Chớm đông

Chia sẻ

Chớm đông rồi, nơi ấy lạnh chưa em?
Nhớ ven hồ, cà phê chiều xưa vắng
Trời se se, nhâm nhi vài giọt đắng
Chút nồng nàn và một thoáng chia phôi

Vẫn quán xưa, vẫn ghế cũ anh ngồi
Cà phê đôi, một nhành hoa thế chỗ
Bản nhạc quen, cũng là giai điệu cũ
Chỉ mới là chẳng có ánh nhìn em

Đẹp nao lòng khoảnh khắc ấy xa xăm
Em tìm gì trên mặt hồ gợn sóng
Gió khẽ lay tiếng thở dài rất mỏng
Cho nhẹ lòng níu kéo bước người đi

Dìu dịu buồn với mỏng mảnh họa mi
Một nhành thôi cũng đủ đầy năm tháng
Anh quên rồi chiều xưa cùng giọt đắng
Chỉ se lòng một chút nhớ mùa sang

Chẳng xa nhau sao anh biết đánh đàn
Biết làm thơ, biết gì là sâu thẳm
Rồi nhận ra một góc chiều đằm thắm
Lúc buông rồi lại biết chớm vào đông
                                                                 Lê Hoàng
               Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đông Anh

Ảnh minh họaẢnh minh họa

LỜI BÌNH
Chớm đông không chỉ là thời khắc đặc biệt của thiên nhiên mà còn với cả con người. Chút nuối tiếc, chút se lạnh của ngày hôm nay còn thuộc về kỷ niệm, dạy cho ta biết lưu luyến, nhớ thương… Bởi thế, cũng góc hồ ấy, chỗ ngồi ấy, bên ly cà phê này mà vẫn có cõi xưa, tình xưa:

Chớm đông rồi, nơi ấy lạnh chưa em?
Nhớ ven hồ, cà phê chiều xưa vắng
Trời se se, nhâm nhi vài giọt đắng
Chút nồng nàn và một thoáng chia phôi.

Có thể là anh còn quá nặng lòng, nhưng với người xưa thật khó lòng quên được, tất cả chỉ còn đọng trong một ly cà phê kỷ niệm với: “vài giọt đắng”, “chút nồng nàn”, “thoáng chia phôi”… Trong niềm bâng khuâng ấy là một góc nhỏ bé, đủ để anh lưu giữ kỷ niệm:

Vẫn quán xưa, vẫn ghế cũ anh ngồi
Cà phê đôi, một nhành hoa thế chỗ
Bản nhạc quen, cũng là giai điệu cũ
Chỉ mới là chẳng có ánh nhìn em.

Điều đặc biệt nhất ở khổ thơ này không phải ở quán xưa, ghế cũ, bản nhạc xưa, cà phê đôi… mà ở phía đối diện là một “nàng” cúc hoạ mi, một “người tình” mới đã thế chỗ em. Vẫn cứ hài hoà, cân đối, sóng đôi đó chứ, chỉ khác là thiếu một ánh mắt em nhìn. Cái cách mà chàng trai trong Chớm đông của Lê Hoàng hoài niệm tình cũ thật đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ tưởng như quên mà vẫn nhớ, tưởng như xa mà gần, tựa như em và ngày ấy mới vừa đâu đây:

Đẹp nao lòng khoảnh khắc ấy xa xăm
Em tìm gì trên mặt hồ gợn sóng
Gió khẽ lay tiếng thở dài rất mỏng
Cho nhẹ lòng níu kéo bước người đi.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nơi ánh mắt em ngày xưa nhìn về là mặt hồ chớm đông với những gợn sóng như một tiếng thở dài. Tình yêu xưa nay đâu phải chỉ có “thuận buồm xuôi gió” mà còn đầy trái ngang trắc trở, những ánh mắt buồn, những tiếng thở dài đâu có gì lạ lẫm. Thế nhưng, điều đặc biệt lại đến từ cách người con trai nhớ về tình yêu ngày ấy, tưởng như mạnh mẽ, tưởng như lạnh lùng mà vẫn ẩn chứa một tâm trạng kín đáo.

Dìu dịu buồn với mỏng mảnh họa mi
Một nhành thôi cũng đủ đầy năm tháng
Anh quên rồi chiều xưa cùng giọt đắng
Chỉ se lòng một chút nhớ mùa sang.

Thật tình cờ và trùng hợp, sự “dìu dịu” của nỗi buồn và dáng “mỏng mảnh” của cúc họa mi như đồng điệu, hoá thân vào nhau, “người tình” hoa hôm nay đã đến, lấp đầy sự trống vắng của một chỗ ngồi, của nỗi nhớ. Nhưng, khi tưởng như đã quên, đã xa, đã rất mạnh mẽ ấy, vẫn thoáng một chút gì khắc khoải, thảng thốt với tình đầu:

Chẳng xa nhau sao anh biết đánh đàn
Biết làm thơ, biết gì là sâu thẳm
Rồi nhận ra một góc chiều đằm thắm
Lúc buông rồi lại biết chớm vào đông.

Có lẽ không chỉ chàng trai trong thơ Lê Hoàng mà không ít người trong số chúng ta cũng từng phải cảm ơn tình yêu bởi điều tốt đẹp đọng lại chính là những chiêm nghiệm. Không đau khổ, nuối tiếc, buồn thương nhớ, sao anh“biết đánh đàn”, “biết làm thơ”, “biết chớm vào đông” và… biết thế nào là một tình yêu. Dường như trong từng câu chữ của bài thơ này còn đọng những ẩn ý, những suy tư như mặt hồ chưa bao giờ lặng sóng...

PHƯƠNG VIỆT

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.