Chùa Tứ Kỳ - chốn tâm linh thâm nghiêm
(PNTĐ) -Chùa Tứ Kỳ, hay còn tên khác Linh Tiên Tự là ngôi chùa cổ nổi tiếng nằm tại địa phận thôn Tứ Kỳ, phía Nam kinh thành Thăng Long; nay là phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Xưa kia, thôn Tứ Kỳ nằm ở vị trí án ngữ đường thủy vào kinh thành, nơi chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc.
Dựa trên các nguồn tài liệu thành văn hiện còn lưu giữ tại chùa như tấm bia niên hiệu Chính Hòa (1689), chuông đồng niên hiệu Thiệu Trị (1841), các nhà sử học cho rằng chùa Tứ Kỳ khởi nguồn tạo dựng từ thời nhà Lê, ít nhất là trước năm 1689 và được trùng tu, cải tạo lớn vào thời nhà Nguyễn.
Trước tháng 8 năm 1945, chùa Tứ Kỳ Hà Nội là một căn cứ cách mạng quan trọng của Xứ uỷ Bắc Kỳ. Đầm sen sau chùa trở thành nơi ẩn náu của các chiến sĩ. Lúc bấy giờ, sư cụ Đàm Dần với lòng yêu nước đã xung phong tham gia vào cách mạng. Năm 1946, trong đợt “tiêu thổ kháng chiến” chống thực dân Pháp, ngôi chùa đã bị phá hủy.
Sau này, chùa được phục dựng, tôn tạo lại để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng. Những công trình hiện nay trong chùa đều đã được đại trùng tu dựa trên đặc trưng của kiến trúc tôn giáo truyền thống để không làm mất đi dáng vẻ nguyên bản.
![Chùa Tứ Kỳ - chốn tâm linh thâm nghiêm - ảnh 1](https://images.baophunuthudo.vn/uploaded/duongbn/2023_09_08/34_aoou.jpg)
Chùa Tứ Kỳ có quy mô bề thế khang trang so với một số ngôi chùa khác trong vùng. Với không gian rộng rãi, thanh tịnh, các hạng mục công trình kiến trúc tại chùa đều được quy hoạch tập trung theo chiều sâu bao gồm: Cổng Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà bia, hai nhà dải vũ, tháp Phật, điện thờ Mẫu. Chùa quay mặt về hướng Đông nhìn ra đường quốc lộ 1A, phía Đông hồ Linh Đàm.
Cổng tam quan được xây hai tầng, kiến trúc tầng dưới theo kiểu ba cửa vòm cuốn còn tầng trên là chồng diêm bốn mái, được trang trí bởi các hình đắp lưỡng long chầu nguyệt, hình rồng đuôi xoắn hay hình bốn chim phượng đầu quay bốn hướng, đuôi chụm nhau. Thân trụ được tạo gờ nổi, trên ghi đôi câu đối chữ Hán.
Cổng chùa được tôn tạo lần gần nhất vào năm 2013. Qua cổng tam quan, du khách sẽ thấy hai bên tả hữu là lối vào hai nhà bia. Nhà bia chùa được xây kiểu mặt bằng hình vuông với mái chồng diêm, trụ là bốn cột tròn. Tại mỗi nhà bia đặt một tấm bia dẹt, dựng trên lưng rùa được khắc vào năm 1687. Tại đây nhìn về bên phải sân chùa sẽ thấy đầu hồi của đình làng Tứ Kỳ.
Bên trái sân có một ngọn tháp đá nhỏ cao 4 tầng và tượng Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá trắng. Ra khỏi nhà bia đi theo con đường được lát đá phẳng, du khách sẽ tiến về khu chùa chính. Nhà tiền đường gồm 5 gian quay về hướng Đông Bắc, kiến trúc cũng xây kiểu chồng diêm hai tầng 8 mái phân thượng tứ – hạ tứ.
Điều đặc biệt là Tiền đường được xây trên nền cao hơn mặt sân 1m. Tòa thượng điện cao nhất gồm 3 tầng 12 mái, bao gồm một đầu nối với gian giữa tiền đường theo kiến trúc hình chữ Đinh.
Chùa hiện có khoảng hai chục pho tượng tròn được tạo tác từ thế kỷ XVII đến nay. Dọc gian giữa thượng điện là hệ thống bệ thờ xây gạch bày các bộ tượng: Quan Âm Nam Hải ở giữa, hai bên là 2 vị Bồ Tát, sau đó là bộ tượng A Di Đà tam tôn, trong cùng phía trên cao nhất là bộ tượng Tam thế. Ra tới phía sau chùa là tới nhà Tổ thờ hai pho tượng Tổ của chùa trong tư thế ngồi. Kiến trúc nhà Tổ theo kiểu đầu hồi bít đốc khá đơn giản do mới tu sửa năm 1993.
Điện thờ Mẫu có mặt bằng hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền bái và hai gian hậu cung. Gian giữa chính điện là ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông, phía trong ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, gian bên trái thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, Quan Hoàng… Phía bên phải toà Bảo tháp đáy rộng hình bát giác cao 9 tầng với các hoa văn và đầu đao làm theo kiểu hiện đại.
Chùa cũng đồng thời là thư viện để Phật tử và nhân dân đến tu tập. Tại đây cũng đặt 1 quả chuông khá lớn có khắc chữ “Linh Tiên Tự Chung” được đúc năm Thiệu Trị 1 (1841).
Ngày 16/01/1995, chùa Tứ Kỳ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.