Diễn đàn kết nối và giao lưu nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia

Phát huy vai trò của phụ nữ 3 nước trong phát triển kinh tế xanh và bền vững

Thanh Thanh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Diễn đàn kết nối và giao lưu Nữ doanh nhân 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia với chủ đề “Nữ doanh nhân và kinh tế xanh” diễn ra tại Hà Nội vừa qua, là sáng kiến của Hội Phụ nữ 3 nước góp phần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ, của nữ doanh nhân vào phát triển kinh tế xanh và bền vững; phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh của phụ nữ, đặc biệt là nữ doanh nhân.

Phát huy tiềm năng thế mạnh của nữ doanh nhân 3 nước

Phát biểu tại hội nghị đầu tháng 7 vừa qua, bà Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành TƯ Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Là một nước đang phát triển, Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết rất mạnh mẽ về phát triển xanh và bền vững. Phát triển bền vững cũng là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Chính phủ Việt Nam, đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và được cụ thể hóa bằng Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 của Chính phủ Việt Nam.

Tham gia phát triển kinh tế xanh có nhiều chủ thể, trong đó doanh nghiệp là một trong những chủ thể quan trọng nhất. Cùng với nỗ lực chung của cộng đồng doanh nhân, nữ doanh nhân là lực lượng không thể tách rời trong chiến lược tăng trưởng xanh, góp phần kiến tạo một hệ sinh thái tăng trưởng bền vững. Do đó, việc phát huy giá trị vốn có của các nữ lãnh đạo doanh nghiệp, thúc đẩy một cộng đồng nữ doanh nhân quyết tâm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ xanh có giá trị vượt trội và có trách nhiệm với môi trường có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Phát huy vai trò của phụ nữ 3 nước trong phát triển kinh tế xanh và bền vững - ảnh 1
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Bà Bùi Thị Minh Hoài đề nghị, trong thời gian tới, Hội Phụ nữ 3 nước sẽ tích cực phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và hỗ trợ hội viên, phụ nữ về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực hiện vai trò kết nối các nữ doanh nhân với Chính phủ, chính quyền các cấp, giữa các nữ doanh nhân ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nữ của 3 nước tiếp tục tiên phong, chủ động áp dụng các biện pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh phù hợp với các nhóm nhiệm vụ chiến lược về giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Hội LHPN Việt Nam, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam tiếp tục chủ động đề xuất và triển khai các sáng kiến, hoạt động chung nhằm phát huy vai trò của nữ doanh nhân và Hội Phụ nữ đóng góp thực chất, hiệu quả vào phát triển kinh tế xanh và bền vững, qua đó góp phần tích cực củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong phát triển kinh tế xanh

Theo bà Hà Thị Nga, Ủy viên Ban Chấp hành TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp vào phát triển kinh tế xanh của đất nước như: vận động hội viên, phụ nữ chủ động tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, đồng hành cùng nữ doanh nhân phát triển kinh tế theo hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.

Nhiều sáng kiến, ý tưởng về “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, mô hình “phụ nữ sống xanh” được phụ nữ cả nước hưởng ứng. Ngày khởi nghiệp với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019, “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” năm 2022, “Phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023, đặc biệt “Phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 được phát động và tổ chức triển khai trong toàn hệ thống Hội. Sáng kiến Ngày khởi nghiệp đã khuyến khích phụ nữ cả nước tham gia, trong đó có các nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp xanh. Hội cũng đã tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh gắn với nông nghiệp bền vững, các mô hình tận dụng vật liệu tái chế như biến rác thành Bảo hiểm y tế, Sổ tiết kiệm cho hội viên nghèo…

Phát huy vai trò của phụ nữ 3 nước trong phát triển kinh tế xanh và bền vững - ảnh 2
Các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm của các nước tại diễn đàn.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, các cấp Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực khác, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trong những đóp góp đó có dự tham gia tích cực của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam với vai trò là tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động, sáng kiến nhằm phát huy vai trò của doanh nhân, nữ doanh nhân trong kinh tế xanh.

Đến từ Hội LHPN Lào, bà A-ly Vông-no-bun-thăm, Uỷ viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch Hội cho biết: Phụ nữ chiếm 50% dân số của cả nước và trong lực lượng lao động có công ăn việc làm chiếm 1/2 đất nước Lào thì phụ nữ chiếm 45,3%. Hội LHPN đã đề ra tầm nhìn và kế hoạch phát triển phụ nữ quốc gia với 10 chương trình, 65 dự án để phát triển phụ nữ trên phạm vi toàn quốc từ nay đến năm 2025. Trung ương LHPN Lào đã phối hợp với Bộ Công Thương, Hội Nữ doanh nhân và tổ chức quốc tế đối tác phát triển, bao gồm của Quỹ tài chính vi mô doanh nghiệp vừa và nhỏ để khuyến khích và tạo điều kiện cho phụ nữ và Hội LHPN các tỉnh viết bản đề nghị nhu cầu của mình để xin nguồn vốn ủng hộ dự án.

Song song với việc triển khai các dự án, Hội LHPN Lào đã tạo sự vững mạnh cho cộng đồng tại vùng nông thôn để thúc đẩy phong trào phát triển kinh doanh vừa và nhỏ thông qua mạng lưới của Hội Phụ nữ, cụ thể là: Dự án khuyến khích sản xuất thành hàng hóa ODOP, khuyến khích tạo nghề sản xuất thủ công, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, các hoạt động tạo sự vững mạnh về kinh tế của phụ nữ có sự điều chỉnh về biến đổi khí hậu, tổ chức tập huấn phát triển nghề ở địa phương.

Bà Chu Bun Êng, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Campuchia, Quốc vụ khanh Bộ Nội vụ, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hoà bình và Phát triển cho biết: Tại Campuchia lực lượng lao động nữ chiếm 84% và có 61% trong số các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa này do phụ nữ điều hành và sở hữu. Để xây dựng nền kinh tế xanh, Vương quốc Campuchia đã thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và phê duyệt Kế hoạch chiến lược quốc gia về phát triển xanh giai đoạn 2013-2030. Chính phủ Hoàng gia Campuchia đang chuẩn bị và hoàn thiện các chính sách, thông lệ phù hợp với xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo môi trường xã hội và bảo vệ môi trường, đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và đóng góp của quốc gia trong việc thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (NDCs) và thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững. Hiệp hội Phụ nữ vì Hòa bình và Phát triển Campuchia sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với phụ nữ ở Việt Nam, Lào, các nước khác trong khu vực cũng như trên thế giới cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế, bao gồm cả khu vực tư nhân; hành động có trách nhiệm trong phát triển xanh và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, trồng cây tại các vùng bị suy thoái, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên rừng, động vật hoang dã trong rừng, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu để phụ nữ có thể được hưởng lợi một cách tích cực, công bằng và thân thiện với môi trường.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Mình làm hòa, chồng nhé

Mình làm hòa, chồng nhé

(PNTĐ) - Ngọc luôn tự tin cho rằng Hòa dù có là người đàn ông lý tưởng bao nhiêu thì anh vẫn rất may mắn mới lấy được người vợ như cô, vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp của chồng. Thế nên mỗi khi chồng mắc lỗi, cô lại có một chiêu "phạt" khiến chàng phải quy phục ngay tức thì.
Chung tay đẩy lùi bạo lực

Chung tay đẩy lùi bạo lực

(PNTĐ) - Nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan và cộng đồng trong việc phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; chú trọng nhóm đối tượng có nguy cơ cao gây bạo lực, đối tượng dễ bị tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới… là những giải pháp cần thực hiện để phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em.
Những nỗi đau từ bạo lực giới

Những nỗi đau từ bạo lực giới

(PNTĐ) - Bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang xảy ra không chỉ Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới, là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình và trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người.