Chỗ dựa cuối đời

Hương Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà và cô con gái khuyết tật sống ở một căn hộ hơn 10m2 ở khu tập thể cũ. Ai đó có thể nghĩ căn hộ đó chật chội, bí bách nhưng với bà đó là cả một gia tài. Bà vẫn bảo, đây là chỗ dựa cuối đời của mẹ con bà.

Vậy mà rồi tới một ngày, bà cũng đánh mất chỗ dựa cuối cùng ấy. Tôi còn nhớ khi bà và con gái đột ngột rời khỏi căn hộ, bà rất vui vẻ chào tôi, người hàng xóm thân thiết của mẹ con bà: “Tôi tạm dọn đi một thời gian rồi tôi lại về. Cô cứ ở đây chờ mẹ con tôi nhé. Rồi chúng ta lại hàn huyên, tâm sự”.

Thì ra là bà cho thuê nhà. Nghe bà kể, căn hộ bé xíu ấy bình thường chỉ cho thuê được 2 triệu đồng một tháng. Thế mà nay có người sẵn sàng trả tới 5 triệu. Bà nhẩm tính, số tiền đó bằng bà lao động vất vả cả tháng cũng không có được. Chi bằng, bà cho thuê đôi năm, kiếm lấy ít tiền dắt lưng.

Với hoàn cảnh của hai mẹ con bà, tôi thấy, bà tính thế cũng phải. Ở khu tập thể này, mẹ con bà có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bà có hai cô con gái, cô đầu ở nhà chồng, sau đó thì chồng mất nhưng vẫn được gia đình chồng cưu mang, cho một mảnh đất nhỏ để dựng tạm ngôi nhà cấp 4. Cô thứ 2 thì bệnh tật, không giúp gì được cho mẹ mà dựa vào mẹ nuôi. Bản thân bà chỉ là lao động tự do, lúc còn trẻ thì chạy chợ, sau cao tuổi thì đi rửa bát thuê. Nhưng rồi quán ăn cũng chê bà yếu, hay làm đổ vỡ nên tìm người trẻ khỏe hơn.

Để mưu sinh, bà quay sang lau dọn nhà thuê cho các hộ gia đình trong khu tập thể. Bà con thương bà, có việc gì phù hợp cũng gọi bà sang làm có trả công, rồi thi thoảng còn cho bà thêm tấm áo, manh quần, chút gạo, mì... Nhờ vậy mà hai mẹ con bà cũng có thể sống qua ngày.

Chỗ dựa cuối đời - ảnh 1
Ảnh minh họa

Có lần ngồi nói chuyện với bà, tôi hỏi bà có bao giờ nghĩ về tương lai không? Bà bảo bà già rồi, giờ chỉ lo cho các con thôi. Bà thương con gái lớn sớm góa bụa, nhưng dù sao cô ấy cũng có đủ tay chân, có thể làm việc để kiếm sống như mọi người bình thường khác. Bà lo nhiều hơn cho con gái thứ 2, sau này bà chết đi, thì biết dựa vào ai. Bà nói bà nghèo quá, chả có tiền cho con. Chỉ có ngôi nhà nhỏ này, bà muốn sau này cho con gái út.

Bà tính con gái út khi cần có thể bán đi lấy tiền rồi xin vào các trung tâm chăm sóc người cô đơn, khuyết tật mà sống. Rồi bà dặn tôi: “Cô học rộng biết nhiều, cần thì cô thay mặt tôi, đứng ra lo liệu các thủ tục bán nhà cho cháu nó”. Bà luôn tin, hai mẹ con bà còn ở khu tập thể này thật nhiều năm nữa, tới tận khi bà qua đời và nhờ tôi chăm lo cô con gái khuyết tật.

Tôi lại hỏi bà: “Nhưng nhà là của chung, bà có chia cho con gái cả không?”. Bà chậm rãi bảo: “À, việc này tôi đã lo liệu xong rồi. Trước kia, khi cháu lớn cần tiền kinh doanh buôn bán, tôi đã cho cháu toàn bộ số vàng từ thời các cụ để lại, cộng với cả tiền tôi đi làm gom góp được. Vì vậy mà giờ tôi mới trắng tay về tiền. Nếu so với giá trị của nửa căn nhà này thì vẫn chưa đủ, nhưng chị em với nhau lọt sàng xuống nia. Không lẽ, nó lại còn tính toán thiệt hơn từng đồng với em gái”.

Nghe xong kế hoạch của bà, tôi thấy khá yên tâm. Rồi cho đến lúc mẹ con bà chuyển đi để mỗi tháng có thêm 5 triệu đồng, tôi lại càng mừng, tin rằng khó khăn của hai mẹ con sẽ dần được tháo gỡ.

Tôi không ngờ là đến một ngày kia, bà lại gõ cửa nhà tôi, xin hớp nước. Rồi tôi chưa kịp hỏi gì, bà đã òa khóc nức nở. Bà run rẩy nói: “Tôi đã bị lừa rồi cô ạ. Mà đau lắm, đau lắm, tôi còn bị chính con gái ruột lừa”.

Chỗ dựa cuối đời - ảnh 2
Ảnh minh họa

Tôi lạnh người, hỏi kỹ mọi việc. Thì ra, người nói với bà là có khách thuê nhà giá cao chính là cô con gái lớn. Rồi cô cũng khuyên bà nên cho thuê nhà vài năm lấy tiền tích lũy còn hai mẹ con bà dọn về ở nhà với cô. Ngôi nhà đó trước của nhà chồng cô cho, nhưng giờ đã thuộc sở hữu của cô rồi nên mẹ con bà không phải ngại. Bà tin lời con gái nên đồng ý.

- Nào ngờ cô ạ. Làm gì có ai thuê nhà giá cao như thế. Tôi chỉ vừa dọn đi thì nó đã âm thầm cho người vào đây sửa chữa, sửa sang lại.

Lời bà kể được tôi xác nhận vì đúng là sau đó có người đến sửa sang lại nhà. Tôi lúc đó còn băn khoăn là sao họ lại bỏ tiền để làm đẹp nhà làm gì vì đó đâu có phải là nhà của họ.

Bà lại kể tiếp:

- Người ta không phải khách thuê đâu mà là khách mua nhà đó. Con gái tôi nó lợi dụng tôi già cả, mắt kém nên lừa tôi ký giấy đồng ý bán nhà, còn tôi lại vẫn tưởng đó là hợp đồng cho thuê nhà cô ạ.

Hơn 1 năm dọn về nhà con gái, bà cứ ngỡ là mấy mẹ con sẽ nương tựa vào nhau. Nào ngờ cô con gái lớn chỉ vui vẻ với mẹ và em được vài ngày đầu, sau đó cô bắt đầu rên rẩm là nhà chật, rồi phải hầu hạ mẹ và em. Cô còn chì chiết là nhà thêm người thì chi phí tiêu tốn. Đến lúc không chịu nổi, bà đòi về nhà ở, không cho thuê nữa thì con gái bà cứ khất lần. Rồi khi bà làm mạnh thì con gái bà mới thú thật là đã bán nhà rồi.

Chỗ dựa cuối đời - ảnh 3
Ảnh minh họa

Tất nhiên là bà không đồng ý vì nhà đó bà đã có ý để lại cho con gái út. Con gái lớn của bà liền nói tiếp sự thật là cô chơi cá độ, bị thua rất nhiều tiền. Vì vậy mà cô phải lừa bà bán nhà để lấy tiền trả nợ. Cô còn bảo bà là mẹ, liệu có nhắm mắt làm ngơ được không khi thấy con gái bị bọn đòi nợ thuê truy đuổi, đe dọa. Chẳng qua là cô chỉ thay bà làm một việc hợp lẽ nhưng không cho bà biết rõ để bà không đau lòng.

Không tin lời con, bà đã tự tìm về nhà thì chủ mới cũng nói hệt như vậy. Chủ nhà còn nói bà không được lật lọng vì con gái bà đã cầm của ông ta tiền rồi. Sau này, nếu ông ta cần chuyển tên trên sổ đỏ thì bà phải hợp tác để ký giấy tờ.

Càng kể, bà càng khóc nhiều hơn. Tôi có thể nhận ra trong những giọt nước mắt đó có sự giận dữ của người mẹ khi bị con lừa, đau đớn khi chị lại lấy hết tài sản lẽ ra là của em, sự hoang mang khi lo cho tương lai của cô con gái sau này biết bấu víu vào đâu vì khuyết tật, không thể tự lao động mà cũng chẳng có tiền.

Tôi chỉ có thể an ủi bà hãy gắng gượng vì sự việc đã diễn ra rồi, giờ nghĩ tiêu cực cũng chẳng thay đổi được gì mà bà lại còn bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng trong lòng, càng nghĩ, tôi lại càng thương bà. Bà chỉ có hai chỗ dựa cuối đời là ngôi nhà và con gái lớn thì tất cả đều đã không còn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Yêu thương kết trái

Yêu thương kết trái

(PNTĐ) - Ngày về chung nhà với anh, chị Nhung không chỉ học làm vợ, làm dâu mà còn học làm mẹ của một đứa trẻ bướng bỉnh. Bé trai lúc đó mới chỉ 5 tuổi, đôi mắt to tròn luôn nhìn chị với vẻ nghi ngờ và xa cách.
Phút bình yên

Phút bình yên

(PNTĐ) - Buổi sáng Chủ nhật, chị Là bế trên tay đứa trẻ ngoài 3 tháng tuổi ra hiên ngồi sau những ngày mưa bão mịt mù. Người trong ngõ nhỏ đi qua đi lại nhìn chị mỉm cười thân thiện, âu yếm nựng đứa trẻ. Chị tươi cười, ánh mắt tràn đầy niềm vui.
Người bạn 4 chân

Người bạn 4 chân

(PNTĐ) - Đang ngồi “sầu não” vì trời mưa gió, cửa hàng quần áo không có khách, bỗng Phương Linh nhận được tin nhắn của bố: “Con ơi, có con cún này lạc từ đầu hè không ai nhận này. Bố muốn liên hệ với trạm cứu hộ chứ nhìn nó tội quá”.