Cô bé Lọ Lem
Cô bé có tên là Hòa, nhưng mọi người thường gọi cô bé là Lọ Lem vì da Hòa đen nhẻm, càng đen hơn bởi mái tóc của cô vàng hoe vì cháy nắng. Bù lại, đôi mắt sáng và nụ cười tươi, đặc biệt là giọng hát hay, khiến cô bé vẫn nổi trong đám bạn bè.
Nhà Lọ Lem nghèo, mấy năm đầu cô bé không được đi học. Khi được đi học, lại ngại học cùng các bạn nhỏ tuổi hơn nên Lọ Lem theo học bổ túc buổi tối. Nhưng Lọ Lem học giỏi nhờ có Tùng. Nhà bà ngoại Tùng ở sát nhà Lọ Lem, mấy năm nay bà ngoại Tùng đau yếu luôn nên Tùng chuyển về học ở quê để chăm sóc bà, không như mấy năm trước chỉ thỉnh thoảng mới theo mẹ về thăm bà. Tùng không chỉ kèm Lọ Lem học mà còn dạy Lọ Lem hát. Lọ Lem thích nhất những lúc Tùng mang đàn đệm cho Lọ Lem hát. Bà ngoại Tùng quý Lọ Lem lắm. Những lúc rảnh rỗi, Lọ Lem thường sang với bà, khi thì quét hộ bà cái sân, khi thì gánh hộ bà gánh nước. Lọ Lem thường đem biếu bà bát canh, dù chỉ là bát canh suông để bà ăn cho đỡ nghẹn, bà có một mình nhiều khi chỉ nấu mỗi niêu cơm.
Có những hôm trời nắng to, Lọ Lem ra đồng lội xuống ruộng lúa bắt những con cua bò lên ngọn lúa, chỉ một loáng đã bắt được đầy giỏ cua. Những hôm như thế Lọ Lem vui lắm, vừa nấu canh xong là cô bé đem sang biếu bà một bát canh cua nấu với rau mảnh bát, thứ rau leo ở hàng rào giữa nhà cô với nhà bà ngoại Tùng. Bà nói ăn canh cua nấu với rau mảnh bát vừa thơm ngon vừa đỡ đau lưng.
Minh họa sưu tầm
Từ khi có Tùng về ở hẳn với bà, Lọ Lem vẫn hay sang giúp Tùng nấu cơm. Nhiều khi nhìn Tùng lóng nga lóng ngóng việc bếp núc Lọ Lem thường bậm môi cười. Trung thu năm ấy, Tùng làm cho Lọ Lem một cái đèn ông sao rất đẹp, cô bé hãnh diện đi đầu đám bạn bè, vừa rước đèn vừa đi và hát bài “Chiếc đèn ông sao”, cái xóm nhỏ ven đê náo nhiệt hẳn lên. Nhưng mùa Đông năm ấy, bà ngoại Tùng ốm nặng và qua đời. Sau đám tang, căn nhà của bà vắng lặng, Lọ Lem thấy thương Tùng. Tuy Tùng không khóc như Lọ Lem, nhưng Tùng lầm lũi ít nói hẳn đi, mấy lần Lọ Lem phải lấy hết sức bé nhỏ của mình để kéo Tùng đứng lên rời khỏi mộ bà. Hôm cuối cùng khi Tùng và Lọ Lem vừa lên đến mặt đê thì trời đã tối. Tùng ngồi bệt xuống bờ đê, Lọ Lem biết Tùng rất thương bà, Lọ Lem cũng vậy. Cô bé nhớ dáng bà nghiêng nghiêng bên bếp và vùi vào đấy củ sắn nướng, khi sắn chín bà lại nghiêng bên bếp, cời sắn ra và chia cho hai anh em, vừa ăn vừa học. Lọ Lem vẫn còn nhớ cái cảm giác khi bàn tay của bà vuốt lên mái tóc dính bết mồ hôi của mình, Lọ Lem đang mải nghĩ thì Tùng hỏi:
- Lọ Lem em có nhìn thấy vệt sao Ngân Hà bà chỉ cho anh em mình không?
Lọ Lem nhìn lên trời, cô bé không trả lời vội, Lọ Lem biết Tùng sẽ về thành phố, nhưng thấy Tùng nói vậy Lọ Lem vẫn thấy hẫng hụt. Cô bé khe khẽ trả lời:
- Dạ có anh ạ.
Vừa nói Lọ Lem vừa chỉ lên trời.
- Khi nào nhớ anh thì nhìn lên vệt sao ấy nhé! Anh cũng vậy, mai anh về thành phố rồi.
- Vâng ạ.
Tùng lại nói tiếp, như để vỗ về cô bé.
- Thỉnh thoảng anh lại về thắp hương cho bà và Rằm tháng Tám sang năm, anh sẽ làm cho bọn em các loại đèn, đèn ông sư, đèn con thỏ, có cả loại đèn có cán vừa đi vừa đẩy và nó quay quay...
- Ồ thích thật!
Lọ Lem vừa nói vừa đứng dậy và kéo tay Tùng.
- Ta về thôi anh!
Lọ Lem như vừa đi vừa nhảy bước một bên Tùng.
- Em sẽ khoe với mấy đứa cho chúng nó mừng nhé!
Nhưng từ khi Tùng đi, Lọ Lem đợi mãi chẳng thấy Tùng về lần nào. Trung thu năm ấy thật buồn, cô bé chẳng biết nói với chúng bạn ra sao, vì cô đã trót khoe với các bạn như Tùng đã hứa. Một người như Tùng mà lại chẳng giữ đúng lời hứa. Lọ Lem thấy Trung thu năm nay khác hẳn năm ngoái, không những buồn mà cô bé cảm thấy một cái gì đó giống như sự đổ vỡ niềm tin. Nỗi buồn ấy đã len lỏi trong tâm hồn ngây thơ của cô bé.
Căn nhà của bà bây giờ có người trong họ đến thắp hương vào những ngày Rằm, mùng Một. Còn ngày thường vẫn nhờ nhà Lọ Lem trông nom. Lọ Lem hái rau ở hàng rào, cô bé thầm nói với bà:
- Bà ơi! Anh Tùng quên bà cháu mình rồi!
Cô tấm tức khóc, những giọt nước mắt chảy dài trên má, có tiếng í ới của các bạn gọi, Lọ Lem quệt nhanh những giọt nước mắt vào tay áo.
- Lọ Lem ơi! Hôm nay anh phụ trách bảo cậu hát một bài đấy nhé!
Một giọng the thé của cái Minh:
- Hôm nay đội thiếu niên của mình phải giao lưu với đoàn văn công của bộ đội. Lọ Lem chẳng nói gì cả, cô bé vẫn cắm cúi giả vờ hái rau, nhưng thực ra Lọ Lem không muốn các bạn biết mình đang khóc. Cô trả lời nhưng vẫn mải hái rau, dù cô nghe thấy được hát là thích lắm. Lọ Lem cứ tưởng chỉ xem bộ đội biểu diễn thôi!
- Tớ biết hát bài gì bây giờ?
Cô bạn Minh lại the thé:
- Cậu hát bài gì chẳng được, chúng tớ đi báo cho cả đội đây!
Nói xong, mấy cô bạn lại ríu rít rủ nhau đi, Lọ Lem thoăn thoắt bắc nồi canh, cô bé đang phồng mồm thổi lửa trong bếp thì có tiếng người đưa thư gọi to:
- Cháu ơi! Ở đây có ai là Vũ Thị Hòa không cháu nhỉ?
Lọ Lem nhanh nhảu trả lời:
- Cháu đây ạ cháu tên là Hòa.
- Thì ra là cháu à? Cháu có mấy thư liền, thế mà mọi người bảo không có ai tên là Hòa.
- Mọi người quen gọi cháu là Lọ Lem ạ!
Lọ Lem vừa trả lời vừa đưa tay đỡ lấy mấy phong thư. Ôi! Thư của anh Tùng, đây đã là lá thư thứ ba, mỗi lá thư Tùng lại gửi kèm một phong bì, ghi sẵn địa chỉ bằng chữ nước ngoài. Lọ Lem mải đọc, bác đưa thư về lúc nào cô cũng không biết.
Minh họa sưu tầm
Trời đã sẩm tối, Lọ Lem cất những lá thư, vội xuống bếp nấu cơm, ánh lửa chập chờn hắt lên khuôn mặt rạng ngời của cô bé, gương mặt như đóa hoa đồng nội tươi tắn trong nắng gió. Những lời dặn dò của Tùng vẫn hiện lên rất rõ: “Lọ Lem ơi! Anh phải theo ba, mẹ ra nước ngoài du học, ít nhất năm năm nữa anh mới về, bỏ qua cho anh vì đã lỡ hẹn với em cùng các bạn của em nhé! Sau này anh sẽ có quà bù, em cố học hết cấp ba nhé! Anh ở bên này không quen khí hậu và khẩu vị đâu, vẫn nhớ mùi sắn nướng và canh cua đồng nấu với rau mảnh bát”.
Lọ Lem ứa nước mắt, dù cô bé rất vui. Một niềm tin vào những gì tốt đẹp lại nhen nhóm trong tâm hồn, khiến đôi chân Lọ Lem nhảy nhót trên đường sang nhà các bạn. Tối nay mình sẽ hát bài gì nhỉ? Cô nhìn lên những vì sao trên trời và chợt nhớ đến bài hát Mặt trời bé con, có lần đi hát ngày thành lập đội, anh Tùng dặn nếu không thuộc nhạc thì cứ là lá la là la... là bắt đầu vào bài rất dễ.
Tối hôm ấy Lọ Lem biểu diễn rất thành công, dường như những lá thư của Tùng làm cho Lọ Lem vui và tự tin hơn. Một niềm tin tràn ngập trong lòng, Cô vui, nhí nhảnh vừa hát vừa diễn xuất rất hóm hỉnh:
“Ngoài kia, có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi.
Ngoài kia, có chú bé trèo cành me, mắt xoe tròn lắng nghe.
Đàn tôi hát câu gì mà sao cô bé ngồi mơ màng…”.
Biểu diễn xong Trưởng đoàn hỏi Lọ Lem:
- Ai dạy em hát bài này, hay em hát theo đài?
- Có một anh ở nhà bên, vừa đánh đàn vừa dạy em hát ạ.
- Và em là cô bé nhìn qua khe cửa phải không?
Lọ Lem đỏ bừng mặt nhưng vẫn trả lời:
- Vâng ạ!
Trả lời xong, Lọ Lem cúi chào và chạy biến về nhà viết thư cho Tùng. Lọ Lem không biết rằng mình đã được tuyển vào đoàn.
Lần đầu tiên Lọ Lem viết thư, cô bé kể cho Tùng nghe buổi biễn diễn vừa xong:
-“Anh Tùng ơi! Hôm nay em hát bài Mặt trời bé con, em nghe lời anh dặn cứ hát la la la lá la la là la, là em vào bài rất khớp với nhạc anh ạ, biểu diễn xong mấy chú cứ hỏi em ai dạy em hát bài này”. Rồi cô kể cho Tùng những gì đã đến với cô từ khi Tùng ra đi. Cả những giọt nước mắt đêm rằm Trung thu năm nào!
Cùng với thời gian, những lá thư của đôi bạn trẻ ngày càng tha thiết hơn, gắn bó hơn, sâu lắng hơn. Nó mang hơi thở của cuộc sống, của tình yêu chân thành đã giúp họ trưởng thành.
Bảy năm sau, Lọ Lem cùng đoàn về quê nhà biễu diễn, cũng vẫn bài tủ Mặt trời bé con, bài hát đánh dấu sự nghiệp ca hát của cô cũng như kỷ niệm của cô và Tùng. Khi lời giới thiệu ca sĩ Hiền Hòa với bài hát Mặt trời bé con vừa dứt, Lọ Lem bước ra sân khấu. Nàng đẹp, thon thả gọn gàng trong bộ quân phục, mái tóc vàng tự nhiên ôm lấy gương mặt trái xoan hiền hậu. Nàng không biết ở dưới khán giả có một người ngắm nàng say đắm, từng cử chỉ và lắng nghe giọng hát trầm ấm say sưa của nàng.
“Hạnh phúc quá đơn sơ, đời tôi đâu có ngờ, từng đêm em vẫn chờ, như chờ từng giấc mơ là la la lá la la là la.”
Đến khi chào khán giả và nhận những bó hoa tươi thắm. Nàng bỗng nhận ra một người đã gọi nàng bằng cái tên Lọ Lem rất thân quen. Trước mặt nàng, Tùng cao lớn lịch sự như một chàng hoàng tử. Nàng nhỏ nhẹ hỏi Tùng:
- Sao anh không báo cho em là anh đã về?
- Anh muốn dành cho em sự bất ngờ…
Từ phía khán giả, các bạn của nàng hô to:
- Hôn đi, hôn đi!
Tùng và Lọ Lem dắt tay nhau cùng chào khán giả:
Tùng nói to:
- Chúng tôi xin hát được không ạ?
Lọ Lem quay sang hỏi Tùng rất nhỏ:
- Anh hát được bài gì?
- Mình sẽ hát Anh ở đầu sông em cuối sông nhé!
Lọ Lem không ngờ xa quê hương lâu như thế, Tùng vẫn hát một ca khúc mang âm hưởng dân ca đạt đến như vậy. Nàng đắm say trong ca khúc, trong tình yêu, trong sự ngưỡng mộ của mọi người, những con người rất đỗi thân thương của nàng.
ĐỖ THU YÊN