Chuyện tình yêu chung thủy của thương binh Vũ Kim Lưu

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trở về từ chiến tranh, thương binh Vũ Kim Lưu (80 tuổi, trú tại phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đã vượt qua khó khăn bệnh tật, tự lực tự cường, tàn nhưng không phế, luôn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể. Dù thời chiến hay thời bình, ông đều hết lòng đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Đặc biệt, câu chuyện tình yêu đẹp vượt qua năm tháng lửa đạn thời chiến của ông khiến thế hệ sau luôn ngưỡng mộ…

Ký ức không thể nào quên

Theo lời giới thiệu, tôi hẹn gặp thương binh Vũ Kim Lưu vào những ngày cả nước đang long trọng tổ chức các chương trình kỷ niệm hướng tới ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7. Ông Lưu cho biết, ông cũng vừa về thăm lại chiến trường xưa. Mỗi lần về Quảng Trị, ông không khỏi bồi hồi, xúc động, bởi đây là nơi nằm lại của hàng trăm đồng đội của ông để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Trong câu chuyện với tôi, người thương binh Vũ Kim Lưu nhiều lần không giấu được nước mắt. Với ông, “quá khứ hào hùng, vẻ vang, oanh liệt, nhưng lại chứa đựng rất nhiều nỗi buồn, bởi các đồng đội của tôi đã phải đổ biết bao xương máu… để có được hòa bình như hôm nay”.

Năm 1964, ông Vũ Kim Lưu làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, khi đang là sinh viên năm thứ 2, đại học Bách khoa Hà Nội. Gia đình ông có 11 anh chị em thì 5 người tham gia kháng chiến (2 người tham gia kháng chiến chống Pháp và 3 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước). Trong đó, có ông và Vũ Bảo Phan, em trai ông là thương binh. Bố ông - cụ Vũ Cầu dù rất lo lắng nhưng vẫn động viên con trai lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Với những đóng góp cho cách mạng, gia đình cụ Vũ Cầu được Nhà nước phong tặng Bảng vàng gia đình danh dự vào năm 1970.

Sau khi nhập ngũ, ông Lưu được phân về Trung đoàn tên lửa 238. Đây là đơn vị tên lửa thứ 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập năm 1965, có nhiệm vụ vừa đào tạo vừa huấn luyện để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và các cứ điểm trọng điểm của miền Bắc. Lúc đó, giặc Mỹ điên cuồng bắn phá các cơ sở quân sự, kinh tế, trục đường giao thông, kho tàng quân sự, lương thực của ta. “Trên trời, giặc quần thảo, dưới đất, chúng thả bom, gây tội ác dã man đối với quân dân miền Bắc. Tôi cùng đơn vị đã bắn rơi 2 máy bay Thần Sấm (F-105) và Con Ma (F-4 Phantom-II), bắt sống 1 phi công trong trận đánh bảo vệ miền Bắc khỏi sự tấn công của giặc Mỹ” – ông kể.

Chuyện tình yêu chung thủy của thương binh Vũ Kim Lưu  - ảnh 1
Ông Vũ Kim Lưu bên những huân huy chương được Nhà nước tặng

Đến đầu năm 1966, đế quốc Mỹ tiếp tục điều máy bay B-52 ra ném bom đèo Mụ Dạ, miền Tây tỉnh Quảng Bình. Bác Hồ đã ra chỉ thị: “B-52 đã ném bom miền Bắc. Phải tìm cách đánh cho được B-52”. Giữa tháng 6/1966, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Bác, thống nhất chủ trương: Phải sớm đưa tên lửa vào Nam Quân khu 4 để nghiên cứu cách đánh B-52. Nhận được lệnh, Trung đoàn 238 đang bảo vệ Hà Nội lên đường tiến vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) để nghiên cứu triển khai cách đánh B-52. 

Sau khi nhận nhiệm vụ, Trung đoàn 238 vừa hành quân, vừa chiến đấu. Trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, liên tục bị bom, tên lửa, pháo ngoài hạm đội và pháo bờ Nam của địch đánh vào trận địa. Đơn vị của ông bị tổn thất nặng nề, nhiều cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh mới đưa được lực lượng, vũ khí, khí tài đến đích. Vào đất lửa Vĩnh Linh, Trung đoàn 238 đã quyết định chọn Nông trường Quyết Thắng để dựng lên các trận địa tên lửa. Khi triển khai công việc, khó khăn, gian nan vẫn chồng chất.

Tiếp đó là những ngày đọ trí, đọ sức và chiến đấu đầy cam go, ác liệt. Ngày 15/3/1967, những quả đạn tên lửa đầu tiên của quân ta được phóng lên nhưng không trúng mục tiêu. Trận địa bị phát hiện, quân ta phải hứng chịu hàng loạt các loại bom, đạn, pháo từ B-52 và các loại máy bay chiến thuật khác trút xuống, cả 4 tiểu đoàn hỏa lực đều bị thiệt hại nặng.

Với quyết tâm tiêu diệt bằng được B-52, Trung đoàn 238 đã dồn hết lực lượng cho Tiểu đoàn 84 thực hiện phương án đánh phục kích. Đến ngày 17/9/1967, một chiếc máy bay B-52 đầu tiên của địch bị bắn rơi. Tận mắt chứng kiến “pháo đài bay” của Mỹ bốc cháy trên bầu trời Quảng Trị, quân và dân hai bên bờ sông Bến Hải vui mừng, hò reo chiến thắng. Chỉ hai ngày sau, Bác Hồ đã gửi điện khen quân và dân Vĩnh Linh đánh giỏi, bắn trúng, chiến thắng vẻ vang. Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 238 được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhì - phần thưởng cao nhất của đơn vị thời đó. 

Do đã tìm được cách đánh B-52 nên sau đó Trung đoàn 238 tiếp tục bắn rơi thêm 4 chiếc nữa, nâng tổng số 6 chiếc pháo đài bay bị hạ gục tại đất Vĩnh Linh. “Chiến công bắn rơi “pháo đài bay B-52” có ý nghĩa chính trị vô cùng to lớn, thể hiện rõ quyết tâm và khả năng đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Với phương châm “dọn đường mà đi, đánh địch mà tiến”, Trung đoàn 238 đã xuất sắc thực hiện được ý nguyện của Bác Hồ: “Muốn bắt cọp, phải vào hang cọp”” – ông Lưu tự hào. 

Cũng trong những trận đánh năm 1967, ông bị thương, phải nằm dưỡng thương nửa năm ở bệnh viện dã chiến tỉnh Quảng Trị. Lúc vết thương vừa mới lành, ông đã cùng các đồng đội trở về đơn vị tiếp tục phục vụ chiến đấu và chiến đấu. 

Đến năm 1971, ông cùng một số đồng đội nhận nhiệm vụ đưa thương binh nặng ra bệnh viện 103 để điều trị, đồng thời trợ lý chiến đấu ở trận địa Hà Nội. Từ kinh nghiệm đánh B-52 ở tuyến lửa Vĩnh Linh năm 1967 mà bộ đội Tên lửa đã xây dựng và hoàn thiện được cẩm nang chiến đấu vô cùng giá trị, đó là “Phương án đánh máy bay B-52” hay còn gọi là “Sách đỏ” góp phần quan trọng làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.

Chiếc khăn tay, đôi đũa và hộp cao con hổ 

Trước khi xếp bút nghiên lên đường ra trận, ông Lưu đã có tình yêu đẹp với cô gái Tràng An Nguyễn Thị Nguyệt. “Lúc đó, tôi và cô ấy quen biết nhau qua các hội diễn văn nghệ ở địa phương. Lần đầu tiên gặp mặt, tôi đã ấn tượng với vẻ đẹp dịu dàng, nền nã, hiền lành của cô ấy. Vì hiền lành, nên mọi người thường gọi cô ấy là Bụt” – ông mỉm cười.

Hơn hai năm yêu nhau, khi đã xác định ngày cưới thì trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Lưu đành gác hạnh phúc riêng để lên đường nhập ngũ. Nghe tin, dù rất xúc động, lo lắng, nhưng bà Nguyệt vẫn động viên ông hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày chia tay, bà Nguyệt tặng người yêu một chiếc khăn mùi xoa có thêu hai chữ Lưu - Nguyệt cùng con chim hòa bình như vật đính ước tình yêu cùng đôi đũa ngà và một hộp cao con hổ, nhắc nhở: “Anh lên đường bình an, em đợi anh ngày trở về để đoàn tụ”. Những kỷ vật tình yêu giúp ông Lưu có thêm động lực vượt qua những khó khăn giữa lửa đạn. “Tôi nâng niu kỷ vật của người yêu, như vật đính ước tình yêu của chúng tôi. Giờ, những kỷ vật ấy vẫn còn” - ông mỉm cười. 

Chuyện tình yêu chung thủy của thương binh Vũ Kim Lưu  - ảnh 2
Gia đình hạnh phúc của thương binh Vũ Kim Lưu

Những ngày xa cách, lá thư trở thành sợi dây kết nối tình yêu. Ông kể về những chuyện ở chiến trường, bà vui vẻ chia sẻ về những ngày tháng mong chờ ở Hà Nội, những thành tích trong công tác ở địa phương. “Năm 1967, tôi bị thương nằm điều trị, không thể viết thư gửi về được, trong lòng lúc nào cũng bồn chồn, sợ cô ấy ở nhà lo lắng. May có một số cán bộ ra Bắc, tôi vội biên vài dòng gửi ra, để cô ấy yên tâm là tôi vẫn còn sống” – ông kể. 

Sau 6 năm chiến đấu xa nhà, ngày ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, ông vội tìm đến gặp người yêu. Hai người xúc động nghẹn ngào sau một thời gian dài chờ đợi, nhung nhớ. Nhìn ông đen đúa, gầy yếu xanh xao, chân đi còn khập khiễng, bà vô cùng thương xót. “Ông ấy an toàn trở về là mừng rồi” – bà cho biết.

Cuối năm 1972, ông bà làm đám cưới. Chiến tranh kết thúc, ông Lưu tiếp tục học đại học Kinh tế kế hoạch (nay là đại học Kinh tế quốc dân) rồi về công tác tại Sở Công nghiệp Hà Nội đến khi về hưu. Mặc dù đã về hưu, nhưng ông vẫn nhiệt tình tham gia công tác đoàn thể ở địa phương, giữ chức Tổ trưởng Tổ Dân phố, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Trúc Bạch, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường…

Trong công tác chính sách người có công và công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, ông Lưu cùng đồng đội đã 4 lần vào chiến trường Trường Sơn và Quảng Trị để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là những đồng đội của ông và đã tìm kiếm được 4 hài cốt liệt sĩ (trong 4 lần đi), đồng thời đưa hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà. Hiện nay, ông tham gia Ủy viên Ban liên lạc bộ đội Cao xạ Việt Nam và ủy viên Ban Liên lạc Bộ đội tên lửa Việt Nam.

Ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; hàng năm đều được nhận Giấy khen của UBND quận và UBND phường Trúc Bạch về thành tích hoạt động công tác được giao; Giấy khen 5 năm của MTTQ quận Ba Đình về công tác người cao tuổi. Gia đình ông nhiều năm liền đạt danh hiệu gia đình văn hóa và có nhiều đóng góp tích cực cho địa phương. Các con đều rất thành đạt, các cháu học giỏi. Ông Lưu cũng vinh dự được nhận nhiều huân, huy chương cao quý, Kỷ niệm chương Chiến sĩ bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972…

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.