Chợ đồ cổ trên phố cổ Hà Thành

Bài và ảnh: Mạnh Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Cuối năm, người Hà Nội rất thích đi mua đồ cổ để về trưng bày, trang trí đón năm mới. Không có đồ cổ hoặc không đủ tiền mua, họ sẽ mua đồ giả cổ. Nhiều năm nay, từ khoảng ngày 20 tháng Chạp là người Hà Nội lại có một thú vui rủ nhau đi tham quan, mua sắm đồ cổ, đồ giả cổ ở chợ đồ cổ trên phố cổ Hà thành. Với nhiều người, điều này đã thành thói quen như đi mua cành đào, cây mai khi Xuân về…

Khác với chợ Viềng nổi tiếng của Nam Định được tổ chức vào đêm mùng 7 và sáng ngày 8 tháng Giêng hàng năm, có bày bán các mặt hàng: Thịt bò, cây giống, đồ đồng giả cổ, đồ mây tre đan… đây là một phiên chợ văn hóa, có pha một chút tín ngưỡng, người bán kẻ mua ở chợ Viềng chủ yếu để lấy may, chợ đồ cổ Hà Nội lại có một phong vị rất khác.

Chợ đồ cổ trên phố cổ Hà Thành - ảnh 1
khách tham quan chợ

Chợ đồ cổ Hà Nội nằm trên khu phố cổ đã xuất hiện trên 10 năm, thường được họp mỗi năm một lần, do một số người say mê đồ cũ, đồ cổ, đồ giả cổ gặp gỡ và cùng nhau tổ chức thành chợ. Chợ được mở từ ngày 20 tháng Chạp đến hết ngày 30 tháng Chạp (30 Tết).  Chợ thực sự đông đúc vào dịp ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp. Trong những ngày chợ diễn ra, trên vỉa hè, dưới lòng đường khu vực đầu phố Hàng Mã, Hàng Lược bày bán, giới thiệu rất nhiều loại đồ cổ, đồ giả cổ, vật dụng sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày.

Dạo chợ sẽ thấy rất nhiều vật dụng hầu như đã vắng bóng ở các gia đình xuất hiện như: Hoành phi, câu đối, đèn dầu, lư hương, điếu cày, điếu bát, chậu đồng, mâm đồng, salon, chậu hoa, các con vật: Sư tử, hổ, cá chép... đến tượng Phật bà Quan Âm, tượng Di Lặc, tiền cổ, ấm pha trà các loại, bình vôi bằng đồng và bằng gốm. 

Chợ đồ cổ trên phố cổ Hà Thành - ảnh 2
khách tham quan chợ

Không chỉ có vậy, chợ còn bán các loại đồ vật gắn với một thời chiến tranh như: Mũ sắt, mũ tai bèo, bi đông sắt, lọ hoa làm bằng vỏ đạn pháo, các loại đèn chai, đèn dầu, đèn bão, đèn măng sông… Nói chung cứ cái gì cũ kỹ là được đem ra bán tất vào dịp này. Đặc biệt chợ còn có các loại đồ vật hết sức có giá trị của những gia đình quyền quý xưa như: Trâm cài tóc bằng vàng, bạc, rồng, chặn giấy mạ vàng, nghiên mực bằng đá trắng... Tất cả các đồ vật ở đây vừa trưng bày, giới thiệu và bán cho khách có nhu cầu.
Kể từ khi chợ đồ cổ ra đời đã thực sự cuốn hút du khách cũng như người dân Hà Nội đến chiêm ngưỡng, chọn mua, tìm hiểu, khám phá. Những ngày phiên chợ diễn ra số lượng khách đến mua sắm, tham quan đông không kém khách đến mua hoa, đào, quất cảnh ở chợ hoa.

Chợ đồ cổ trên phố cổ Hà Thành - ảnh 3

Phiên chợ đồ cổ đã tạo nên một không khí mang đậm nét hoài niệm, gợi nhớ về dấu ấn của đất Kinh kỳ Thăng Long xưa, dấu ấn về cuộc sống thường ngày của người dân một thời. Điều này đã tạo nên một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội, vừa là mua sắm những đồ vật có giá trị nhiều mặt về trưng bày, để chuẩn bị chào đón một năm mới, vừa là tấm lòng hoài niệm về những gì xưa cũ của đất Kinh kỳ. 

Chợ đồ cổ trên phố cổ Hà Thành - ảnh 4
Các loại bình gốm, sứ giả cổ

Chính vì thế trong những ngày cuối năm, dù bận rộn cho những công việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, người dân Hà Thành đều dành thời gian để đến tham quan, ngắm nhìn những đồ vật bày bán ở chợ để nhớ về một thời, nhớ về những ký ức, kỷ niệm và để trao đổi, tâm sự cùng với những người say mê về cổ vật, bởi mỗi cổ vật đều có những nét đẹp, sự độc đáo và đều có một cuộc sống riêng. Đồng thời khi đến đây những người say mê nghiên cứu, sưu tầm cổ vật sẽ chọn lựa, mua cho mình được những cổ vật ưng ý nhất, để qua đó giúp cho mình có được bộ sưu tập đầy đủ, tạo nên cho mình niềm vui được trọn vẹn về cổ vật khi năm mới đến.

Du khách rất thích tham quan chợ đồ cổ Hà Nội. Họ thích thú khi được chiêm ngưỡng những cổ vật, đồ dùng sinh hoạt  ghi đậm dấu ấn của một thời kỳ lịch sử, hiểu thêm về con người, văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đất nước và con người Việt Nam nói chung, đất và người Thăng Long, Hà Nội nói riêng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Không chỉ có vậy, phiên chợ còn tạo cơ hội cho những người xa Hà Nội nay có dịp trở về, được ngắm nhìn những cổ vật gắn bó một thời sẽ làm bớt đi nỗi nhớ về những sắc màu, những nét riêng của Hà Nội đã và đang khó tìm trong cuộc sống bận rộn của nền kinh tế thị trường. 

Chợ đồ cổ trên phố cổ Hà Thành - ảnh 5
Các loại đồ cũ đồ giả cổ

Điều thú vị là phiên chợ mở ra, bán được nhiều hay ít không phải là điều quan trọng, mà quan trọng hơn là đã thực sự tạo thêm một điểm nhấn, một nét riêng của Hà Nội, trở thành điểm hẹn của du khách gần xa khi Tết đến Xuân về.

Một mùa Xuân mới sắp về, khi đến thăm Hà Nội trong những ngày giáp Tết, hãy đến thăm phố cổ, dừng chân ở chợ đồ cổ để chiêm ngưỡng, cảm nhận và tìm chọn mua cho mình một đồ vật mang dấu ấn về mảnh đất và con người Thăng Long, chắc chắn sẽ có nhiều điều lý thú và hấp dẫn đến với mỗi người. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

Phim lịch sử, chiến tranh Việt Nam: Dấu ấn của ký ức và niềm tự hào

(PNTĐ) - Điểm lại lịch sử điện ảnh Việt, dòng phim về chiến tranh tuy không sôi động nhưng mỗi tác phẩm đều để lại những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả, trở thành những bài học lịch sử sống động đi vào lòng người, nhắc nhở chúng ta không quên những năm tháng cha anh đã sống và chiến đấu như thế, không quên lịch sử nước nhà đã trải qua những gì để có cuộc sống hòa bình, êm ấm như hôm nay… Cũng vì vậy, chúng ta thật sự phấn chấn khi dòng phim chiến tranh đang “nở rộ” và được công chúng đón nhận nhiệt tình gần đây.
169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Gia đình không ruột thịt

Gia đình không ruột thịt

(PNTĐ) - Ông sinh vào tháng 5 năm 1960 trong một gia đình nghèo ở xã Bảo An, thành phố Giang Sơn, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Mất cha từ khi còn nhỏ, ông ra ngoài kiếm sống khi mới 9 tuổi, chăn vịt cho người khác, nhặt rác, bán hàng rong và dựng quầy hàng... Không có nơi ở cố định, ông sống cuộc sống lang thang ở vùng núi biên giới các tỉnh Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tây.