Chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng

Bài và ảnh: Hoàng Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hội Phụ nữ các cấp đã thành lập hơn 1.600 mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong các làng nghề, ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm thu hút đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh tham gia.

Nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực

Để thay đổi nhận thức và hành vi của hội viên phụ nữ và người dân thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tại phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, Hội Phụ nữ đã thành lập mô hình “Bếp ăn an toàn thực phẩm” làm điểm tại Chi hội phụ nữ Tổ dân phố số 4 với 20 gia đình hội viên tham gia.

Theo đó, các thành viên đã tham gia ký cam kết thực hiện mô hình với các nội dung, tiêu chí theo quy định gồm có: Khu vực của nhà bếp không chỉ phù hợp với kết cấu tổng thể ngôi nhà mà còn đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường và phải cách xa nhà vệ sinh. Tất cả phân khu trong khu vực bếp đều đảm bảo có đủ ánh sáng, thông thoáng, không bị ẩm mốc và có máy hút mùi, quạt thông gió. Nguồn nước sạch sẽ đã qua xử lý các hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn. Đường thoát nước thông thoáng, không bị ứ đọng nước thải và rác. Đầy đủ dụng cụ vệ sinh bếp, bao tay, cây gắp, túi đựng rác... và găng tay khăn lau cần được phân loại theo mục đích sử dụng và phải đảm bảo vệ sinh.

Chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng - ảnh 1
Hội Phụ nữ đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn thực phẩm thông qua các hội thi 

Chị Phan Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Sơn Tây cho biết: Lúc đầu khi mới triển khai mô hình này, một số chị em hội viên vẫn còn e ngại vì sợ khi cam kết xong mà không thực hiện nghiêm túc sẽ như đánh trống bỏ dùi. Thế nhưng sau một thời gian thực hiện, nhận thấy mô hình thực sự ý nghĩa vì sức khỏe của chính gia đình nên chị em đã tích cực tham gia thực hiện và vận động các hộ gia đình khác trong tổ dân phố cùng thực hiện.

Trong thời gian tới Hội Phụ nữ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các chi hội còn lại nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về tầm quan trọng của an toàn thực phẩm với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ còn tiếp tục phối hợp các ngành đoàn thể chính trị của địa phương tổ chức chiến dịch kiểm tra an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật có liên quan; hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn; công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Còn tại quận Tây Hồ, theo chị Công Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Thượng, xôi là một trong những món ẩm thực nổi tiếng của làng nghề Phú Thượng. Hiện nay sản phẩm Xôi Phú Thượng đã đạt chuẩn OCOP 4 sao của Thành phố Hà Nội. Trong thành quả đó có sự đóng góp không nhỏ của tổ chức Hội. Hội Phụ nữ đã tích cực tuyên truyền vận động các chị em làm nghề nấu xôi thực hiện đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm. Hội Phụ nữ thành lập mô hình tổ liên kết sản xuất kinh doanh xôi truyền thống. 100% các hộ tham gia tổ liên kết thực hiện nghiêm quy định về an toàn thực phẩm gắn với các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và mô hình “gia đình 5 có, 3 sạch”.

Chị Bùi Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ cho biết: Với hơn 50% chị em phụ nữ tham gia sản xuất kinh doanh tại các làng nghề, hiện Tây Hồ có 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố… Chính vì vậy, Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho các chủ hộ sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm, thành lập 10 tổ liên kết hội viên phát triển nghề nấu xôi truyền thống với hơn 300 thành viên tham gia. Đồng thời, Hội Phụ nữ đã thành lập và ra mắt 45 chi hội phụ nữ với các mô hình đảm bảo an toàn thực phẩm như mô hình “2 dao, 2 thớt”, “Sử dụng làn nhựa đi chợ”… Ngoài ra, Quận Hội cũng đã xây dựng 3 tuyến phố: Nghi Tàm, Tô Ngọc Vân và Trích Sài thành tuyến phố kinh doanh thực phẩm an toàn.

Chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng - ảnh 2
Chị em phụ nữ phường Phú Thượng, quận Tây Hồ giới thiệu sản phẩm xôi Phú Thượng tham gia tại hội chợ truyền thống của địa phương. 

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ

Những năm qua, công tác an toàn thực phẩm được các cấp Hội Phụ nữ huyện Ứng Hòa quan tâm, chú trọng. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trong đó chú trọng tiêu chí “3 sạch” - sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.

Chị Ngô Thị Duệ, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Ứng Hòa cho biết: Với đặc thù là huyện chuyên sản xuất nông nghiệp, Huyện Hội còn phát động thêm mô hình “Sạch đồng ruộng”. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức, nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm được các cấp Hội triển khai với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Phối hợp Trung tâm Văn hóa thông tin & thể thao huyện, Đài truyền thanh cơ sở viết bài tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ, CLB, tập huấn, hội thi, phát tờ gấp, tuyên truyền trực quan bằng băng zôn khẩu hiệu. Từ năm 2022 đến nay Hội đã phối hợp Phòng y tế huyện cấp phát 3.600 tờ gấp, 1.100 cuốn sách tuyên truyền tới cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân về nội dung liên quan đến an toàn thực phẩm.

Còn tại huyện Phúc Thọ, phát huy vai trò của tổ chức Hội, Hội Phụ nữ cũng đã tuyên truyền, tập huấn cho các hội viên phụ nữ tham gia sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản thực phẩm an toàn góp phần xây dựng huyện Phúc Thọ là huyện nông nghiệp sinh thái. Bên cạnh đó, Hội cũng đã xây dựng được 103 mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt quy mô lớn cho hiệu quả kinh tế cao và xây dựng hơn 30 chi hội phụ nữ sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chung tay đảm bảo an toàn thực phẩm, vì sức khỏe cộng đồng - ảnh 3
Chị em phụ nữ tích cực tham gia thực hiện mô hình “Sạch đồng ruộng”. 

Tại quận Ba Đình, từ năm 2018 đến nay, các chi hội phụ nữ thuộc 14 phường và các chi hội tại 3 chợ trên địa bàn quận đã thực hiện tốt “Chi hội thực hiện thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm” tuyên truyền triển khai sâu rộng đến cán bộ, hội viên phụ nữ, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống... Tại các chi hội đã mở thêm nhiều cửa hàng tiện ích và các chuỗi cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn của quận mở giúp chị em tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn.

Bà Lê Thị Thiên Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết, bằng những việc làm thiết thực, các mô hình thực hiện an toàn thực phẩm trong các cấp Hội Phụ nữ góp phần giúp hội viên, phụ nữ và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm về an toàn thực phẩm tiến đến thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm đảm bảo an toàn; nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, chung tay cùng các ngành, các cấp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.

Trong thời gian tới, các cấp Hội tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình “Chi hội phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”. Tuyên truyền cán bộ, hội viên phụ nữ là người tiêu dùng thông thái, lựa chọn, tiêu dùng thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, Hội Phụ nữ tiếp tục phối hợp tham gia các đoàn giám sát kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ, các cơ sở kinh doanh, sản xuất thực phẩm; tham mưu với chính quyền địa phương tổng hợp danh sách các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở chế biến, sản xuất kinh doanh thực phẩm để có hình thức hỗ trợ kiến thức thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Hội Phụ nữ các cấp tăng cường chuyển đổi số trong tuyên truyền bộ công cụ hướng dẫn chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia chương trình OCOP và có chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp…

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.