Chiều xanh

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Có một chiều xanh thẳm ở trong nhau
Gian gác nhỏ mưa lan mờ bến bãi
áo em ngắn hết một thời con gái
Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu

Có một chiều xa vắng ở bên nhau
Gió non thổi bậc thềm già nắng quái
Tóc em rối trăng lên chưa kịp chải
Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây

Có một chiều giếng đá lá khô bay
Con đường dốc em đi không trở lại
Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm bãi
Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu

Có một chiều yên ấm ở xa nhau
Anh chợt thấy vầng trăng rằm cũng khuyết
Tà áo bồng bềnh cơn gió rét
Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay...

                            Trần Nhuận Minh

Chiều xanh - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH
Khi gió lạnh về, mùa đông thực sự đặt dấu ấn của mình lên khắp các vùng quê, các con phố, không chỉ có đất trời đổi thay mà lòng người cũng xao động. Thi nhân sẽ luôn là những người nhạy cảm nhất trước những biến động ấy, bởi thế anh đã gọi tên buổi chiều ấy bằng một sắc màu cảm xúc của mình: “Chiều xanh thẳm ở trong nhau”, anh đã diễn giải như thế này:

Có một chiều xanh thẳm ở trong nhau
Gian gác nhỏ mưa lan mờ bến bãi
áo em ngắn hết một thời con gái
Nỗi yêu anh còn biết giấu vào đâu

Từ khổ thơ đầu tiên, người đọc đã nhận ra chiều ấy thuộc về một người con gái, người con gái ấy đang ở độ tuổi e thẹn, rụt rè, kín đáo vừa duyên dáng trong tà áo ngắn nhưng cũng thiết tha say đắm với nỗi nhớ (biết giấu vào đâu). Đến khổ thơ thứ hai, không gian được mở rộng hơn, ý tứ cũng có sự biến chuyển:

Có một chiều xa vắng ở bên nhau
Gió non thổi bậc thềm già nắng quái
Tóc em rối trăng lên chưa kịp chải
Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây

Sau “áo em ngắn” là đến mái tóc, một mái tóc vụng về của tuổi đang yêu. Chữ “rối” ấy đâu chỉ có mái tóc mà còn gợi cả những bối rối trong tâm hồn thiếu nữ. Và, khi yêu thương còn có xa cách, nhớ nhung, giận hờn. Tất cả đọng lại trong đôi mắt. Nhà thơ đã mỹ lệ hóa vẻ đẹp ấy, tâm trạng ấy thành biểu tượng như thế: “Đôi giọt buồn mơ mộng đọng trong mây”. Nếu hai khổ thơ trước mang dấu ấn mùa xuân, mùa hạ, thì đến khổ thơ thứ ba này, người đọc cảm nhận được không khí của mùa đông đã đến thật sự:

Có một chiều giếng đá lá khô bay
Con đường dốc em đi không trở lại
Mây trinh nữ che nghiêng trời xóm bãi
Chim le le gọi bạn cuối đầm sâu

Giếng đá, lá (vàng) khô bay, con đường vắng (em đi không trở lại) và một biểu tượng đẹp nữa đó là đôi chim le le đang gọi bạn. Sự âu yếm, ngọt ngào ấy như một đối lập, tương phản gợi sự lẻ loi, đơn chiếc từ phía người con trai. Ai cũng biết mùa thu buồn, là mùa chia lìa nhưng đâu ngỡ nó u sầu đến thế. Và đến khổ thơ cuối, dấu ấn mùa đông với gió lạnh về, với xa vắng thật sự rõ nét:

Có một chiều yên ấm ở xa nhau
Anh chợt thấy vầng trăng rằm cũng khuyết
Tà áo bồng bềnh cơn gió rét
Thổi nao lòng từ tuổi chớm hoa bay...

Nếu hôm nào là tà áo ngắn thì đến đây là “Tà áo bồng bềnh”. Hiện lên rõ nét hơn trong không gian lạnh lẽo, là một tâm hồn đang xôn xao (Thổi nao lòng). Bài thơ Chiều xanh của Trần Nhuận Minh u buồn và bi lụy quá chăng? Nếu đọc kỹ, bạn sẽ nhận ra tất cả những suy cảm đó chỉ là dấu hiệu của một người yêu say đắm, luôn thương nhớ, mong ngóng và khát khao. Đó là một cách để thể hiện tình yêu tha thiết và rung động trước sự biến chuyển tinh tế của mùa màng…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.