày nay) được đề cử cho giải thưởng Sách của Hiệp hội Nghiên cứu Nữ quyền và Phụ nữ năm 2011. Năm 2010 cô được mời làm thành viên của nghiên cứu mang tên Nghệ thuật và Giới tại Trung tâm Pompidou, Paris.

Tình yêu trong giông bão

Tình yêu vốn không phải lúc nào cũng màu hồng như người ta vẫn tưởng tượng. Tình yêu bị “tấn công” từ nhiều phía kể từ khi dịch bệnh bùng phát khiến không ít cặp đôi tan vỡ trước những khó khăn về kinh tế, khoảng cách địa lý do lệnh phong toả hay chỉ đơn giản là những mâu thuẫn do phải “ở cùng nhau” trong nhà thời gian dài.

“Trong thời kỳ dịch bệnh, chúng ta không thể tự do đi lại, cũng không thể thoải mái nắm tay, trao nhau cái ôm hay nụ hôn. Đó thực sự là khoảng thời gian thử thách “độ bền” của những mối quan hệ” – Philippa Found bày tỏ.

Chứng kiến những mối quan hệ tan vỡ do bệnh dịch, dưới góc nhìn nhân văn, Found muốn làm điều gì đó truyền cảm hứng cho cộng đồng, giúp mọi người thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Cô đã thu thập hơn 1.000 mẩu chuyện viết về đề tài tình yêu thông qua một dự án nghệ thuật trực tuyến mang tên “Lockdown Love Stories” (Chiến thắng dịch bệnh bằng tình yêu chân thành).

Found viết dòng chữ quảng bá Lockdown Love Stories trên các lối đi quanh nhiều công viên tại LondonẢnh: Philippa PounFound viết dòng chữ quảng bá Lockdown Love Stories trên các lối đi quanh nhiều công viên tại London Ảnh: Philippa Poun

Dự án ý nghĩa

Tháng 5/2021, trong bối cảnh nước Anh phong toả do dịch bệnh, Found đã thành lập trang web “lockdownlovestories.com” - nơi tất cả mọi người có thể thoải mái chia sẻ một cách ẩn danh những hỷ-nộ-ái-ố trong chuyện tình cảm của mình để mọi người cùng đọc, suy ngẫm và đưa ra lời khuyên tích cực.

“Bên cạnh việc tạo ra không gian giúp mọi người thoải mái trải lòng. Người đọc còn có thể ngẫm nghĩ về chính họ thông qua câu chuyện của người khác để từ đó không còn cảm thấy lạc lõng”, cô nói. Những câu chuyện sau khi gửi sẽ được đăng trực tiếp mà không biên tập quá nhiều, nữ nghệ sỹ giải thích: “Đó là một đặc điểm có chủ ý của dự án nhằm giữ cho câu chuyện chân thực nhất có thể thông qua giọng văn của chính người trong cuộc”.

Cô nhấn mạnh: “Cho dù tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ và cú pháp có thể hơi sai, nhưng đó là câu chuyện của họ, là tiếng nói của họ”. Found cho rằng việc chỉnh sửa quá mức các bài chia sẻ là không tôn trọng tác giả và khẳng định đây là không gian an toàn cho tất cả mọi người, nên người gửi “không nhất thiết phải là nhà văn hay thậm chí phải có bằng Thạc sĩ văn học”.

Nhận thấy dự án mang lại hiệu quả và được nhiều người ủng hộ, Found đã quảng bá “lockdownlovestories.com” với cách thức rất lạ lùng. Cô tới những công viên lớn ở thành phố London và viết thật lớn địa chỉ trang web bằng phấn trắng tại các lối đi đông người. Kiên trì với công việc này trong suốt một năm, cô kể: “Tôi ra ngoài vào mỗi buổi tối và dùng phấn viết quanh công viên hàng giờ”. Đến nay dự án đã có thêm sự giúp sức của khoảng hơn 40 tình nguyện viên.

Nhờ đó, những câu chuyện đáng suy ngẫm về tình yêu không còn bị giới hạn ở không gian số mà xuất hiện cả ở ngoài đời thực, quanh những địa điểm công cộng. Cô cho biết, nhóm đã tìm thấy những thông điệp ngắn ở các ga tàu điện ngầm, hay trong công viên, trên những tấm bảng nhỏ trước cửa nhà thờ... Tất cả đều mang những nỗi niềm, băn khoăn như tình yêu đơn phương, có nên mở lòng với đối phương hay những trăn trở của một cô gái mong tìm được người bạn đời thật lòng với mình.

Những câu chuyện được chia sẻ trong bối cảnh đại dịch luôn mang theo vô vàn cảm xúc từ thăng hoa phấn khởi tới đau khổ đắng cay. “Việc “mắc kẹt” ở nhà với người bạn đời của mình khiến tôi hiểu rằng hạnh phúc hoá ra thật đơn giản, chỉ cần chúng tôi có thể cư xử tự nhiên và luôn nhường nhịn nhau” – một người bày tỏ sự hạnh phúc bên người bạn đời trên trang web của Found. Tuy nhiên, cũng có không ít những lời tự sự phủ bóng đen tiêu cực: “Anh ta viện đủ lý do, từ Covid-19 đến lệnh phong tỏa. Tại sao lại dùng dịch bệnh để biện minh cho hành vi ngoại tình của mình?”.

Tuy nhiên, không phải mẩu chuyện nào cũng ngọt ngào hay mang đầy bi ai. Khi được hỏi về câu chuyện khiến bản thân nhớ nhất, Found kể, trong một buổi chiều tại Hampstead Heath - công viên lớn của London, khi đang thực hiện hoạt động quảng bá cho dự án, cô bắt gặp một phụ nữ viết thông điệp cho… cái cây mà cô ấy rất thích ngắm mỗi lần đi qua: “Hãy cùng nhau nỗ lực nhé!”. Hay nỗi niềm của một người mẹ: “Điều tôi mong ước là khi lớn lên, con tôi sẽ không phải nhớ về sự chết chóc của dịch bệnh, về những những chiếc khẩu trang hay lệnh phong tỏa nữa”.

Việc làm của Philippa Found giống như một điểm sáng giữa bóng tối đại dịch. Cô cho biết, ban đầu chỉ nhận được những câu chuyện về sự mất mát nhưng sau đó, những câu chuyện tích cực về tình yêu dần trở lại. Mọi người đã cảm thấy hạnh phúc hơn, nhiều người còn cảm ơn cô vì được chia sẻ giúp họ cảm thấy có niềm tin hơn vào cuộc sống.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.