Cô cháu “lợn cắp nách”
(PNTĐ) - 18 tuổi, khi đỗ đại học, cô cháu “lợn cắp nách” mới chịu rời khỏi vòng tay của ông bà để lên thành phố. Nhưng mà đi đâu, “lợn cắp nách” vẫn ngóng tới lúc được về quê, để được ông bà “cắp nách” như xưa.
Cháu là đứa cháu “sinh sau đẻ muộn”, út ít của ông bà. Khi các anh chị họ đã trưởng thành, lấy vợ lấy chồng cả rồi thì cháu vẫn còn đang đi học. Nhờ thế mà cháu được “độc chiếm” ông bà mà không sợ có ai tranh giành. Ông bà thì thương, mà cháu thì lười, vậy nên cháu cứ ỷ lại vào tình thương ấy để ông bà phải lo cho mình.
Bà hàng ngày chợ búa, cơm nước ngày 3 bữa, ông thì cặm cụi chăm chút cho chiếc xe đạp của cháu lúc nào cũng sáng bóng, hai chiếc lốp luôn no tròn hơi. Mỗi sáng, ông dắt chiếc xe đạp cho cháu ra tận cổng, rồi đứng đó đợi cháu đi học khuất mới vào nhà.
Mỗi lần được mời đi ăn cưới, giỗ, thể nào bà cũng xách về một bọc “chiến lợi phẩm” rồi vẫy cháu ra, giục cháu ăn ngay. Đôi mắt bà long lanh, háo hức ngắm cháu ăn ngon. Ở quê mình có lệ như vậy. Người đi ăn giỗ thường ăn dè để chia nhau lấy phần về cho người ở nhà, thấy đó như một niềm hạnh phúc.
Trước ngày cháu lên phố học đại học, bà cứ lăn tăn hỏi: “Lên đó liệu có biết lo cho mình không? Cha bố cô, ở nhà đã quen có ông bà chăm cho rồi. Có gì khó khăn thì phải gọi về ngay cho ông bà biết nhé”. Bà đã quên mất rằng, cháu bà dù có đoảng vị đến đâu thì trước pháp luật, cũng là một công dân đã phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình rồi.
Lên thành phố, cháu phải trở thành người tự lập. Học như thế nào, ăn gì... phải tự lo, vì về nhà không có ai nhắc nhở nữa. Lúc đó, bỗng thèm quá được nghe câu nói của bà: “Để đấy bà rửa bát cho, cháu vào học đi kẻo muộn”. Cả tiếng gọi của ông: “Cháu ăn thêm bát cơm cho lại sức. Dạo này ông thấy cháu hơn xanh”.

Rồi cả những lần đi học về khuya thì cửa xóm trọ đã khóa, phải lọ mọ lấy chìa mở cổng rồi lại tự dắt xe vào. Nếu còn ở nhà, thể nào cũng là ông đã đứng sẵn ở đó, giành lấy việc dắt xe rồi bảo cháu mau tắm giặt, lên giường nghỉ đi, kẻo mệt.
Có những lúc ốm, cháu nghĩ, nếu bây giờ trở về nhà, sẽ có bà nấu cho bát cháo thịt nạc băm bỏ hành. Cháu sẽ chẳng phải lo lắng gì ngoài việc ăn cho hết bát.
Cả khi lười đi chợ, lục tung trong nhà chẳng còn chút thức ăn nào, lại nhớ tới mảnh vườn xanh um ông chăm ở quê đầy hoa trái. Thi thoảng ông lại gọi lên than: “Giờ chuối chín, xoài chín mà chẳng có cháu về ăn. Có đàn gà đã tới lứa, cũng chẳng có cháu mà thịt. Thôi cố gắng hè này về lâu, ông bà chăm cho nhé”.
Đó còn là những lần cháu mệt mỏi vì áp lực học, rồi bao nhiêu chuyện lo toan, những tranh cãi, cự nự kiểu trẻ trâu với bạn bè. Lại nhớ tới lúc ở quê với ông bà thật là thảnh thơi, vô tư lự. Bà luôn nhắn cháu: “Lo lắng nhiều làm già người đi. Lúc nào mệt mỏi thì cứ về đây, ông bà giải quyết hết. Nhà mình lúc nào cũng rộng cửa đón cháu”.
Và đó còn là lúc cháu hoang mang, băn khoăn về bản thân mình giữa thành phố rộng lớn, chỉ cần được nghe ông động viên, rằng ông tin cháu ông sẽ làm được và làm tốt là cháu lại thấy mình có thêm sức mạnh. Dù cháu chỉ nặng có 42kg, tóc xơ vì nắng, mặt mày thì đen nhẻm đi nhiều nhưng trong mắt ông bà, cháu vẫn luôn là cô cháu gái dễ thương, đáng yêu nhất trên đời này.
Khi còn ở nhà với ông bà, cháu cứ nghĩ được ông bà chăm sóc, hỏi han thật là bình thường. Chỉ đến khi xa rồi mới thấy sao mà nó lại ấm áp và đặc biệt đến thế.
Chẳng phải lúc này, khi hãy còn là một cô bé 18 tuổi, cháu mới cần có ông bà ở phía sau, cần có một nơi để mỏi mệt thì trở về. Mà mãi sau này, ngay cả khi cháu 28, 38, 48 tuổi, thì hai tiếng ông bà vẫn sẽ luôn là điểm tựa tinh thần cho cháu.
Có ông bà yêu thương, cháu sẽ chẳng còn sợ gì sóng gió ngoài kia. Có ông bà yêu thương, là cháu sẽ luôn đủ đầy.