Chùa Đậu – “Đệ nhất danh lam” điểm du lịch tâm linh

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Vừa nổi danh với bề dày gần 2.000 năm lịch sử, Chùa Đậu - một ngôi chùa cổ tọa lạc ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín còn được biết đến có giá trị kiến trúc, mỹ thuật độc đáo. Nơi đây từng được mệnh danh là "Đệ nhất danh lam" thời vua Lê Thần Tông, thế kỷ 17.

Chùa Đậu cách trung tâm Hà Nội theo Quốc lộ 1A, khoảng 26km, ở phía Nam thuộc ngoại thành. Nơi đây thờ Đại Bồ tát Pháp Vũ (là thần mưa) hay bà Đậu nên người dân còn gọi là chùa Đậu. Chùa Đậu còn có những tên gọi khác như Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, chùa Vua, chùa Bà. 

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong chùa Đậu còn lưu nhiều di vật và đồ thờ cổ có giá trị như đôi rồng đá, khánh, chuông... Ðặc biệt, trong chùa thờ hai pho tượng là nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường đã trụ trì chùa vào khoảng thế kỷ 17.

Nơi đây còn lưu giữ cuốn sách quý bằng đồng có từ đầu thế kỷ thứ 3 (200-210) sau Công nguyên - thời Sĩ Nhiếp. Trong sách kể rằng, một lần Quách Thông trên đường hành đạo tới làng Gia Phúc, thấy thế đất trông tựa hình một bông sen đang nở. Lại nghe đồn năm đó như có luồng linh khí phát quang, Quách Thông trình lên Sĩ Nhiếp. Sĩ Nhiếp cho rằng đó là nơi đất Phật, bèn sai lập chùa để dân trong vùng làm chốn tu nguyện đặt tên là Thành Đạo Tự, rước Đại thánh pháp Vũ Đại Bồ tát về thờ, nên gọi là Pháp Vũ Tự.
Khi ấy, ngôi chùa chủ yếu dành cho các bậc vua chúa, người dân chỉ được vào lễ trong ba ngày có hội, nên gọi chùa Vua. Tại đây Bồ Tát hiện thân nữ nên gọi chùa Bà. Từ khi mới lập, chùa đã nổi tiếng linh thiêng. Cho nên, bậc chí sĩ đến để cầu mùa màng tươi tốt, nhiều lộc, hoa, quả đậu trĩu cành… dân gian còn gọi là chùa Đậu (Đậu có nghĩa là Thành đạt).

Chùa Đậu – “Đệ nhất danh lam” điểm du lịch tâm linh - ảnh 1

Qua nhiều năm, chùa Đậu được nhiều đời vua chúa sửa chữa, tôn tạo. Đặc biệt, ở thời Hậu Lê, chùa được đại trùng tu với quy mô lớn. Đời vua Lê Thần Tông thế kỷ 17, chùa được phong “Đệ nhất danh lam”. Năm 1964, chùa Đậu đã được xếp hạng Di tích lịch sử, nghệ thuật loại A. Lần trùng tu tôn tạo gần đây nhất vào năm 2021.

Chùa Đậu nằm trên thửa đất rộng hơn 1ha, bao quanh là những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát. Quần thể chùa mang kiến trúc "nội công, ngoại quốc", "tiền Phật, hậu Thánh" theo cấu trúc hệ thống tứ pháp nhà Phật. Nghệ thuật kiến trúc có nhiều nét độc đáo, đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh vào thế kỷ 17. Ngôi chính điện từ đời Lê, mái lợp ngói mũi hài, các cột, xà đều chạm rồng; những bệ đá chân cột chạm hoa sen, bộ cửa tám cánh đều chạm gỗ tinh xảo hình tứ linh, tứ quý, sơn son, thếp vàng.

Hiện nay, chùa Đậu còn lưu giữ hệ thống di vật và các cấu kiện kiến trúc quý là hệ thống bia cổ, gạch thời Mạc trang trí hình rồng, thú, cá hóa long, nhiều loại hoa lá. Chùa còn có hiện vật quý là đôi rồng đá thời Trần ở bậc thềm nhà tiền Đường. 

Sách sử ghi lại, các bậc vua chúa khi đến đây lễ bái, cầu an đều rất linh ứng. Chùa Đậu cũng gắn liền với quá trình du nhập Phật giáo vào khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cùng hòa trộn với văn hóa dân gian bản địa.  Ngày nay, hằng năm lễ hội chùa Đậu được diễn ra vào ngày mùng 8 đến 9 tháng Giêng lịch âm, thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan, bái Phật.

Đến chùa Đậu, người dân và Phật tử có không gian yên tĩnh, nghỉ ngơi, đọc sách và ngồi nghe các tăng ni trong chùa giảng giải Phật pháp. Nhiều năm nay, chùa Đậu đã trở thành điểm du lịch tâm linh, du khách đến đến tham quan, tìm hiểu về di tích, lịch sử và cầu bình an, thành công, viên mãn. 

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.