Chuyển đổi số - bước đột phá trong sự phát triển của phụ nữ

Chia sẻ

Tọa đàm "Hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số trong bối cảnh Covid-19 vì phát triển bền vững" do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức ngày 18/10 vừa qua đã mở ra định hướng và cơ hội để các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế chung tay đồng hành với phụ nữ...

trong quá trình chuyển đổi số, đóng góp cho bình đẳng giới và phát triển bền vững của đất nước.

Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết

Theo bà Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, tọa đàm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và tiếp tục thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là sự khẳng định cam kết của Việt Nam đối với Chương trình Nghị sự 2030 và 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc. Văn kiện Đại hội Đảng cũng xác định chuyển đổi số là một trong ba trụ cột thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững, đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần “tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”.

Lãnh đạo bộ Ngoại giao tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam nhân kỷ niệm 91 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.Lãnh đạo bộ Ngoại giao tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam nhân kỷ niệm 91 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam và ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Theo bà Hà Thị Nga, đại dịch Covid-19 cho thấy chuyển đổi số không chỉ là giải pháp thúc đẩy phát triển mà còn là yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với các quốc gia cũng như từng cá nhân. Thực tế cho thấy còn tồn tại khoảng cách giới khá lớn trong chuyển đổi số. Theo một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2019, trên thế giới phụ nữ tham gia các hoạt động trực tuyến ít hơn nam giới khoảng 250 triệu người. Khả năng chi trả cho các thiết bị, dịch vụ, công nghệ cũng như sự thiếu hụt kiến thức, kỹ năng và sự tự tin là những rào cản đối với phụ nữ trong tiếp cận và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số. Trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, phụ nữ cần được hỗ trợ nâng cao năng lực, tạo cơ hội để tham gia thực chất và đóng góp hiệu quả trong sự chuyển đổi mang tính cách mạng này.

Phát biểu tại tọa đàm, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết: Cùng với tiến trình hội nhập quốc tế, chuyển đổi số giúp phụ nữ mở rộng hơn cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin và tri thức của nhân loại, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, tìm kiếm cơ hội phát triển nghề nghiệp, trau dồi kiến thức, rèn luyện để phát triển bản thân, tăng cơ hội tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ. Đó là sự thay đổi cách thức làm việc truyền thống, gia tăng áp lực về dịch chuyển lao động, nguy cơ thất nghiệp và bất bình đẳng xã hội, gia tăng khoảng cách giới. Đó là nguy cơ không nhỏ đối với nhiều phụ nữ khi họ không được trang bị những tri thức mới, kỹ năng mới, phương thức làm việc mới phù hợp.

Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.Các đại biểu tham gia buổi tọa đàm.

“Bộ Ngoại giao đánh giá rất cao Trung ương Hội đã đi đầu trong xây dựng một Nghị quyết riêng về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 18 của Hội LHPN Việt Nam về Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030), nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, khơi dậy khát vọng phát triển, đổi mới, tinh thần chủ động, sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong tham gia hội nhập quốc tế. Với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đây là một thời điểm quan trọng khi tổ chức Hội LHPN cả nước đang trong tâm thế bước vào một nhiệm kỳ mới. Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số sẽ là một trong những chủ trương quan trọng để Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, dự kiến tổ chức tháng 3 năm tới, nghiên cứu thông qua. Từ đó, việc triển khai ở các cấp Hội sẽ tạo ra bước đột phá, đóng góp vào sự phát triển của phụ nữ và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước”, Chủ tịch Hà Thị Nga chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp chuyển đổi số cho phụ nữ

Nhấn mạnh về các hoạt động mà Hội LHPN Việt Nam đã triển khai trong thời gian qua, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Hội đã tăng cường sử dụng các nền tảng trực tuyến trong các hoạt động truyền thông, đào tạo cho hội viên, phụ nữ, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm... Minh chứng là hoạt động phối hợp với Bộ Nông nghiệp, Đoàn TN… hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại tọa đàmỦy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại tọa đàm

Tương tự, trong thời gian qua hỗ trợ phụ nữ thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội cho biết: Hội LHPN Hà Nội là tổ chức đại diện cho giới nữ, chị em phụ nữ Thủ đô chiếm 50,4% dân số và ở Hà Nội trên 315 nghìn doanh nghiệp trong đó có 26,7% là doanh nghiệp nữ, chị em tích cực tham gia vào tiến trình chuyển đổi số. Đặc biệt trước tác động của dịch Covid-19, điển hình trong quý 3/2021, khi thực hiện giãn cách xã hội theo quy định của chính phủ và của thành phố, nhiều mặt hàng nông sản của chị em hội viên và người nông dân đến kỳ thu hoạch thì tổ chức Hội Phụ nữ chính là cầu nối để giúp chị em tiêu thụ sản phẩm.

Bằng việc thông qua các trang thông tin, các diễn đàn ứng dụng công nghệ số của Hội PN đã giúp chị em tiêu thụ khoảng 870 tấn nông sản, thực phẩm. Hội PN các cấp không chỉ kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm... giữa các quận, huyện mà còn mở rộng ra kết nối với với các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, Hội LHPN Hà Nội còn thực hiện hiệu quả đề án "Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp", duy trì và nâng cao chất lượng trang kết nối cung ứng giới thiệu việc làm cho phụ nữ trên trang phunuhanoi.today. Trong 4 năm qua, Hội PN cũng đã tổ chức cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp thu hút hàng trăm dự án, ý tưởng tham gia; tổ chức lớp đào tạo trực tuyến, làm video marketing giúp chị em phụ nữ kinh doanh tăng giá trị nhãn hiệu và thương hiệu sản phẩm trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19...

Đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, chuyển đổi số cho phụ nữ, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội chia sẻ: Hội PN đang xây dựng đề án để nâng cao kỹ năng công việc và hỗ trợ sinh kế bền vững cho phụ nữ, mong muốn trong thời gian tới đây, tổ chức Hội sẽ thực hiện tốt nội dung chuyển đổi số thông qua các trang thông tin, trang fanpage của Hội, các diễn đàn... Cùng với đó, rất cần xây dựng nền tảng thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm của phụ nữ để hỗ trợ phụ nữ quảng bá sản phẩm của mình, giúp phụ nữ kết nối nhanh hơn, kịp thời hơn đồng thời chuyển tới chị em kiến thức, kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi số tốt hơn.

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu chia sẻtại tọa đàmBà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội phát biểu chia sẻ tại tọa đàm

Chia sẻ kinh nghiệm của dự án GREAT, Phó cố vấn trưởng Dự án, bà Vũ Thị Quỳnh Anh cho rằng, cần thu hút những doanh nghiệp mạnh, quan tâm đầu tư hỗ trợ các khu vực vùng sâu vùng xa để phụ nữ dân tộc thiểu số được chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ trong kinh doanh, có một nền tảng thương mại điện tử dành riêng cho các sản phẩm của phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ quảng bá sản phẩm của mình. Đại sứ Australia, Đại sứ Na Uy và Trưởng Đại diện UN Women tại Việt Nam cũng đóng góp ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số, trong đó có việc hoàn thiện thể chế chính sách, thúc đẩy ứng dựng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Bà Hà Thị Nga cho biết thêm, Hội LHPN Việt Nam cam kết sẽ cùng cả hệ thống chính trị nỗ lực hỗ trợ phụ nữ chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Nhiệm kỳ tới, Hội mong muốn mở rộng và nâng tầm hợp tác với các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, đối tác trong nước và quốc tế, tiến tới xây dựng các khung hợp tác chiến lược vì phát triển xanh và bền vững, vì sự phát triển của phụ nữ.

Thứ trưởng bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh: Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ Hội LHPN Việt Nam và các địa phương nhằm đóng góp vào các nỗ lực chung về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước.

Bài và ảnh: THANH THANH

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.