Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhận thức tầm quan trọng của gia đình trong sự phát triển Thủ đô, những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện tốt công tác gia đình. Qua đó, nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, giáo dục, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ ở Hà Nội được triển khai hiệu quả.

Nhiều cách làm, kinh nghiệm hay

Thành phố Hà Nội thực hiện công tác gia đình gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo ra phong trào thi đua sôi nổi ở các khu dân cư. Qua đó, nhiều quận, huyện, thị xã và cơ sở đã có những cách làm, kinh nghiệm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử tốt đẹp trong gia đình.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà Ngô Tiến Hoàng, những năm qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn huyện. Công tác xây dựng gia đình văn hóa được xác định là yếu tố hàng đầu trong việc xây dựng các mô hình văn hóa khác, là tiền đề quan trọng trong quá trình đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Kết quả bình xét gia đình văn hóa năm 2023 đạt 54.785/58.321 gia đình, đạt tỷ lệ 93,9%.

Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ - ảnh 1
UBND huyện Ứng Hoà biểu dương các gia đình tiêu biểu nhân ngày gia đình 
Việt Nam năm 2024

Việc triển khai đăng ký xây dựng gia đình văn hoá hàng năm được UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn triển khai đến ban cán bộ thôn, tổ dân phố để các hộ gia đình đăng ký hoàn thành ngay từ đầu năm. Kết quả đăng ký gia đình văn hóa năm 2024 trên địa bàn huyện Ứng Hoà đạt tỷ lệ 96%; tỷ lệ đăng ký Làng Văn hóa đạt 100%; tỷ lệ đăng ký Tổ dân phố văn hóa đạt 100%.

UBND huyện Ứng Hoà đã chỉ đạo phòng Văn hóa và thông tin phối hợp với phòng Nội vụ, UBND các xã, thị trấn rà soát, đề xuất, biểu dương, khen thưởng 70 gia đình văn hóa tiêu biểu trên địa bàn Huyện năm 2024 để động viên, nhân rộng điển hình tiên tiến, góp phần tích cực xây dựng huyện Ứng Hòa giàu đẹp, văn minh và phát triển.

Bên cạnh đó, với nhận thức sâu sắc bạo lực gia đình đã và đang trở thành một trong những vấn đề nhức nhối mà xã hội đang lên án, UBND huyện còn chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật phòng, chống bạo lực gia đình, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, làm cho người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật, đặc biệt là nắm rõ các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, hạnh phúc.

Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ - ảnh 2
Các gia đình tham gia cuộc thi vẽ tranh về gia đình tại quận Ba Đình

Tại huyện Thanh Trì, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” là một trong những nội dung cốt lõi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ sự chung tay của các cấp, ngành, và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở huyện ngày càng phát triển sâu rộng. Nhiều cách làm sáng tạo được nhân rộng như: Phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”; “Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền”...

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác gia đình đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ, góp phần tích cực vào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh, văn minh, hiện đại.

Khẳng định vai trò quan trọng của gia đình

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác gia đình, công tác gia đình ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển đất nước. Chủ trương xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc tiến bộ văn minh đối với mỗi gia đình cũng như toàn thể dân tộc Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định ngay từ khi Đảng ra đời. Được xác định rõ trong các văn kiện Đại hội của Đảng qua các kỳ Đại hội.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, những năm qua thành phố Hà Nội đã luôn quan tâm đến mục tiêu xây dựng người Hà Nội, trong đó coi công tác gia đình là một trong nội dung quan trọng.

Sau khi có Nghị quyết TƯ5 khoá VIII, Thành uỷ đã có các Chương trình 08 ngày 4/8/2006 (Khóa 14), Chương trình 04 (Khóa 15-16); Chương trình số 06 ngày 30/7/2021 (Khoá 17) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”, Kế hoạch số 57 ngày 30/12/2021 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TƯ ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố… 

Chung tay xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ - ảnh 3
Hội thi “Bữa cơm gia đình - khi đàn ông vào bếp” do Hội LHPN quận Thanh Xuân tổ chức.

Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực về công tác gia đình, đã tích cực tham mưu cho Thành phố ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình, tập trung triển khai những nội dung chính như: Xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…; đặc biệt xác định xây dựng Gia đình Văn hóa là nội dung tiền đề quan trọng để xây dựng những mẫu hình văn hóa, gắn kết chặt chẽ trong triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

100% các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã hội, các quận, huyện, thị xã, các xã phường thị trấn trên địa bàn Thành phố đều xây dựng, ban hành và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác gia đình bằng những hoạt động phong phú, thiết thực.

Việc đăng ký, bình xét danh hiệu "Gia đình văn hóa" được tiến hành theo đúng quy định, số lượng các gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu "Gia đình văn hóa" đều đạt hơn 90%. Đến nay, đã có 1.758.788/2.009.986 hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa trên địa bàn Thành phố, đạt tỷ lệ đạt 88%.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác gia đình ngày càng góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đã xuất hiện nhiều mô hình cấp quận/huyện/thị xã; xã phương thị trấn, thôn tổ dân phố... tiêu biểu trong công tác xây dựng gia đình văn hoá; thực hiện bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; các gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình thể thao, gia đình làm công tác xã hội từ thiện, gia đình nghệ nhân - gia đình nghệ sỹ... qua các hoạt cụ thể của các địa phương, đã góp phần tạo điều kiện cho các gia đình tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản, chất lượng cuộc sống ngày càng cao. Kinh tế hộ gia đình đã đóng góp quan trọng trong thu nhập quốc dân. Nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng.

Vấn đề bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao. Chăm lo, vun đắp, xây dựng giữ gìn hạnh phúc trong gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người dân trên địa bàn Thủ đô luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thuỷ, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng...

Những thành tựu của công tác xây dựng gia đình trên địa bàn Thủ đô đã góp phần tích cực, quan trọng vào xây dựng, phát triển văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh; phát triển kinh tế xã hội, xây dựng và phát triển thủ đô ngày càng văn minh hiện đại.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

Bảo vệ giá trị văn hóa làng xã ở Thủ đô

(PNTĐ) - Làng Việt cổ truyền là một tế bào xã hội của người Việt. Mỗi ngôi làng đều có một truyền thống văn hóa riêng cả về văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, làng truyền thống ở Thủ đô hiện nay đang biến dạng trước những tác động của kinh tế, xã hội và của quá trình đô thị hóa khốc liệt. Bảo tồn các di sản văn hóa của làng Việt truyền thống trong bối cảnh xã hội chuyển biến ngày một phức tạp là một thách thức cần có những giải pháp tổng thể.
Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Thủ đô

(PNTĐ) - Đội ngũ nữ doanh nhân, phụ nữ làm chủ các cơ sở sản xuất ngày càng phát triển cả về lượng và chất, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm… Những thành quả ấy đã tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển kinh tế của Thủ đô, cho thấy sự đúng đắn trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Bền bỉ với các hoạt động vì phụ nữ, trẻ em

Bền bỉ với các hoạt động vì phụ nữ, trẻ em

(PNTĐ) - Năm 2024, Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc đã nỗ lực triển khai thực hiện Kế hoạch thi đua, các nội dung, nhiệm vụ, phong trào thi đua và các cuộc vận động của Hội trong năm 2024; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị được các cấp ủy chính quyền ghi nhận đánh giá cao.