Có được nhận di sản thừa kế khi chưa đăng ký kết hôn?
(PNTĐ) -
Câu hỏi:
Em ruột tôi có con với 1 người đàn ông nước ngoài, năm nay bé 6 tuổi. Do em tôi và người đàn ông này không đăng ký kết hôn nên giấy khai sinh của bé gái chỉ có tên mẹ, không có tên cha. Không may em tôi mắc bệnh hiểm nghèo đã qua đời và con gái em tôi hiện đang được gia đình tôi nuôi dưỡng. Trước khi em tôi mất có để lại tài sản thừa kế nhưng không có chứng từ ủy quyền cho bất kỳ ai, chỉ ủy quyền bằng miệng cho gia đình tôi giữ và trông nom đến năm 18 tuổi thì sẽ trao lại cho cháu.
Nay cha bé muốn làm thủ tục nhận lại con đẻ. Nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi biết bản thân cha bé không có khả năng tài chính để nuôi bé, do vậy chúng tôi nghĩ cha bé muốn nhận bé để hưởng tài sản thừa kế của bé mà thôi chứ không phải để chăm sóc bé. Do vậy tôi muốn hỏi, nếu sau khi cha bé nhận được con chính thức thì cha bé có thể đòi chia di sản thừa kế không?
Phạm Yến Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Trả lời:
- Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc như sau: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
- Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di sản: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
- Theo khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định di chúc miệng hợp pháp như sau: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”.
- Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
“a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
- Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo thông tin bạn cung cấp thì em gái bạn chỉ để lại di chúc miệng có sự chứng kiến của gia đình bạn nhưng sau đó gia đình bạn không ghi chép và công chứng bản ghi đó, cho nên di chúc miệng của em gái bạn để lại là không hợp pháp. Như vậy, di sản của em gái bạn để lại sẽ được chia theo pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Trường hợp người ngoại quốc là cha của cháu bạn chưa có đăng ký kết hôn với em gái bạn nên cha của cháu bạn không có quyền hưởng di sản của em bạn để lại. Cháu bạn và cha mẹ của bạn (nếu còn sống) sẽ là những người thừa kế di sản này.