Chú bộ đội “nâng bước em đến trường” (PS)

Chia sẻ

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương”, với phương châm ấy, những năm qua, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La đã có nhiều hoạt động giúp đỡ nhân dân vùng biên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Một trong số đó là chương trình “Nâng bước em đến trường”, tiếp bước con em đồng bào nơi đây trên con đường học tập.

Thầy giáo quân hàm xanh

Gần 7 năm qua, chương trình “Nâng bước em đến trường” luôn để lại dấu ấn đẹp về cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh trong lòng mỗi người dân nơi biên cương.

Chúng tôi được Thượng úy Lìu Láo Lanh, Ban công tác vận động quần chúng Đồn Biên phòng Chiềng Tương dẫn lên trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương, huyện biên giới Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Thượng úy Lìu Láo Lanh kèm các em nhỏ học bàiThượng úy Lìu Láo Lanh kèm các em nhỏ học bài

Giỏi tiếng Mông và am hiểu văn hóa bản địa, Thượng úy Lanh xung phong tham gia chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Sơn La phát động và đã gắn bó với trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương 6 năm nay. Đây là mô hình được tỉnh đánh giá cao và chuẩn bị nhân rộng.

Những ngày đầu, các em trốn học rất nhiều, thầy cô rất vất vả “trông”. “Có khi chỉ đi từ chỗ ăn ngủ sang chỗ học cũng “chạy đâu” mất mấy em”… Buồn nhất là có nhiều em bỏ học giữa chừng. Có em phải nghỉ để ở nhà phụ giúp bố mẹ, có em gái nghỉ học để lấy chồng. “Để thuyết phục các em không cách nào khác, phải dùng cái lý, cái tình của người Mông để vận động”. Và thế là mỗi khi nhận tin có em bỏ học, người lính biên phòng ấy lại đến từng nhà các em để tìm hiểu hoàn cảnh và vận động. “Nói một lần chưa nghe, hôm sau tôi lại đến, kết hợp cùng thầy cô giáo để giảng giải, động viên. Có những trường hợp khó khăn thì tôi báo cáo đơn vị để hỗ trợ cho các em”. Và cứ thế, nhiều em đã được trở lại trường, tỷ lệ nghỉ học, bỏ học giảm hẳn.

Thầy giáo Lê Xuân Hiền, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương cho biết, xã này còn nhiều khó khăn. Chiềng Tương có hai mùa rõ rệt: mùa mưa thì ngập lụt, mùa khô thì kéo dài, nguồn nước khan hiếm. “Vậy nên cuộc sống của người Mông và người Thái ở đây còn vất vả, việc vận động con em đến trường càng khó khăn. Những năm trước, tỷ lệ học sinh bỏ học không tới trường, nhất là những ngày sau Tết Nguyên đán cao lắm”. Nhắc đến người “thầy giáo mang quân hàm xanh” - Thượng úy Lìu Láo Lanh, thầy Hiền xúc động: Nhà cách trường chỉ có 2km, nhưng không mấy khi Thượng úy Lanh được về. Bám trường, ngày ngày anh đến tận phòng hướng dẫn các em gấp chăn màn, sắp xếp quần áo, sách vở ngay ngắn. Tối đến, anh cùng các thầy cô kèm các em học bài…”.

Trung tá Phùng Trọng Khiêm, Phó Trưởng Đồn, Đồn biên phòng Chiềng Tương cho biết, ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia thì các chiến sĩ của Đồn còn tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Chiến sĩ biên phòng hướng dẫn các em chơi trò chơi tại trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng TươngChiến sĩ biên phòng hướng dẫn các em chơi trò chơi tại trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Chiềng Tương

Cùng với việc thực hiện tốt chương trình “Nâng bước em tới trường”, Đồn biên phòng Chiềng Tương còn giúp đồng bào thực hiện tốt các mô hình kinh tế để nâng cao đời sống. Mô hình giúp dân trồng 2.000 gốc mận hậu trên diện tích 4,7ha, mang lại hiệu quả cao. Mùa thu hoạch, mận bán tại vườn đã có giá 50.000 đồng/1kg. Đời sống bà con được cải thiện rất nhiều.

“Tiệm” cắt tóc của chú bộ đội biên phòng

Mặc kệ các bạn đang í ới rủ đá cầu ngoài sân chơi, cậu bé Mùa A Lử vẫn ngồi chống tay lên cằm, chăm chú nhìn chú bộ đội cắt tóc cho một bạn lớp khác xong thật nhanh để đến lượt mình. Chốc chốc lại có thêm vài em nhỏ đến, ngồi chống cằm như A Lử. Tiệm cắt tóc của các chú bộ đội biên phòng cứ thế đắt khách!

Đã hơn 3 năm, tiệm cắt tóc nhỏ xinh mang tên “Tay kéo biên phòng” đều đặn được mở cửa “đón khách” vào mỗi chiều thứ 5 hàng tuần, tại 5 điểm trường của trường TH&THCS Chiềng Xuân, thuộc xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi chỉ còn cách nước bạn Lào bằng đỉnh núi Pha Luông hùng vĩ. Đây là một trong rất nhiều hoạt động nằm trong chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Sơn La phát động.

Trước giờ “mở cửa”, các em học sinh sẽ được thầy cô dặn dò qua loa phóng thanh rằng, bạn nào tóc đang dài thì đăng ký cắt với cô Tổng phụ trách. Đúng giờ, 2 chiến sỹ đồn biên phòng Chiềng Xuân, đóng quân trên địa bàn xã có mặt, mang theo hai chiếc hộp lớn chứa đầy đủ tông đơ, kéo, lược, dao cạo… Cửa hàng cắt tóc đã chính thức mở cửa. Lũ trẻ ùa ra. Cháu nào được cắt thì ngồi ngay ngắn, vẻ mặt háo hức chờ ngắm kiểu tóc mới. Bạn nào còn chờ thì sốt ruột, ánh mắt dõi theo từng đường cắt của chú bộ đội. Cứ mỗi buổi “mở hàng” như thế, khoảng 15 – 20 bạn nhỏ được gọn gàng hơn, vui vẻ hơn và để lại sự ngóng chờ cho những bạn “tóc hôm nay chưa kịp dài, để lần tới chú cắt nhé!”.

“Tay kéo biên phòng” tại Trường TH&THCS Chiềng Xuân cắt tóc cho các em học sinh“Tay kéo biên phòng” tại Trường TH&THCS Chiềng Xuân cắt tóc cho các em học sinh

Ở xã Chiềng Sơn, bà con sinh sống chủ yếu là người Mông, người Thái và người Khơ Mú. Vì phong tục, tập quán nên trước đây, các em nhỏ phải nghỉ học nhiều, do bố mẹ mải đi làm nương, và thời tiết 2 mùa khắc nghiệt. Thêm nữa, nhiều phụ huynh không biết tiếng phổ thông và các thầy cô đa phần đều từ thị trấn Mộc Châu lên giảng dạy nên gặp khó khăn trong vận động đưa học sinh đến trường nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ đội biên phòng.

Cũng là để vận động các em thích đến trường mà ý tưởng mô hình “Tay kéo biên phòng” ra đời, được 2 chi đoàn TNCS đồn biên phòng Chiềng Sơn và trường TH&THCS Chiềng Xuân kết hợp triển khai. Hôm nay, Trung úy Giàng A Sứ, nhân viên kiểm soát hành chính đồn biên phòng Chiềng Sơn lái xe chở 2 chiến sỹ đoàn viên đến trường cắt tóc cho các cháu. Anh kể, các em học sinh rất ngoan, thấy các chú đến đều chào rất lễ phép, reo vui như thể thấy người nhà. Cắt tóc cho mỗi cháu hết khoảng 10 phút, nhưng cũng có khi lâu hơn. Ấy là khi có cháu thấy kiểu tóc “độc, lạ” trên mạng nên đòi chú cắt theo, có cháu thì mải trò chuyện với các chú, hay quá nên cắt xong rồi mà chưa muốn về. Vậy là các cô giáo phải ra khuyên nhủ, dỗ dành. “Các cháu vui, chúng tôi cũng thấy lòng hân hoan lắm”.

Cậu bé Mùa A Lử đang học lớp 7A, trường TH&THCS Chiềng Xuân nhỏ hơn nhiều so với cái tuổi 12, nhưng Lử đã là anh lớn trong nhà. Bố mẹ làm ruộng, bận lên nương, Lử ở nhà đã biết cất lúa, phơi lúa, cho gà ăn, nấu cơm, chăm 2 em giúp bố mẹ. Đến trường, Lử vẫn đạt học sinh tiên tiến 3 năm liền. Hỏi Lử, được đến trường học có thích không, cậu bé đang “dán mắt” vào chiếc tông đơ của chú bộ đội, reo lên: “Thích lắm ạ!”.

Thầy giáo Đặng Nhân Tây, Hiệu trưởng trường TH&THCS Chiềng Sơn chia sẻ, trước khi có mô hình “Tay kéo biên phòng” đều đặn mỗi tuần này, bộ đội biên phòng Chiềng Sơn còn hướng dẫn các em học sinh gấp chăn màn, sắp xếp quần áo sách vở ngay ngắn vào mỗi thứ 3 hàng tuần. Các em rất ngoan và nghe lời, lại rất thích học vì được dạy gấp chăn màn đẹp, vuông vức “chỉ trong quân đội mới có”. “Phải thừa nhận, chính những sự vận động, hỗ trợ của các chiến sỹ biên phòng đã góp phần rất lớn giúp trẻ em vui thích đến trường, phụ huynh đồng ý cho con đi học, và giúp những nhà giáo cắm bản như chúng tôi thêm yêu mảnh đất cheo leo nhưng đầy tình người này” - thầy Nhân Tây nói.

Câu chuyện về người lính biên phòng không chỉ là chắc tay súng, xông pha hiểm nguy để gìn giữ vùng biên cương của Tổ quốc, mà còn là người cha, người thầy, người anh và nhận về vô vàn những tin yêu.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.