Chiều cuối năm

Chia sẻ

Bỗng nhiên những đợt rét
Thổi tái tê lòng người
Chiều cuối năm nhớ mẹ
Khói bếp bay lên trời

Hoa đã hồng mẹ ơi
Mùa đã xanh đầy mắt
Đã dâng đầy mặt đất
Men rượu đào ngất ngây

Đã xôn xao lời cây
Đã nồng nàn góc phố
Chiều cuối năm giữa chợ
Bơ vơ không chốn về

Trong mảnh vườn của mẹ
Cây cà trổ hoa thưa
Ngoài hiên chiều lần lữa
Hắt màu lên mái nhà

Chiều cuối năm phương xa
Thương mẹ nghèo áo mỏng
Đôi bàn tay lạnh cóng
Hơ ngang bếp lửa tàn

Ta đi không làm quan
Ta về không mũ áo
Ta mãi là sơ sinh
Trong vòng tay của mẹ.
                          Bình Nguyên Trang

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Trước lúc đọc bài thơ này, tôi chưa từng gặp một giọng thơ nữ nào đầy cảm xúc nhưng lại cứng cỏi, ngang tàng đến thế. “Ta đi không làm quan/ Ta về không mũ áo” là khẩu khí của đấng nam nhi, sự cứng cỏi đó tạo ra sự mạch lạc trong thơ của Bình Nguyên Trang. “Chiều cuối năm” là sự đan xen giữa những cảm xúc nhẹ nhàng và tha thiết.

Bỗng nhiên những đợt rét
Thổi tái tê lòng người
Chiều cuối năm nhớ mẹ
Khói bếp bay lên trời.

Bài thơ cũng khởi đầu một cảm xúc của cố hương thường thấy trong thi ca xưa: Nhìn khói bếp, nhớ quê nhà. Sợi khói bắt đầu vẽ một nẻo về, một sợi dây liên hệ, là can cớ để nhớ mong rẽ lối gió rét tìm về. Và, bắt đầu là chuyện của hoa:

Hoa đã hồng mẹ ơi
Mùa đã xanh đầy mắt
Đã dâng đầy mặt đất
Men rượu đào ngất ngây.

“Men rượu đào” mà một nữ thi sĩ nhắc đến không mang vị đắm say, ngây ngất như cảm xúc trong thơ những người đàn ông. Men ở đây là sinh khí của mùa xuân. Vạn vật say men xuân mà “xanh đầy mắt” mà “dâng đầy mặt đất”. Mùa xuân đã về gần lắm, đã tới khu vườn của mẹ trong sắc màu những cái cây bình dị nhất:

Trong mảnh vườn của mẹ
Cây cà trổ hoa thưa
Ngoài hiên chiều lần lữa
Hắt màu lên mái nhà.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Một màu hoa cà chấm phá giữa mùa xuân gợi nơi góc vườn quê nghèo dân dã mà ấm áp. Hoa cà trong thơ Bình Nguyên Trang như cô Tấm chốn thôn quê lấm láp hiếm khi được nhắc đến giờ đây được đến hội xuân. Nhờ có người con gái làm thơ mà diện mạo của hoa hiện lên màu nhiệm thế. Thế nên, ta cảm nhận được, chiều ấy chậm lắm (lần lữa) như chửa muốn tiễn ngày qua. Mùa xuân hiện lên rõ nhất là khi nhớ đến hình ảnh mẹ:

Chiều cuối năm phương xa
Thương mẹ nghèo áo mỏng
Đôi bàn tay lạnh cóng
Hơ ngang bếp lửa tàn.

“Mẹ nghèo - áo mỏng” là một cặp hình ảnh sóng đôi đã xuất hiện khá nhiều trong thơ, nhưng điều đặc biệt trong thi phẩm này là có thêm: “Đôi bàn tay lạnh cóng/ Hơ ngang bếp lửa tàn”. Đôi bàn tay lạnh vì lam lũ để tìm hơi ấm dành cho con. Bếp lửa tàn cũng là sự đơn sơ, mong manh. Lửa cũng mỏng, cũng già nua như mẹ, bàn tay lạnh hơ ngang qua bếp lửa mỏng… tất cả cứ cộng hưởng vào nhau thành một khối cảm xúc tê tái. Và sau cùng là tâm thế của người con tự trào, tự phác họa về mình:

Ta đi không làm quan
Ta về không mũ áo
Ta mãi là sơ sinh
Trong vòng tay của mẹ.

Thế gian rộng dài, thế nhân đa sự, cuộc đời bận rộn nhưng cả hai lẽ đi-về đều thanh thản vô thường. Tay trắng có thể vì thất bại, có thể vì không tham, sân, si, có thể vì không màng danh lợi. Nhưng, tay trắng còn là vì ta biết trở về để được là “sơ sinh” trước mẹ. Đối diện với mẹ ta luôn là bé nhỏ, một sự bé nhỏ đầy triết luận, không hề yếu đuối nhưng cũng tự nhiên như nhiên. Phía sau “Chiều cuối năm” của Bình Nguyên Trang còn có một vĩ thanh ngân mãi vào năm mới.

VIỆT PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.