Chuyện gia đình tôi

Lê Thị Xuyên
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tôi là Hào. Ba tôi làm nghề cắt tóc. Mẹ tôi buôn bán trái cây ngoài chợ. Tôi và anh Hải (anh trai tôi) hàng ngày được đến trường học rồi về nhà giúp đỡ ba mẹ công việc nhà. Anh Hải hơn tôi 3 tuổi. Anh rất thương tôi. Ngược lại, tôi cũng rất thương anh. Mọi vui buồn, chúng tôi đều chia sẻ cho nhau.

Tôi đã từng híp mí cười sung sướng nói với ba mẹ trong bữa cơm gia đình về niềm ao ước của chính mình: “Con muốn gia đình mình hạnh phúc như thế này mãi mãi”. Ba tôi nhìn mẹ, nhìn anh em tôi, mỉm cười, khẽ gật đầu. Bàn tay ba nắm chặt bàn tay mẹ, tuy không nói nhưng đủ để tôi cảm nhận được ba mẹ sẽ đem đến điều anh em tôi ao ước.

Nhưng rồi, bẵng đi một thời gian sau đó, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ phải vào Nam tìm công việc mới, ba vẫn ở nhà quẩn quanh với nghề cắt tóc. Từ lúc nào, mối quan hệ giữa mẹ và ba đã rạn nứt. Ba mẹ giấu anh em tôi chuyện hai người ly thân. Anh em tôi còn quá nhỏ để có thể hiểu và đón nhận cú sốc ấy. Chỉ biết rằng, ba đã rất hằn học. Ba nói mẹ bằng những lời lẽ rất khó nghe.

Ba vứt hết đồ đạc, quần áo, những gì thuộc về mẹ ra sân, ra ngõ. Sau khi từ trong Nam về, mẹ lầm lũi, ít nói, hai mắt sưng húp vì khóc nhiều. Mẹ chỉ im lặng. Sự im lặng đến tội nghiệp. Rồi một ngày, mẹ vội vã thu dọn tất cả đồ đạc. Mẹ chỉ kịp nói với anh em tôi “Mẹ về ngoại. Hai anh em ở lại nhớ phải ngoan ngoãn, nghe lời ba và sống tốt”.

Mẹ đi như chạy, không quay lại nhìn chúng tôi dù chỉ một lần. Ba bình thản ngồi im phăng phắc như bức tượng giữa nhà. Anh em tôi, đứa chạy theo níu áo mẹ, đứa chạy vào van nài, xin ba giữ mẹ lại và rồi chỉ biết đứng ôm nhau tức tưởi khóc.

Chúng tôi nhớ mẹ nên chẳng thể ngủ được. Nằm bên anh Hải, nước mắt tôi chảy ròng ướt đầm gối nằm. Tôi ôm chặt lấy anh, lòng buồn não nuột.

Chuyện gia đình tôi - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Ba tôi nằm ở nhà ngoài và thường ngủ rất muộn. Những việc ba làm, những điều ba nghĩ, anh em tôi đều không thể biết được. Ba vốn nóng nảy, cục mịch, lại ít nói. Mà một khi đã nói là lời nặng như chì. Ba suốt ngày im lặng. Điều đó khiến chúng tôi sợ hãi chẳng dám lại gần. Thi thoảng, tôi vẫn lén nhìn trộm ba.

Những hôm không có khách đến cắt tóc, ba thường ngồi thất thần, mắt đăm chiêu nhìn dòng người và xe cộ qua lại trên đường, tay cầm điếu thuốc lá đều đều đưa lên rít một hơi thật dài, ngửa đầu thả khói vòng vèo trên không. Ba đang nghĩ gì? Chỉ có ba mới biết. Nhiều khi, tôi định bước đến bên ba để hỏi chuyện nhưng rồi sự nhút nhát, sợ hãi khiến tôi từ bỏ ý định. Trừ mỗi bữa cơm, ba nhấc chén, cầm đũa lên rồi liếc nhìn hai đứa tôi, lạnh lùng bảo “Ăn cơm đi!”. Chúng tôi vâng dạ trong cửa miệng. Chẳng đứa nào dám nhìn ba lâu. Bữa cơm từ ngày vắng mẹ trở nên ảm đạm, lạnh tanh, qua loa, nhạt nhẽo và đáng sợ.

Anh Hải lay người tôi khi tôi đang bắt đầu thiu thiu:

- Này… anh em mình sang nhà ngoại thăm mẹ đi! Anh nhớ mẹ lắm! Không biết mẹ ở nhà ngoại thế nào? Tôi sung sướng khi nghe anh đưa ra lời đề nghị vì tận đáy lòng, tôi muốn đi thăm mẹ từ lâu. Cũng như anh, tôi nhớ mẹ đến quay quắt.

- Nhưng… Lỡ ba mà biết, ba đánh chết cả hai anh em mình! Chả là mấy hôm trước, thấy tôi và anh Hải ngồi ở bục cửa ngó ra, mặt buồn như đưa đám, hình như ba biết điều chúng tôi đang nghĩ. Ba rào trước đón sau:

- Nếu tao biết được anh em mày bày mưu tính kế gì giấu tao thì chỉ có nước no đòn!

Chúng tôi sụ mặt nhìn nhau, sợ khiếp vía, chẳng dám ho he bất cứ ý định gì.

- Đừng sợ. Anh Hải nắm tay tôi, trấn an. Anh em mình sẽ cùng nhau nghỉ học một buổi để đi thăm mẹ. Phương tiện sẽ là chiếc xe đạp mẹ để lại. Anh tính rồi. Đoạn đường từ nhà mình sang nhà ngoại khoảng 10 cây số. Mình chỉ cần đến nhà ngoại, được nhìn thấy mẹ, nói chuyện với mẹ một lúc thôi rồi sẽ lại về đúng giờ tan học. Ba sẽ không biết được đâu.

- Nhưng… em sợ. Tôi lo lắng. Anh Hải cũng hiểu vì biết tôi vốn là đứa nhút nhát.

- Sợ gì! Mọi thứ để anh lo. Anh Hải vỗ nhẹ vào vai tôi khích lệ. Thôi, ngủ đi! Giọng anh càng dứt khoát khiến tôi chỉ biết cách im lặng và nghe theo.

Anh Hải chở tôi trên chiếc xe đạp cà tàng màu xanh dương của mẹ. Chúng tôi đi hết đoạn đường ngang qua cánh đồng sau vụ. Rơm rạ ngổn ngang, xơ xác; hương đồng thoảng hương ngai ngái, thơm thơm. Chúng tôi lại đi qua chiếc cầu bắc qua con sông Trường Thi quê. Con sông phằng lì, lấp lánh ánh nắng vàng phai cuối thu. Rồi lại đi qua một đoạn đường xi măng trắng toát, bằng phẳng; thêm con đường đất ngoằn ngoèo, uốn lượn... Anh Hải dốc sức đạp xe, mồ hôi tứa ra như suối. Tôi ngồi phía sau, gió thổi ngược chiều, nghe rõ mồn một những vòng quay bánh xe chậm chạp, lách cách; nghe rõ mùi mồ hôi nồng nồng sau lưng áo anh mát rượi. Lòng tôi rấm rứt thương anh. Dù mệt lả, khi đi qua những đoạn đường có ổ gà, ổ trâu, anh lại không quên nhắc tôi vòng tay ôm chặt lấy anh kẻo ngã. Hai mông tôi đau ê ẩm vì đường dằn và xốc nhưng biết rằng sẽ không thể nào mệt bằng anh, thế nên tôi im lặng và dạ vâng ngoan ngoãn.

Chuyện gia đình tôi - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

- Mẹ! Mẹ! Anh Hải dựng vội chiếc xe đạp bên cạnh cây rơm vàng đầu ngõ nhà ngoại rồi chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Mẹ đang ngồi sàng lúa ở góc sân. Tôi cũng lập cập chạy theo, miệng líu ríu gọi “Mẹ ơi!” như chú chim non tủi thân sau những ngày đằng đẵng xa cách mẹ. Mẹ sụt sùi khóc. Trong vòng tay mẹ, anh em tôi cứ thế nức nở.

Mẹ bảo, dù mẹ và ba không sống chung với nhau nữa nhưng vẫn yêu thương chúng tôi, vẫn sẽ lo lắng cho chúng tôi. Anh Hải hỏi mẹ lý do, mẹ im lặng một hồi lâu rồi mới kể:

- Chuyện chỉ vì khoản tiền vốn liếng dành dụm của ba mẹ suốt hơn chục năm nay, mẹ cả tin cho người ta vay rồi người ta xù nợ bỏ trốn. Ba trách mẹ. Mẹ cảm thấy có lỗi với ba. Nếu sống chung một nhà, sẽ khó nhìn mặt nhau, sẽ còn nhiều những cuộc cãi vã khiến các con bị tổn thương. Mẹ không muốn vì ba mẹ mà hai con phải khổ tâm, buồn bã. Thế nên…

- Nhưng mẹ ơi! Không có mẹ, anh em con còn buồn hơn! Anh Hải giơ tay lên lau vội hàng nước mắt chảy xuống đôi gò má lấm lem, giọng nghẹn ngào nói với mẹ. Tay tôi vẫn nắm chặt lấy tay mẹ, bàn tay thô ráp với những ngón tay đen đúa dính bùn đất, sần sùi, nứt nẻ. Tôi tiếp lời anh bằng những câu nói như cầu xin:

- Mẹ về với anh em con đi mẹ! Không có mẹ, anh em con chẳng buồn ăn cơm. Mẹ ơi, mùa na chín rồi. Mẹ về xem, quả nào quả nấy to tròn với những chiếc mắt đẹp lắm. Con muốn được mẹ hái na, chia cho anh em con, cả nhà mình cùng ngồi dưới gốc na ăn từng miếng na ngọt lịm như ngày trước… Mẹ tôi nâng vạt áo lên quệt nước mắt.

- Nhưng… Mẹ định nói gì rồi lại thôi. Mẹ nhìn chúng tôi, xoa đầu mỗi đứa và lảng tránh sang chuyện khác:

- Trời sắp chuyển mùa, sẽ lạnh lắm. Hai đứa vẫn chưa có áo ấm để mặc. Chờ mấy ngày nữa, mùa màng xong xuôi, mẹ sẽ mua áo ấm cho hai anh em. Tôi vẫy vùng:

- Con không cần áo ấm đâu. Con chỉ cần có mẹ thôi.

- Con cũng vậy. Có áo ấm mặc cũng không bằng có mẹ! Mẹ lại nước mắt lưng tròng. Gục đầu vào lòng mẹ, tôi nghe rõ trái tim mẹ đang run lên từng nhịp thổn thức.

Sau hôm trốn ba đi thăm mẹ chót lọt, tôi càng nhớ mẹ nhiều hơn. Những ngày sau đó, có nhiều buổi, anh Hải và tôi đã lên kế hoạch để về ngoại thăm mẹ lần nữa nhưng sợ cô chủ nhiệm báo về cho ba tôi biết nên lại thôi.

Dạo gần đây, thi thoảng ba mới mở cửa quán để cắt tóc. Mấy người khách đến hỏi, ba chỉ bảo mắc công chuyện. Thực tình, tôi biết ba đang có rất nhiều tâm sự. Ba hút thuốc lá ngày một nhiều. Có hôm tôi thấy ba ngồi dưới gốc na mẹ trồng, đôi mắt nặng trĩu suy tư. Điếu thuốc lá trên tay có khi quên hút, để hờ, cho đến khi cháy hết, chạm vào da thịt, ba mới chợt giật mình.

Tôi ngồi một mình dưới gốc na, ngắm mấy chú chim sâu đang ríu ran chuyền cành. Mùi na chín phả vào gió hương thơm ngòn ngọt. Trở mùa, tấm áo mỏng manh tôi đang mặc cũng trở nên co rúm, xoăn tít. Tôi nhớ đến mẹ. Tôi muốn gặp mẹ. Anh Hải vẫn chưa đi học về. Ba tôi thì đi đâu đó. Chỉ mình tôi ngồi đây. Hay là… Tôi bật ra ý nghĩ bí mật rồi vùng dậy chạy ra khỏi ngõ.

Tôi vừa đi vừa chạy. Băng qua hết cánh đồng, đôi chân tôi đã thấm mỏi. Cảm giác vừa đói vừa khát khiến tôi hoa mắt, bải hoải. Qua chiếc cầu bắc sang sông, tôi men theo con đường xi măng để tìm về nhà ngoại. Chân tôi rệu rã,  trước mắt tôi như lấp lóa sao trời và thấp thoáng hình bóng mẹ. Bước chân tôi chậm dần. Tôi ngã quỵ xuống đất, nằm thiếp đi bên đường lúc nào chẳng biết cho đến khi nghe giọng anh Hải gọi thất thanh. Sau đó là giọng của mẹ, rồi giọng của ba tôi! Và còn rất nhiều người đứng xung quanh tôi nữa. Họ đang nhìn tôi và thì thầm với nhau điều gì đó vẻ bí mật.

Anh Hải bảo đi học về không thấy tôi, anh đã hốt hoảng tìm tôi khắp trong nhà ngoài ngõ. Biết tôi nhớ mẹ nên anh lấy ngay xe đạp chạy về nhà ngoại. Ba chưa hiểu gì, thấy không yên tâm nên cũng lấy xe máy đi theo sau... Vừa nói anh vừa nắm chặt lấy tay tôi. Cũng lúc ấy, tay ba nhẹ nhàng nắm lấy tay mẹ. Ba cười điềm đạm, nhìn mẹ rồi nhìn về phía anh em tôi, bảo:

- Chúng ta về nhà thôi! Nghe câu nói của ba, tự dưng tôi và anh hai lại bật khóc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Giữ lửa” sự thật giữa lằn ranh sinh tử

“Giữ lửa” sự thật giữa lằn ranh sinh tử

(PNTĐ) - Trong những năm gần đây, thế giới liên tiếp chứng kiến các cuộc xung đột khốc liệt, thiên tai thảm khốc và những đại dịch toàn cầu. Trong bức tranh hỗn loạn ấy, có một lực lượng thầm lặng nhưng kiên cường luôn có mặt ở tuyến đầu để ghi lại sự thật, đưa tin một cách trung thực và kịp thời đến công chúng, đó là các nhà báo. Họ không chỉ đơn thuần là những người đưa tin, mà là những chiến binh không vũ khí, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ sự thật.
Những nữ nhà báo tận tâm với nghề

Những nữ nhà báo tận tâm với nghề

(PNTĐ) - Nghề báo luôn nhọc nhằn, vất vả, nhất là đối với phái nữ. Thế nhưng, vượt qua khó khăn, trở ngại, những nữ phóng viên vẫn miệt mài với nghề,  mang đến những tác phẩm báo chí chất lượng. Hãy cùng gặp gỡ  một vài gương mặt trong số họ trong một dịp rất đặc biệt-kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Khi nào tiền cho thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng?

Khi nào tiền cho thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng?

(PNTĐ) Câu hỏi: Vợ chồng tôi có 3 căn nhà, 1 căn ở chung còn 2 căn thống nhất chia làm tài sản riêng của mỗi người. Xin hỏi tiền cho thuê nhà phát sinh thu được trong thời kỳ hôn nhân từ các căn nhà là tài sản riêng hay chung?                                                                                    Hoàng Thị Vân (Hoài Đức)
Con ma trên cây thị

Con ma trên cây thị

(PNTĐ) - Ở trong xóm, cách nhà tôi không xa có một ngôi nhà hoang. Đó là một ngôi nhà sập sệ, không có mái, chỉ còn lại bốn bức tường loang lổ vôi vữa và rêu thì bám phủ xanh rì. Xung quanh cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Tụi trẻ con trong xóm đứa nào cũng sợ, chẳng dám bén mảng tới. Thằng Vũ nói ngôi nhà này là nơi trú ngụ của một ma nữ.