Chùa Hương Tích – chốn “Nam thiên đệ nhất động“

THÁI DŨNG (Tổng hợp)
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chùa Hương Tích thuộc ngoại thành Hà Nội, từ lâu đã nổi danh là điểm du lịch tâm linh hàng đầu ở Việt Nam. Vào mùa lễ hội hàng năm, du khách trong nước và quốc tế nườm nượp đến đây lễ Phật cầu an, cầu may cũng như thưởng ngoạn vẻ đẹp của núi non sông nước tựa gấm thêu hoa dệt của bàn tay tạo hóa nơi đây.

Lễ hội Chùa Hương được diễn ra hàng năm từ mùng 6 Tết đến hết tháng 3 âm lịch. Đây cũng là kỳ lễ hội kéo dài nhất ở nước ta. Quần thể thắng cảnh Hương Sơn cách trung tâm Thủ đô chừng 65km, thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. 

Lịch sử: Khu danh thắng tâm linh  Hương Sơn được dân gian quen gọi “chùa Hương” là cả một quần thể văn hóa rộng lớn với 21chùa và động thờ Phật kỳ thú ở mạn phải của sông Đáy.  Ngôi chùa Trong, hay vẫn gọi là chùa Hương, nằm ở trung tâm của di tích Hương Sơn, được xây dựng từ những năm cuối của thế kỷ 17. Tuy nhiên, những năm tháng kháng chiến chống Pháp (1947) chùa gần như bị phá hủy hoàn toàn và được dựng lại sau này theo hướng dẫn của cố hòa thượng Thích Thanh Chân (1988).

Kiến trúc: Cả quần thể kiến trúc chùa Hương nằm rải rác trong thung lũng suối Yến, gồm chùa Ngoài và chùa Trong. Từ bến Đục ngược lên suối Yến, du khách sẽ đến chùa Ngoài, hay vẫn thường được gọi là chùa Trò. Chùa Ngoài có tam quan được cất trên 3 khoảng sân rất rộng lớn lát gạch, cùng với một tháp chuông 3 tầng mái, dựng ở sân thứ ba. Điểm nhấn đặc biệt nhất của khối kiến trúc này nằm ở hai đầu hồi tam giác, lộ ra ở trên tầng cao nhất, điển hình cho lối kiến trúc cổ xưa.

Chùa Hương Tích – chốn “Nam thiên đệ nhất động“ - ảnh 1

Khác với khối kiến trúc chùa Ngoài được tạo dựng từ bàn tay con người, chùa Trong lại có nguồn gốc từ một hang động cổ tự nhiên. Đến đây, bạn sẽ thấy ngay ở lối vào động có khắc bốn chữ “Hương Tích động môn” cùng một lối đi lát đá dài tổng cộng 120 bậc dẫn vào động. Dấu tích, bút tích lịch sử vẫn còn được lưu lại nơi đây qua 5 chữ Hán “Nam thiên đệ nhất động” (Động đẹp nhất trời Nam) do Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cho khắc lên năm 1770.

  Song hành với vẻ đẹp tâm linh, chùa Hương còn thu hút khách đến thăm bằng cảnh vật tuyệt đẹp. Con suối Yến nước trong vắt, quanh năm dòng chảy êm đềm cùng với hoa cỏ cây cối tươi tốt bốn mùa. Nhiều thi nhân đã có những sáng tác rất hay về chùa Hương. Trong số đó nổi bật là bài "Hương Sơn phong cảnh ca" của Chu Mạnh Trinh, được đưa vào dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 11. Trong động có những công trình thiên tạo với  những nhũ đá người xưa tưởng tượng đặt tên là: Đụn gạo, nong tằm, né kén, chuồng lợn, ao bèo, cây vàng, cây bạc, đầu cô, đầu cậu, cửu long tranh châu... 
Đáng chú ý là động có những công trình điêu khắc nhân tạo như chiếc án thờ bằng đá to, bốn góc chạm hình người cởi trần đóng khố, giơ tay như đỡ cả cái bệ lên, bệ do hai cung tần nhà Trịnh tiến cúng vào chùa.

Giá trị nhất về mặt điêu khắc trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Bà Quan âm bằng đá xanh, tạc dưới thời Tây Sơn. Nghệ nhân tạc tượng đã không khuôn theo những ước lệ sẵn có về tượng Phật mà một phần dựa vào câu chuyện Nôm về Bà Chúa Ba, chọn những nét đẹp của  con người thực tế để tạc pho tượng Phật Bà Quan âm. Tượng đá tọa sơn là một trong 32 thị hiện của Bồ Tát Quán Thế âm. Tượng có dáng người thon thả, mặt hơi trái xoan, cổ cao ba ngấn đầu đội mũ Tì Lư, nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng cũng có hai món tóc buông xuống tà áo mềm mại. Chỗ ngồi là một tảng đá sù sì, lại cũng giống như một gốc cổ thụ. Chân trái để trần, đặt lên bông sen nở, chân phải co lên, hai chân co duỗi thoải mái. Tay trái cầm một viên minh châu. Bên cạnh bông hoa sen dưới chân, lá sen tỏa ra mềm mại như có gió lay. Ngồi trên con thuyền độc mộc nhỏ trôi theo dòng nước suối, mỗi mùa đến với chùa Hương bạn lại được ngắm nhìn vẻ đẹp của một loài hoa khác nhau: Màu đỏ rực rỡ của hoa gạo mỗi khi hè về, chút tím nhạt mộng mơ của hoa súng mỗi dịp cuối thu hay sắc trắng tinh khôi của hoa ban, hoa mận mỗi độ xuân về. Cũng bởi vậy mà bến đò bên con suối Yến lúc nào cũng tấp nập người đến thăm...

 Chùa Hương Tích vinh dự được đón Bác Hồ về thăm (năm 1958). Năm 2018 Chùa được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.