Chiều

Chia sẻ

Qua cầu nhìn mây tím
Nghe chiều vỡ chuông chùa
Cây rơi vài tiếng lá
Tay nghiêng sầu che mưa.

Em thả tóc đường thơm
Hoa trái theo chân bước
Người đi ngược kẻ về
Làm sao mà gặp được.

Áo phai gương mặt buồn
Thoắt nhiên cười thơ dại
Tôi cầm tháng Giêng non
Rong chơi miền xa ngái.

Em vào mùa lễ hội
Giẫm cỏ xanh mượt lòng
Mắt biếc như sương núi
Tôi hoá thành hư không.

Trở về con dốc cũ
Tôi ngồi nhìn nước trôi
Gió phất tà áo bụi
Rơi một phiến mây trời.
                              Từ Kế Tường

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH:
Tháng Giêng thật đặc biệt, không buồn như mùa thu bảng lảng khói sương nhưng cũng man mác nỗi niềm vấn vương người đi, kẻ ở, trót thương, trót nhớ trót phải lòng nhau. Từ Kế Tường là thi sĩ có giọng điệu hợp với tháng Giêng như thế:

Qua cầu nhìn mây tím
Nghe chiều vỡ chuông chùa
Cây rơi vài tiếng lá
Tay nghiêng sầu che mưa.

Phải thú thật là từ lâu lắm rồi chúng ta mới được đọc một bài thơ mang màu sắc ảo mộng. Trong khi các cây bút đương đại đang tìm cách đưa thơ về gần với những gì trần tục, gai góc thì thi sĩ họ Từ lại tạo ra màn sương khói của mùa xuân ký ức. Tháng Giêng hiện lên vừa mộng ảo vừa có chút gì nhuốm màu tâm trạng nhẹ nhàng; có tan vỡ (chiều vỡ chuông chùa), có cây rơi tiếng lá, có mưa nhạt nhoà. Cảm nhận một tháng Giêng đầy âu lo, trắc trở chứ không chỉ êm ả, thuận buồm xuôi gió.

Từ một bức tranh ngày đầu năm được phác họa như thế, hiện lên chân dung nàng xuân:

Em thả tóc đường thơm
Hoa trái theo chân bước
Người đi ngược kẻ về
Làm sao mà gặp được.

Cô gái của mùa xuân với tóc làn hương, bước chân đường hoa trái đầy náo nức, đầy sức xuân nhưng cũng chấp chới, chơi vơi. Trong lời của thi nhân có chút gì hờn trách: “Người đi ngược kẻ về/Làm sao mà gặp được”. Nhưng chính chàng trai cũng đang đang tha thẩn, chơi vơi giữa miền rong chơi của mùa xuân, mỗi người mỗi ngả:

Áo phai gương mặt buồn
Thoắt nhiên cười thơ dại
Tôi cầm tháng Giêng non
Rong chơi miền xa ngái.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mùa xuân, mùa áo phai, mùa của gương mặt buồn, mùa non tơ, mùa tháng Giêng mỏng mảnh như cầm được trên tay trong niềm phiêu lãng. Tâm trạng của thi nhân mang sắc thái cỏ cây, trở về ấu thơ, về với bản thể hồn nhiên chân phác. Điều thú vị ở khổ thơ này là cảm hứng sự “thoắt nhiên” ấy, thoắt vui rồi thoắt buồn, vừa mới hy vọng đã thoắt xa xôi. Từ những con đường riêng ấy, đã dẫn đến hội xuân náo nức, và cô gái đã thành chủ nhân của mùa xuân, tâm cảnh của bức tranh tâm hồn:

Em vào mùa lễ hội
Giẫm cỏ xanh mượt lòng
Mắt biếc như sương núi
Tôi hoá thành hư không.

Hình ảnh “Giẫm cỏ xanh mượt lòng” gợi ta nhớ đến “hội đạp thanh” trong truyện Kiều của Nguyễn Du với duyên gặp gỡ Kim-Kiều. Chỉ có điều trước cái đẹp ấy, chàng trai soi mình vào đó tất cả chỉ thấy hư không, như vô nghĩa trước vẻ đẹp. Một sự dở dang, tiếc nuối, đẹp và buồn. Có hội ngộ mà không đính ước, thề hẹn:

Trở về con dốc cũ
Tôi ngồi nhìn nước trôi
Gió phất tà áo bụi
Rơi một phiến mây trời.

Bài thơ được kết bằng một tâm trạng của người lãng du: vẫn có mây trôi, nước chảy, tà áo phong sương, gió bụi nơi chốn cũ (con dốc cũ). Bài thơ của Từ Kế Tường viết chưa lâu nhưng mang màu sắc của những bài thơ Mới đầu thể kỉ XX. Có chút gì đó thoát ly, siêu thực nhưng cũng đầy khát vọng. Xuyên suốt cả bài thơ là những xúc cảm chia lìa, như rơi phiến mây, rơi tiếng lá, tiếng chuông chùa vỡ... Đẹp và buồn, chia xa mà không bi luỵ, âu cũng là tâm thế trong chiều xuân này…

LÂM VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.