Tràn dịch khớp gối

ThS.BS Nguyễn Văn Tú
Chia sẻ

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.

Tràn dịch khớp gối là tình trạng dịch lỏng tích tụ trong khoang nội khớp và bao hoạt dịch khớp, gây sưng, đau và cứng khớp. Tràn dịch khớp gối nghiêm trọng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm như chấn thương, vận động quá mức, nhiễm trùng, nguyên nhân toàn thân, thoái hóa khớp…

Vì sao khớp gối tràn dịch?

Chấn thương đầu gối là nguyên nhân phổ biến nhất gây tràn dịch, bao gồm: Chấn thương dây chằng chéo trước (ACL); rách sụn chêm; ngoài ra, các chuyển động lặp đi lặp lại khi tập luyện các bộ môn thể thao như chạy bộ, ngồi xổm, nâng vật nặng cũng thường gây đau đầu gối, thậm chí dẫn đến tràn dịch khớp gối.

Thoái hóa khớp gối và một số tình trạng viêm khác có thể gây ra tràn dịch đầu gối. Đây được coi là phản ứng bảo vệ khớp của cơ thể, bao gồm: Bệnh gút; viêm khớp dạng thấp; viêm bao hoạt dịch trước xương bánh chè. Ngoài ra còn có các bệnh lý viêm khớp khác như: Viêm khớp cột sống thể ngoại biên, viêm khớp từng đợt, viêm khớp do bệnh lý toàn thân như lupus ban đỏ hệ thống…

U nang Baker là những khối u chứa đầy dịch, hình thành phía sau đầu gối, xảy ra khi khớp bị viêm do bệnh lý hoặc chấn thương. Dịch chảy về phía sau đầu gối và tạo thành u nang, dẫn đến sưng tấy. Nhiễm trùng cũng có thể gây tràn dịch khớp gối, dẫn đến sưng nề, nóng, đỏ, đau có thể kèm sốt cao. Tình trạng này thường xảy ra như một biến chứng của phẫu thuật, thủ thuật, viêm mô mềm quanh khớp, động vật cắn…

Tràn dịch khớp gối  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Tràn dịch khớp gối có nguy hiểm không?

Tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối mà việc trì hoãn điều trị có thể gây nguy cơ hạn chế vĩnh viễn chức năng khớp và mất xương dưới sụn, tổn thương sụn khớp đặc biệt là tràn dịch khớp gối do nguyên nhân nhiễm trùng. Đối với tràn dịch khớp gối do viêm khớp nhiễm trùng, tiên lượng xấu thường xảy ra ở các trường hợp: Người bệnh từ tám mươi tuổi trở lên; nhiễm trùng gây tổn thương hông hoặc vai; bệnh nhân đã được điều trị thích hợp trong 7 ngày và vẫn có kết quả xét nghiệm dịch khớp dương tính. Người bệnh đang mắc các bệnh đi kèm, bao gồm: đái tháo đường, nhiễm khuẩn huyết, bệnh thận mãn tính…

Tùy theo nguyên nhân mà tràn dịch khớp gối nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng đáng lo ngại như: Mất cơ (dịch khớp gối tràn ra có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cơ, làm giảm sức mạnh cơ đùi dẫn đến teo cơ); u nang Baker; hạn chế vận động; nhiễm trùng huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bất cứ ai cũng có thể bị đau đầu gối trong vài ngày. Người bệnh nên đi khám bác sĩ nếu các triệu chứng sưng đau không cải thiện sau khi nghỉ ngơi, chườm đá, uống thuốc giảm đau không kê đơn hoặc gặp phải các tình trạng sau: Đầu gối sưng, đỏ, ấm khi sờ vào, đi kèm triệu chứng sốt, ớn lạnh; bị chấn thương nghiêm trọng ở đầu gối; không thể gập hoặc duỗi thẳng đầu gối; không thể đứng hoặc đi lại thoải mái trong một vài phút; chẩn đoán tràn dịch khớp gối.

Đối với sưng đau cấp tính, điều trị bao gồm đeo nẹp, chườm lạnh, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc các loại thuốc giảm đau khác. Nếu khớp bị tràn dịch nhiều gây đau, dẫn lưu là phương pháp điều trị hiệu quả. Trước khi dùng kháng sinh, bác sĩ sẽ thu thập mẫu dịch và mang đi xét nghiệm. Việc chỉ định sử dụng steroid tiêm nội khớp sẽ trì hoãn đến khi nhiễm trùng được loại bỏ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mình làm hòa, chồng nhé

Mình làm hòa, chồng nhé

(PNTĐ) - Ngọc luôn tự tin cho rằng Hòa dù có là người đàn ông lý tưởng bao nhiêu thì anh vẫn rất may mắn mới lấy được người vợ như cô, vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp của chồng. Thế nên mỗi khi chồng mắc lỗi, cô lại có một chiêu "phạt" khiến chàng phải quy phục ngay tức thì.
Chung tay đẩy lùi bạo lực

Chung tay đẩy lùi bạo lực

(PNTĐ) - Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới… là những giải pháp cần thực hiện để phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Những nỗi đau từ bạo lực giới

Những nỗi đau từ bạo lực giới

(PNTĐ) - Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.