Chồng nằm không dù “sức dài vai rộng”

Trần Huyền Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tháng tới, cơ quan Thanh tổ chức sự kiện gặp mặt gia đình nhân viên. Mọi người ai cũng háo hức cho vợ/chồng tham gia, cũng là để có cơ hội trình diện “hậu phương” của mình. Nhưng, Thanh thì chỉ đăng ký một mình. Cô giải thích với đồng nghiệp: “Chồng em đang đi biệt phái trong Nam, khoảng 1 năm nữa mới về”.

Kỳ thực, chồng Thanh vẫn ở nhà. Đúng hơn là ngày nào anh cũng ở nhà mà không biết chán. Nhà chồng Thanh có một căn hộ mặt đường cho thuê, mỗi tháng mẹ chồng trích ra 7 triệu bổ sung cho vợ chồng Thanh nuôi con. Chồng Thanh vin vào cớ đó, cho rằng vậy là anh cũng đã góp phần nuôi gia đình chứ không ăn bám vợ con. 

Hơn 10 năm nay, chồng Thanh chỉ ở nhà chứ không chịu đi làm. Thanh nhiều lần giục giã, nhắc anh đi xin việc, không xin được việc lương cao thì làm ở chỗ vừa tầm, miễn là đừng để mình “nhàn cư vi bất thiện”. Chồng Thanh cự lại, “anh nhàn cư” nhưng không “bất thiện”, anh không làm điều gì phạm pháp, chung thủy với vợ, thương yêu các con, lo lắng cho gia đình thì sao phải xấu hổ. 

Thanh thì nghĩ khác, nếu biết thế này, ngày trước, cô đã không lấy anh. Hồi trước cưới, chồng Thanh cũng có việc làm hẳn hoi, Thanh còn hy vọng cô sau này sẽ được tự hào về chồng. Thanh đâu có ngờ, tính chồng cô chóng chán, làm ở đâu cũng chỉ được một thời gian là bỏ. Lúc đầu Thanh cho là do chồng chưa tìm được môi trường tốt, rồi nghe cách anh phàn nàn là không được sếp tạo điều kiện nên cô ủng hộ anh nghỉ việc để tìm nơi làm mới. 

Chồng nằm không dù “sức dài vai rộng” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Hồi đó, cô sinh con thứ 2, bố mẹ chồng già yếu, nhà ngoại thì ở xa, thành thử hết 6 tháng phải đi làm trở lại, chồng cô nhận sẽ ở nhà chăm con giúp cô một thời gian. Chồng cô nói, lương thuê bảo mẫu trông con cũng tốn gần hết suất lương của hai vợ chồng, nên thôi, anh khỏi cần đi làm nữa để ở nhà lo cho gia đình. 

Lúc đó, cô còn biết ơn vì chồng hy sinh cho gia đình, tạm gác lại sự nghiệp. Phải thừa nhận là chồng cô cũng khéo léo, nên các con có bố chăm đều khỏe mạnh, phổng phao. Thanh thấy thế cũng được, chỉ lo là chồng có ngại khi mang tiếng “đàn ông ở nhà nội trợ hay không”. Song, cô thấy anh chả buồn, chả tủi thân gì, thậm chí còn rất hớn hở khi từ nay được tự mình “làm sếp” của hai đứa con, chẳng phải lo thưa gửi ai. 

Mấy năm trôi qua, hai đứa con lần lượt đi học mẫu giáo, rồi vào tiểu học, việc nhà bắt đầu vãn dần. Hai vợ chồng Thanh chỉ ở trong  căn hộ tập thể cũ rộng chưa đầy 50m2 nên nào có việc gì nhiều. Trong khi đó, con càng lớn, chi phí nuôi con, cho con học càng tăng lên, Thanh bắt đầu bị áp lực về kinh tế. Cô bàn với chồng hay là anh đi làm trở lại, vừa để hòa nhập với xã hội, vừa có thêm tiền chi tiêu hàng tháng. Nhưng, hình như chồng Thanh ở nhà nhiều năm đã quen nếp nên anh cứ tìm cách khất lần.

Một lần, trong cùng một tháng, hai đứa trẻ dồn dập đổ bệnh. Thanh phải vét sạch tiền, còn xin cơ quan ứng trước tháng lương mới đủ tiền đưa con đi viện. Trong lúc mệt mỏi, cô kiên quyết yêu cầu chồng đi làm trở lại. Cô tính, cả ngày trời, anh chỉ ở nhà nằm đợi chiều đi đón con và nấu bữa tối là quá lãng phí sức lao động. Mấy việc nhà đó Thanh nói cô có thể đảm nhiệm sau giờ đi làm về. 

Chồng nằm không dù “sức dài vai rộng” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cứ tưởng như vậy là chồng tỉnh ngộ, ai ngờ, anh lại gọi điện sang than thở với mẹ. Sau đó, mẹ chồng Thanh tuyên bố mỗi tháng hỗ trợ vợ chồng cô 7 triệu đồng. Thanh nghe xong thì ngán ngẩm, bởi cô không phải muốn ngửa tay xin tiền nhà chồng. Từng này tuổi rồi, cô nghĩ nếu vợ chồng cùng cố gắng đi làm thì hoàn toàn có thể tự lo cho gia đình thay vì phiền tới bố mẹ già. 

Nói chồng không được, Thanh đành chào thua, trong lòng cô trào dâng sự hụt hẫng. Cô không yêu cầu anh phải là trụ cột kiếm tiền, nhưng, “sức dài vai rộng” mà không chịu đi làm thì cô không tìm ra lý do gì để ngụy biện được. 

Sau đó, do cả nhà chỉ trông vào suất lương của Thanh, tiền mẹ chồng cho cũng không đủ, nên cuộc sống của vợ chồng Thanh luôn ở trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Hơn 10 năm qua, đồ đạc trong nhà Thanh vẫn… y nguyên như hồi mới cưới. Còn nhà cửa thì bắt đầu xuống cấp dần. Nhiều lúc, Thanh cũng muốn thay đổi, sửa sang, nâng cấp nọ kia nhưng tiền trong túi không có. Thanh thấy ức chế vì cuộc sống trở nên tạm bợ, tồi tàn. 

Nói mạnh chồng không được, Thanh chuyển hướng dỗ dành, thuyết phục chồng dần dần theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Cô mong anh đi làm, gây dựng sự nghiệp vì đàn ông cũng nên có sự nghiệp của riêng mình. Rồi biết đâu đến lúc nào đó thời cơ đến, cả hai vợ chồng sẽ có thể nâng cấp cuộc sống khấm khá hơn.

Nhưng, nghe đến đây, chồng Thanh lại cười khà khà. Anh nói, anh không thích bon chen, kèn cựa. “Trời cho mình sao thì mình hưởng vậy, em ạ. Bây giờ, anh rất hài lòng với cuộc sống của mình rồi”.

Chồng nằm không dù “sức dài vai rộng” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Chồng Thanh là vậy, anh đã bị triệt tiêu ý chí tiến thủ từ bao giờ rồi. Anh chỉ cần được ở sâu trong cái vỏ ốc hiện tại, chứ cũng không có ý định thay đổi nó. Anh nói, ở nhà to thì mất công quét dọn nên ở nhà nhỏ như hiện tại cũng tốt. Cái sàn nhà bị bong tróc thiếu tiền làm lại, anh mua luôn mấy chục nghìn tiền xi măng đổ lên. Vậy là giữa sàn nhà đá hoa, có mấy cái ô vuông xi măng xám ngoét. Anh giải thích lát lại sàn tốn tiền, trét xi măng thì bền, xấu tý cũng chẳng chết ai. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, anh cũng cắt giảm luôn phần “đạm” để có đủ tiền chợ đến cuôi tháng. Đến bữa, anh nhường phần thịt trứng cho vợ con, còn mình chỉ nhào nhào cơm suông với chút rau luộc là xong bữa. Chồng Thanh thấy hài lòng về cách sống ấy, cho rằng, anh đã nhận hết phần thiệt về phía mình. Vì thế, Thanh cũng đừng bắt anh đi làm làm gì cho mất công. Anh còn nói sau này vợ chồng anh sẽ được mẹ cho thừa kế cái nhà mặt đường nên kiểu gì cũng có đủ tiền chi tiêu. Nếu sau này Thanh muốn con đi du học thì có thể bán nhà đó lo cho các con. “Thế nên, mình càng không cần phải quá nghĩ về tương lai sau này”, chồng Thanh nói. 

Trong số mấy chị em gái ruột của Thanh, chỉ có mỗi cô là có chồng ở nhà ăn không ngồi rồi. Các anh em rể khác ai cũng đều đi làm, người là giám đốc, người cũng chỉ là nhân viên bình thường. Thậm chí anh rể cả hết tuổi làm Nhà nước về hưu cũng lại đi làm thêm chân bảo vệ để được thấy sống có ích. Mỗi lần nghĩ tới điều ấy, là Thanh thấy buồn. Cô không hiểu sao chồng cô lại có quan niệm an phận, bằng lòng với cuộc sống hiện có. Cô gợi ý hay là chồng hay là tận dụng xe máy của nhà, nhận thêm chân đưa hàng thôi cũng được nhưng anh cũng không nghe. Bạn bè cùng lớp, thấy anh thất nghiệp đã lâu cũng có ý giúp đỡ kết nối công việc cho, nhưng anh đều từ chối.
Mỗi khi ở cơ quan mọi người hỏi thăm về chồng, Thanh đành dối quanh là chồng cô đi làm tự do bên ngoài. Chính cô cũng không hiểu vì sao chồng mình “sức dài vai rộng” lại cứ chỉ thích ở nhà ăn không, rồi bám lấy mấy triệu mẹ cho để an ủi là mình “sống có ích”.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.