Cô em chồng vô tư

Thái Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Gần như tuần nào cũng thế, cứ từ sáng sớm thứ Bẩy, chiếc xe máy ìn ìn chở 3 mẹ con cô em chồng lại “đáp bãi” nhà Linh. Rồi đến tối Chủ nhật, mấy mẹ con mới chịu về nhà. Hai ngày cuối tuần với nhà cô em chồng giống như kỳ nghỉ ngắn ngày. Còn với Linh lại thật đáng sợ.

Em chồng Linh lấy chồng là người xã bên, nhà nội nhà ngoại chỉ cách nhau chưa đầy 4km. Mẹ chồng Linh biết lợi thế ấy, nên tiếng là con đi lấy chồng nhưng bà suốt ngày gọi con về chơi. Một phần vì bà nhớ con, nhưng phần nhiều bà lo con gái phải làm nhiều việc nhà chồng nên muốn bù đắp cho con.

“Cả tuần con ở bên đó vất vả rồi, cuối tuần về đây mà nghỉ ngơi. Thích ngủ đến lúc nào thì ngủ, thích ăn gì mẹ nấu cho ăn”, mẹ chồng Linh nói với con gái như vậy.

Chẳng thế mà, cô em chồng ở nhà đẻ chả khác gì bà hoàng, gần như không phải động chân động tay vào bất cứ việc gì. Trong khi đó, bao nhiêu việc to nhỏ lớn bé, bà lại chỉ sai Linh. 

Ở nhà Linh có “luật bất thành văn”, cứ cuối tuần thì ăn tươi… theo thực đơn của em chồng và các cháu. Tối thứ sáu, mẹ chồng Linh lại hí hửng gọi điện cho con gái và cháu ngoại, hỏi xem ba mẹ con muốn cuối tuần ăn gì. Khi thì cô em chồng muốn ăn nướng, lúc lại ăn lẩu, rồi tôm, cua, cá… đủ kiểu. Người phải lo đáp ứng không ai khác là Linh. Vốn chẳng phải hẹp hòi, lại rất thoải mái trong việc ăn uống nên ban đầu, Linh nghĩ, các em, các cháu thích ăn gì thì cả nhà chiều.

Cô em chồng vô tư - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng việc tuần nào cũng phải bày vẽ món nọ món kia cho cả đại gia đình khiến Linh cũng thấm mệt. Linh đi làm cả tuần vất vả, nhiều hôm cuối tuần muốn ngủ nướng hay có chút thời gian riêng tư để lấy lại sức mà không được. Chưa hết, mẹ chồng Linh còn muốn chăm con gái, nên hay nghĩ ra làm các món nọ món kia. Khi thì bà làm ruốc thịt, ruốc cá, khi thì gói bánh khúc, làm bánh nếp để tối Chủ nhật gói cho con gái mang về nhà. Mỗi lần như vậy, bà lại gọi Linh xuống làm cùng. Lắm hôm, Linh tẩn mẩn ngồi gỡ xương mấy cân thịt cá cho mẹ làm ruốc, rồi lại hì hụi đãi đỗ, giã đậu để làm nhân bánh nếp… suốt cả sáng, rồi lại quay sang nấu cơm trưa… muốn sụn lưng.

Một năm, nhà chồng Linh có mấy ngày giỗ các cụ, Linh biết ý dậy từ tờ mờ sáng để đi chợ, rồi gác hết việc cơ quan, cá nhân sang một bên để lo cỗ bàn. Hồi hai đứa con còn nhỏ, Linh còn phải đem con về nhà ngoại gửi từ hôm trước để khỏi vướng bận chân tay. Cô em chồng lúc đó mới lấy chồng, còn chưa bầu bí gì, Linh cứ nghĩ em chồng sẽ hỗ trợ mình một chân một tay. Nhưng không hề, từ sáng sớm, cô đã phóng xe về nhà với mẹ, song không phải để vào bếp mà lên phòng nằm xem tivi, đọc truyện, chờ tới lúc hương tàn, hạ cỗ thì... xuống ăn. Mẹ chồng Linh cũng đồng tình với việc này. Hễ thấy con gái luẩn quẩn gần bếp là bà đuổi quầy quậy, bảo con lên nhà vì việc bếp núc đã có mẹ và chị dâu lo.

Trong bữa cơm, mẹ chồng Linh cứ gắp hết đồ nọ, thức kia cho con gái rồi xuýt xoa nói con xanh xao, ngỏ ý chê nhà chồng “không biết thương con dâu”. Linh thì thấy bà đang nói quá lên vì cô em chồng vẫn béo trắng chứ có phải bị ngược đãi gì đâu. Ăn cỗ xong, mẹ chồng lại giục con gái mau đi ngủ lấy lại sức, việc dọn rửa cứ để chị lo. Một lần, thấy em chồng ứng xử như vậy không được, Linh liền góp ý thì bị mẹ mắng: “Con là chị mà tị nạnh với em từng tí một. Mẹ cũng nói luôn, dâu con rể khách, em đi lấy chồng cũng thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm nhiều nên con cũng nên bù đắp cho em”.

Cô em chồng vô tư - ảnh 2

 Không chỉ vất vả vì lo nấu nướng, mỗi khi em chồng đưa con về, cuộc sống của Linh như bị đảo lộn. Em chồng Linh lúc nào cũng có tư tưởng nhà mẹ đẻ cũng chính là nhà mình nên thoải mái hết sức. Cô cũng ít khi quan tâm nhắc các con phải tôn trọng không gian riêng của vợ chồng Linh. Hễ về tới nhà, là các cháu chạy nhảy rầm rập, rồi vào phòng riêng của Linh đùa nghịch, mở tủ, lục lọi đồ. Linh thấy rất phiền hà và đã nhiều lần nhắc nhở để cô em chú ý nhắc nhở các con hơn. Song, em chồng Linh lại khó chịu, cho rằng Linh cứ làm quá mọi chuyện lên. “Trẻ con thì làm sao tránh được nghịch ngợm. Nếu cháu làm bừa bãi phòng của bác thì để mẹ cháu dọn”, cô em chồng nói. Chồng Linh thấy vậy liền gạt đi, còn nhắc Linh phiên phiến một chút:  

- Các cháu cả tuần mới về chơi một lần, em nên giữ cho không khí gia đình hòa thuận, vui vẻ.

Cô em chồng có thêm anh bênh, càng được thể vô tư. Hai vợ chồng cô ở riêng đã lâu, nhưng, cô vẫn giữ tư tưởng ỷ lại, tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm ở nhà mẹ để tiết kiệm chi tiêu riêng. Mỗi khi trong nhà thiếu gì, là cô sang nhà mẹ đẻ để bê về. Như cái hồi mùa đông vừa qua, cô kêu nhà lạnh nên sang nhà ngoại xin cái quạt sưởi gốm của bố mẹ mang về. Cô chẳng cần biết là phòng bố mẹ ở tầng 1 cũng lạnh, cô mà mang quạt về thì bố mẹ lấy gì dùng? Song, mẹ chồng Linh chỉ cần con gái cần là cho hết mà chẳng nghĩ cho mình. Quả nhiên, sau đó, ông bà nằm lạnh, bắt đầu ho hen.

Ban đầu, Linh cũng định nói chuyện với cô em chồng nhưng lại nghĩ, đây là việc của em chồng và mẹ đẻ, Linh can thiệp vào không tiện. Song cũng không thể để bố mẹ chồng ốm như vậy, Linh liền mua biếu bố mẹ chồng một chiếc quạt sưởi gốm mới. Thế nhưng ông bà dùng mới chỉ được mấy ngày thì chiếc quạt mới lại biến mất và thay bằng chiếc quạt cũ. Khi Linh hỏi thì mẹ chồng cô giải thích: “À, mẹ bảo em nó mang cái quạt sưởi cũ về đây đổi lấy quạt mới rồi. Các con nó còn nhỏ, dùng quạt sưởi mới cho an toàn chứ ông bà nằm quạt nào cũng được. Đây là ông bà tự nguyện đổi nên con không cần trách em nó làm gì”. Mẹ chồng đã nói vậy, Linh còn biết nói gì hơn.

Đấy là mùa đông, còn mùa hè, mỗi lần con gái về là mẹ Linh bật điều hòa liên tục cả ngày cho con gái và các cháu được mát. Trong khi đó, vợ chồng Linh là người đang trả tiền điện, nước trong nhà. Bản thân Linh cũng phải tiết kiệm, chỉ đến tối mới dám bật điều hòa còn ban ngày tuy nóng chỉ dám bật quạt điện. 

Cô em chồng vô tư - ảnh 3
Ảnh minh họa

Rồi còn những lần cô em chồng cần nấu các món hầm, ninh nhưng cô lại vô tư về nhà mẹ đẻ để… đun nhờ chứ không đun ở nhà mình. Và thế là cái bình gas Linh mua dùng chẳng mấy chốc mà đã hết sạch. Không lẽ chỉ vì vài trăm ngàn tiền điện, tiền gas tăng thêm mà Linh lại yêu cầu cô em chồng phải trả hay là tỏ thái độ với em chồng thì lại bị đánh giá là ích kỷ, nhỏ nhen. Mẹ chồng Linh cũng đã nhiều lần tuyên bố các em ở ngoài, về nhà là phải được tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em thoải mái nhất.

Linh biết, mẹ nào cũng thương con, sẵn sàng hy sinh cho con bằng mọi giá. Nhưng, Linh chỉ buồn là mẹ chồng mình lúc nào cũng chỉ nghĩ cho con gái là nhiều chứ ít khi nghĩ cho cảm giác của Linh, dù tiếng Linh cũng là con. Linh cũng buồn là cô em chồng thì cứ vô tư, cho rằng về nhà mẹ đẻ thì có thể thích gì làm nấy mà không nghĩ trong nhà ngoài mẹ ra còn có cả anh trai và chị dâu nữa. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.