Chụp ảnh làm Căn cước công dân có được nhuộm tóc, trang điểm không?

Chia sẻ

Câu hỏi:
Con gái tôi chuẩn bị đi làm Căn cước công dân gắn chíp điện tử. Hiện tại cháu hay trang điểm đậm và nhuộm tóc xanh. Xin hỏi Báo PNTĐ, khi chụp ảnh cháu có được trang điểm và giữ nguyên màu tóc nhuộm không? Có hạn chế loại trang phục không được mặc khi chụp ảnh hay không? Xin cảm ơn quý Báo!

Phạm Thúy Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội)

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân năm 2014, “Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này”.

Công dân có quyền về căn cước công dân như được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định; yêu cầu cơ quan quản lý căn cước công dân cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định pháp luật; được cấp, đổi, cấp lại; sử dụng thẻ Căn cước công dân của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân…

Bên cạnh đó, công dân có nghĩa vụ về căn cước công dân như: chấp hành quy định của pháp luật có liên quan; làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ; cung cấp đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn thông tin, tài liệu của bản thân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; xuất trình thẻ khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra theo quy định của pháp luật; bảo quản, giữ gìn thẻ, khi mất phải kịp thời trình báo với cơ quan quản lý căn cước công dân, nộp lại thẻ cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp đổi, bị thu hồi, tạm giữ thẻ…

Các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 7 của Luật này, bao gồm:

“1. Cản trở thực hiện các quy định của Luật này.

2. Cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật.

3. Sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết thủ tục về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp trái quy định của pháp luật thông tin, tài liệu về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; lạm dụng thông tin về công dân theo quy định của Luật này gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

5. Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

6. Thu, sử dụng phí, lệ phí trái quy định của pháp luật.

7. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả.

8. Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

9. Thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân trái quy định của pháp luật”.

Theo khoản 1 Điều 22 của Luật này, trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân được thực hiện như sau:

“a) Điền vào tờ khai theo mẫu quy định;

b) Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật thông tin, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 13 của Luật này kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định.

Đối với người đang ở trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thì xuất trình giấy chứng minh do Quân đội nhân dân hoặc Công an nhân dân cấp kèm theo giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị;

c) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay của người đến làm thủ tục;

d) Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục;

đ) Trả thẻ Căn cước công dân theo thời hạn và địa điểm trong giấy hẹn theo quy định tại Điều 26 của Luật này; trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát”.

Khi thực hiện thủ tục này, Cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục để in trên Phiếu thu nhận thông tin và thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Ảnh chân dung của công dân, theo điểm d khoản 1 Điều 12 Thông tư số 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Công an, “là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân; riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm rõ mặt”.

Như vậy pháp luật về căn cước công dân hiện tại không cấm công dân khi chụp ảnh trang điểm, nhuộm tóc, đồng thời cũng không có quy định phải mặc trang phục gì. Tuy nhiên, chị nhắc cháu cần ăn mặc lịch sự, nghiêm túc, không mặc trang phục chuyên ngành của cơ quan, đơn vị đang làm việc, công tác. Cháu cũng nên trang điểm ở mức vừa phải để đảm bảo thuận lợi cho việc đối chiếu, nhận diện khi thực hiện các thủ tục có liên quan có sử dụng Căn cước công dân gắn chíp điện tử sau này.

Luật sư: Hồng Hải

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.