Có được bán nhà khi chồng đang chấp hành án phạt tù?

Luật sư Hồng Hải
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chồng tôi đang chấp hành án phạt tù. Do tôi không có việc làm, đang nuôi con nhỏ, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên tôi muốn bán căn nhà của vợ chồng tôi để lấy tiền sinh tồn. Vậy tôi có được bán nhà không? Phạm Thị Khuyên (Hoài Đức)

Có được bán nhà khi chồng đang chấp hành án phạt tù? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời: Theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Theo đó, Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tước một số quyền như sau:

Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật này quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

- Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

- Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

Như vậy nếu sau khi phải vào tù chấp hành hình phạt tù thì phạm nhân vẫn được đảm bảo quyền có tài sản và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản thuộc sở hữu của mình trong đó có việc mua bán nhà, đất. Do đó, khi nhà, đất thuộc quyền sở hữu của người chồng thì người vợ không được tự ý mua bán mà không được sự đồng ý của người chồng. Nếu nhà, đất thuộc quyền sở hữu của cả chồng và vợ thì để mua bán nhà đất khi chồng đang trong tù, người vợ có thể thực hiện một trong hai cách sau đây:

Cách 1: Chồng làm hợp đồng uỷ quyền cho vợ để vợ có thể nhân danh chồng thực hiện giao dịch mua bán nhà theo khoản 2 Điều 24 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng”.

Theo đó, người chồng có thể lập hợp đồng uỷ quyền với nội dung uỷ quyền cho người vợ được toàn quyền quyết định trong việc mua bán nhà, đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) đứng tên chồng hoặc cả hai vợ chồng.

Bạn sẽ cùng đại diện của tổ chức hành nghề công chứng đến trại giam thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Sau đó, bạn có thể thay mặt chồng thực hiện thủ tục bán nhà thông qua hợp đồng ủy quyền này.

Cách 2: Người vợ có thể cùng Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đến trực tiếp trại tạm giam mà người chồng đang chấp hành hình phạt tù để thực hiện việc ký công chứng hợp đồng mua bán nhà, đất.

Về công chứng hợp đồng khi một người đang chấp hành án phạt tù được áp dụng theo khoản 2 Điều 44 Luật Công chứng 2014. Cụ thể ,việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Vì vậy, bạn có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất ngoài trụ sở. Bạn sẽ cùng đại diện của tổ chức hành nghề công chứng và người mua nhà đến trại giam nơi chồng bạn đang chấp hành án để thực hiện việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất theo quy định của pháp luật.

Một số lưu ý khi thực hiện công chứng tại trại giam: Tổ chức hành nghề công chứng phải có phiếu yêu cầu công chứng ngoài trụ sở để nộp cho cán bộ chịu trách nhiệm quản lý trại giam. Phiếu yêu cầu công chứng phải nêu rõ lý do yêu cầu công chứng ngoài trụ sở. Dự thảo hợp đồng, văn bản cần công chứng và các giấy tờ khác theo quy định. Khi có sự chấp thuận của ban quản lý trại giam thì thủ tục công chứng mới được tiến hành thực hiện.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Giữ lửa” sự thật giữa lằn ranh sinh tử

“Giữ lửa” sự thật giữa lằn ranh sinh tử

(PNTĐ) - Trong những năm gần đây, thế giới liên tiếp chứng kiến các cuộc xung đột khốc liệt, thiên tai thảm khốc và những đại dịch toàn cầu. Trong bức tranh hỗn loạn ấy, có một lực lượng thầm lặng nhưng kiên cường luôn có mặt ở tuyến đầu để ghi lại sự thật, đưa tin một cách trung thực và kịp thời đến công chúng, đó là các nhà báo. Họ không chỉ đơn thuần là những người đưa tin, mà là những chiến binh không vũ khí, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ sự thật.
Những nữ nhà báo tận tâm với nghề

Những nữ nhà báo tận tâm với nghề

(PNTĐ) - Nghề báo luôn nhọc nhằn, vất vả, nhất là đối với phái nữ. Thế nhưng, vượt qua khó khăn, trở ngại, những nữ phóng viên vẫn miệt mài với nghề,  mang đến những tác phẩm báo chí chất lượng. Hãy cùng gặp gỡ  một vài gương mặt trong số họ trong một dịp rất đặc biệt-kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).
Khi nào tiền cho thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng?

Khi nào tiền cho thuê nhà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng?

(PNTĐ) Câu hỏi: Vợ chồng tôi có 3 căn nhà, 1 căn ở chung còn 2 căn thống nhất chia làm tài sản riêng của mỗi người. Xin hỏi tiền cho thuê nhà phát sinh thu được trong thời kỳ hôn nhân từ các căn nhà là tài sản riêng hay chung?                                                                                    Hoàng Thị Vân (Hoài Đức)
Con ma trên cây thị

Con ma trên cây thị

(PNTĐ) - Ở trong xóm, cách nhà tôi không xa có một ngôi nhà hoang. Đó là một ngôi nhà sập sệ, không có mái, chỉ còn lại bốn bức tường loang lổ vôi vữa và rêu thì bám phủ xanh rì. Xung quanh cỏ dại, cây cối mọc um tùm. Tụi trẻ con trong xóm đứa nào cũng sợ, chẳng dám bén mảng tới. Thằng Vũ nói ngôi nhà này là nơi trú ngụ của một ma nữ.