Cô giáo như mẹ hiền

Việt Nga
Chia sẻ

(PNTĐ) -Dù đã hết tiết dạy nhưng cô giáo Hoa vẫn nán lại trường chờ đến hết buổi học. Gần một tuần nay, hôm nào cô cũng về rất muộn. Cô ngồi ở ngay chiếc bàn cạnh cửa sổ trong phòng hội đồng, thi thoảng lại đưa mắt nhìn về phía lớp 7A, lớp cô chủ nhiệm.

 Đang trong giờ học, sân trường yên ắng đến nỗi nghe rõ cả tiếng hót ríu rít của mấy chú chim non lấp ló giữa những tán lá bàng đang chuyển màu cuối thu.

Tranh thủ mang tập bài kiểm tra tiết Văn ban sáng của lớp ra chấm, bàn tay gầy guộc của cô nóng lòng lật giở từng trang giấy để tìm một nét chữ mới lạ. Bỗng gương mặt cô chùng xuống. Trên trang giấy, ngoài dòng tên chỉ có vẻn vẹn mấy chữ “Em không biết làm.”

Hoàng Anh là cô học trò mới của lớp 7A vừa từ thành phố chuyển về đây sống cùng ông bà ngoại. Cô Hoa đã tìm hiểu và biết khá rõ về người học trò mới nhưng vẫn không thể lường trước được tình huống này. Gần 20 năm công tác, đã từng chấm không biết bao nhiêu bài kiểm tra, nhưng đây là lần đầu tiên cô bắt gặp một bài kiểm tra tỏ rõ sự chống đối như thế này. Sau thoáng chút rối bời, cô nhẹ nhàng đặt bút viết vào chỗ “Lời phê của thầy, cô giáo” dòng chữ nắn nót, ngắn gọn mà chan chứa yêu thương: “Không sao, cô sẽ giúp con. Chỉ cần con đừng bao giờ từ bỏ”. 

Cô lại đưa ánh mắt dịu dàng nhìn về phía lớp học, trong lòng cứ đau đáu những suy nghĩ về cô học trò nhỏ rất đáng thương của mình. Hình ảnh người phụ nữ với vóc dáng nhỏ bé, hao gầy, bế theo một đứa nhỏ ngập ngừng bước vào trường tuần trước lại hiện ra trong đầu cô. Hôm đó, mẹ của Hoàng Anh đến trường làm thủ tục xin vào học cho cô bé, thầy Hiệu trưởng đã mời cô Hoa lên để trực tiếp trao đổi với phụ huynh học sinh. Người phụ nữ không giấu được vẻ ngại ngùng nhưng vẫn rất thật thà và thẳng thắn khi trình bày những vấn đề của cô con gái cá biệt.

Cô giáo như mẹ hiền - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Hoàn cảnh gia đình Hoàng Anh rất khó khăn. Bố mẹ Hoàng Anh vất vả mang theo hai con nhỏ lên Hà Nội để mưu sinh. Không may bố cô bé lại mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, bao gánh nặng dồn lên đôi vai của mẹ. Người mẹ cố gắng bám trụ lại Thủ đô với đủ thứ nghề để kiếm sống. Làm quần quật từ sáng sớm đến tận tối khuya để có tiền trang trải nợ nần và lo cho các con.

Cũng vì thế mà chị em Hoàng Anh phải tự ăn, tự học, tự chơi, tự trông nhau. Một lần không may đứa em nghịch ngợm làm đổ phích nước nóng lên cánh tay của chị, để lại những vết sẹo chằng chịt. Nỗi đau mất bố còn chưa nguôi ngoai lại thêm mặc cảm bởi những vết sẹo xấu xí, từ đó tính nết của Hoàng Anh thay đổi hẳn. Từ một cô bé vốn hiền lành, nhút nhát lại học rất giỏi và ngoan ngoãn, nó trở nên lì lợm, ngang bướng, thường xuyên gây gổ bạn bè và có thái độ chống đối thầy cô.

Mẹ nó rất đau lòng. Kể tới đó, người phụ nữ nghẹn ngào nấc lên từng tiếng. Thằng nhỏ ngồi trong lòng mẹ đang nhoài người với tay nghịch mấy thứ trên bàn thấy vậy liền ngồi im re. Ngước đôi mắt tròn xoe đen lánh hết nhìn mẹ lại nhìn cô Hoa như không hiểu chuyện gì. Cô giáo Hoa nắm chặt bàn tay chai sạn của người phụ nữ và khẽ xoa đầu thằng nhỏ an ủi, động viên hai mẹ con.

Hồi trống tan trường vang lên ngắt dòng suy nghĩ của cô giáo Hoa. Đám học trò chạy ùa ra sân như bầy ong vỡ tổ. Tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới rộn vang khiến lòng cô như ấm lại, chan chứa niềm hi vọng.

- Về thôi cô giáo, về còn lo cơm nước không các cháu nó mong. Bác bảo vệ sốt ruột vừa hối thúc vừa giúp cô thu dọn chồng tài liệu trên bàn.

- Dạ vâng ạ, cảm ơn bác. Cô Hoa xúc động nói.

Hoàn cảnh của cô giáo Hoa cũng rất vất vả. Chồng cô là bộ đội, đóng quân ở xa. Cậu con trai út từ lúc sinh ra chân tay yếu ớt, tuy rất lanh lợi, thông minh nhưng lại không thể đi lại được. Ở trường này ai cũng yêu quý cô giáo Hoa bởi tính nết hiền lành, tốt bụng lại rất trách nhiệm với học trò. Với cô, đám nhỏ chẳng khác gì những đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra. Cả tuần nay dù không có tiết dạy cuối buổi chiều nhưng cô vẫn ở lại đến cuối cùng cũng bởi lo lắng cho cô học trò mới chuyển đến.

- Cũng được một tuần rồi đấy cô nhỉ, học trò mới của cô chắc cũng quen trường mới, lớp mới, bạn mới rồi. Cô cứ yên tâm. Bác bảo vệ động viên.

Cô giáo như mẹ hiền - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Cô Hoa chưa kịp đáp lại thì có tiếng ồn ào vang lên phía gần cổng trường. Một đám đông túm tụm vây quanh. Không ai bảo ai, cả cô Hoa và bác bảo vệ lập tức lao đến. Không ai khác chính là Hoàng Anh đang gây gổ với một đám bạn nữ lớp bên cạnh. Thấy cô giáo chạy đến, mấy đứa mới chịu buông nhau ra rồi thi nhau mách tội của nó. Cũng may cô Hoa xuất hiện kịp thời, đám đông nhanh chóng được giải tán. Cô Hoa dẫn học trò của mình trở lại phòng hội đồng. Nhẹ nhàng gỡ những lọn tóc rối lòa xòa vương trên trán:

- Em có đau chỗ nào không?

Nó lắc đầu đáp lí nhí: Không ạ!

Cô liền ôm nó vào lòng vỗ về. Cô biết ẩn dấu bên trong vẻ ngoài lì lợm, bất cần kia là một trái tim thổn thức, yêu thương.

- Không sao thì tốt rồi, cái gì cũng cần phải có thời gian để thích nghi kể cả những mất mát, đau thương. Nhưng cô tin Hoàng Anh bản lĩnh và dũng cảm của cô sẽ làm được. Cố lên con, có cô ở đây rồi!

Nó thấy sống mũi mình cay cay. Nó lầm lũi ngồi lên xe cô giáo chở về nhà. Dáng cô mỏng manh, hao hao giống dáng mẹ nó. Hương bồ kết từ tóc cô tỏa ra dịu nhẹ cũng giống hương thơm mái tóc đen dày, óng mượt của mẹ mà lúc nhỏ nó vẫn rất thích được hít hà. Bất giác nó thấy nhớ mẹ, tự hỏi không biết giờ này mẹ đang làm gì, có ăn uống đầy đủ và đúng bữa không?

*  *   *

Chiều hôm sau, trong lúc cô Hoa ngồi lặng lẽ một mình ở phòng hội đồng như mọi hôm thì bất ngờ Hoàng Anh bước vào. Thoạt trông thấy nó, cô Hoa hốt hoảng tưởng lại có chuyện gì xảy ra.

- Kìa Hoàng Anh, có chuyện gì vậy em?

Con bé òa khóc ôm chầm lấy cô giáo. Trên tay nó là tờ giấy kiểm tra bỏ trống với lời phê ấm áp của cô giáo như thức tỉnh nó. Nó nghẹn ngào nói:

- Em xin lỗi cô, nhất định em sẽ không bỏ cuộc, em sẽ cố gắng trở thành một người tốt.

Cô Hoa xúc động cũng rơm rớm nước mắt. Bên ngoài cửa, bác bảo vệ khẽ gật đầu mỉm cười hiền từ. Thì ra chính bác bảo vệ đã nói cho Hoàng Anh biết rằng cô giáo đã rất yêu thương và lo lắng cho nó như thế nào.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

Sáng tạo trong tập hợp, thu hút hội viên

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ Thủ đô luôn xác định công tác tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh. Với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều phong trào thi đua, mô hình phù hợp mang lại hiệu quả thiết thực và thu hút đông đảo chị em tham gia.
Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sức hút về đêm ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(PNTĐ) -  Các sản phẩm du lịch đêm sử dụng công nghệ, hướng đến phát triển bền vững trong khai thác và phát huy giá trị di tích được đưa vào khai thác ở Hà Nội nói chung, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nói riêng đã đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành điểm đến hàng đầu của cả nước về phát triển du lịch thông minh.
Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

Sống đẹp để có ích cho cộng đồng

(PNTĐ) - Hăng say với hoạt động hiến máu tình nguyện suốt 6 năm qua, Trương Thảo Linh, Phó Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã vận động được hàng ngàn người tham gia. Cô gái trẻ vừa được nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội trao tặng.