Cơ hội để quan tâm, chăm sóc lẫn nhau

Chia sẻ

“Vợ tôi nói: “Gần chục năm sau ngày cưới đến giờ, cả gia đình mình mới “đoàn tụ” bên nhau lâu như vậy”. Mặc dù chúng tôi bên nhau vì lý do bất khả kháng – chiến đấu với dịch Covid-19, nhưng lời chia sẻ “ngậm ngùi” của vợ khiến tôi nhận ra, mình đã bỏ lỡ rất nhiều thời gian quý báu cho gia đình…

Vợ chồng tôi có hai con nhỏ, con trai lớn 8 tuổi, còn con gái út mới 20 tháng tuổi, chung sống trong một khu chung cư ở Hà Nội. Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, phức tạp, chúng tôi đều cố gắng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời lên kế hoạch dự phòng cụ thể nếu chẳng may một thành viên trong gia đình dương tính với virus Sars-CoV-2. Thế nhưng, khi cả tầng (nơi tôi sinh sống) có 10/17 căn hộ có F0 thì con gái tôi cũng bị lây nhiễm virus trong lúc vui chơi với đám trẻ con trong tầng. Thương nhất là có hai căn hộ có con nhỏ mới 3 tháng và 6 tháng bị F0, sốt quấy, khóc cả đêm khiến ai cũng bùi ngùi.

Khi con gái tôi thành F0, nhiều người thân, bạn bè gọi điện thăm hỏi, động viên chúng tôi vượt qua đại dịch. Anh bạn tôi nhắn tin hỏi: Tâm lý có ổn không? Là người trụ cột gia đình, thành thật mà nói, dù đã được chuẩn bị tư tưởng từ trước, song, khi sự việc xảy ra, tôi cũng hốt hoảng, lo lắng. Nhất là khi việc khai báo y tế của tôi gặp nhiều khó khăn do y tế quá tải. May mắn, trong chung cư tôi thành lập Tổ y tế cộng đồng, kịp thời hỗ trợ các ca nặng và hỗ trợ các F0 trong quá trình chăm sóc, điều trị tại nhà. Những vướng mắc, lo lắng của tôi gần như được gỡ bỏ.

Vợ và các con anh H chăm sóc lại bố khi sức khoẻ đã ổn địnhVợ và các con anh H chăm sóc lại bố khi sức khoẻ đã ổn định

Dù vậy, tôi trấn an tinh thần của cả nhà, khuyên vợ tôi bình tĩnh trước mọi việc, đồng thời lên kế hoạch điều trị. Căn hộ có hai phòng, tôi chia cho vợ và con gái ở một phòng vì con còn nhỏ chưa thể tách mẹ, con trai lớn ở riêng một phòng. Tôi nằm ở ghế sofa phòng khách. Mọi vật tư y tế phòng dịch gồm cồn sát khuẩn, nước muối sinh lý, khẩu trang, đo thân nhiệt… đều được đặt trước mỗi phòng. Khó nhất là căn hộ chỉ có 1 nhà vệ sinh, do đó, nhà vệ sinh được khử khuẩn liên tục mỗi khi sử dụng và ưu tiên người chưa dương tính dùng trước.

Đêm đầu tiên, con gái tôi sốt cao. Hai mẹ con đánh vật suốt cả đêm để cắt cơn sốt. Vợ không nói với tôi điều đó vì muốn tôi nghỉ ngơi, giữ gìn sức khoẻ chăm sóc cả nhà trong một thời gian dài. Tôi ở ngoài sốt ruột, tự trang bị bảo hộ cẩn thận rồi vào phòng chăm sóc con, động viên vợ. Đến đêm thứ hai, con gái tôi sốt cao hơn, thân nhiệt có khi lên đến 400C, li bì. Lúc này, vợ tôi không giữ nổi bình tĩnh, ngồi khóc nức nở. Tôi vừa trấn tĩnh vợ, vừa gọi điện bác sỹ để nhờ hỗ trợ trực tuyến. Sau khi tìm mọi cách hạ sốt cho con gái: Uống thuốc hạ sốt, chườm ấm, da kề da… đến sáng hôm sau, cháu cũng cắt được cơn sốt. Lúc này, cả hai vợ chồng mới trút được âu lo.

Sang ngày thứ ba, vợ tôi nói rát họng. Tôi thực hiện test nhanh và cô ấy cũng đã dương tính với virus Sars-CoV-2. Khi 2 mẹ con ở chung một phòng, việc nhiễm bệnh là điều không thể tránh khỏi. Tôi cố tách và bảo vệ an toàn nhất cho con trai lớn, tránh lây nhiễm từ không gian nhỏ hẹp. Đêm đầu tiên, vợ tôi có biểu hiện sốt, tâm lý lo lắng bao trùm. Mặc dù cô ấy luôn nói: “Em trông con được, có gì em gọi”, nhưng tôi vẫn đứng ngồi không yên, cả đêm trằn trọc không thể ngủ, thi thoảng lại nhìn camera theo dõi sức khoẻ hai mẹ con. Quá bồn chồn, tôi tiếp tục thay đồ bảo hộ khác, đeo khẩu trang cẩn thận và vào phòng để chăm sóc cho hai mẹ con, thi thoảng lại sang xem phòng con trai lớn như thế nào. Lúc này, cả hai phòng đều đóng kín cửa để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Thế nhưng, đến ngày thứ 4, con trai lớn cũng thành F0. Đêm đó, con trai sốt cao, nói mê nhiều. Vợ tôi đã đỡ sốt hơn nên bảo để cô ấy chăm sóc con trai. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ nên tách phòng vì quá trình lây nhiễm khác nhau, phát bệnh khác nhau, nên để con nằm một phòng tách biệt sẽ tránh được lây chéo. Một mình tôi vẫn là F1, tất bật vừa lo cơm nước cho 3 F0, vừa chăm sóc y tế, lau dọn nhà cửa, sát khuẩn mỗi ngày… Cũng may, đến ngày thứ 5, hai con tôi đều cắt được sốt và bắt đầu ăn uống lại được. Vợ tôi đã bình tĩnh hơn, không còn lo lắng nhiều như trước.

Con trai anh đã chủ động tự lập trong cuộc sống hàng ngàyCon trai anh đã chủ động tự lập trong cuộc sống hàng ngày

Suốt cả tuần, tôi không ngủ quá 3 tiếng mỗi ngày. Ban ngày, tôi vào vai “nội trợ chính”. Trước đây, chuyện bếp núc, tôi đều phó mặc cho vợ. Khi vợ thành F0, việc đi chợ, mua gì, nấu như thế nào… khiến tôi vô cùng lúng túng. Việc chuẩn bị ba suất cơm cho 3 người làm tôi quay cuồng cả ngày, đôi lúc cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Ngày đầu tiên, vợ tôi list danh sách các thực phẩm cần mua trong ngày và công thức chế biến các món ăn. Khó nhất là món cháo cho con gái út, những ngày đầu, tôi tự đặt cháo dinh dưỡng, sau đó, cũng học hỏi, mày mò, tìm hiểu để trổ tài nấu cháo cho con. Nhiều lúc, tôi hì hục nấu nấu, nướng nướng nhiều món khác nhau, nhưng lại không được các F0 “hưởng ứng”, có lẽ vì mệt và cảm giác chán ăn – như mọi người vẫn từng nói khi nhiễm bệnh. Thay vì bực mình, tôi động viên vợ, dỗ dành các con cố ăn để đảm bảo sức khoẻ, nhanh chóng bình phục…

Sau hơn 1 tuần, sức khoẻ vợ và các con đã dần ổn định. Lúc này, tôi mệt bơ phờ vì nhiều đêm không ngủ. Thấy thế, vợ tôi quyết định “cách ly” chồng, để các F0 chăm sóc cho F1. Tôi mừng vì các F0 trong nhà đều đã khoẻ mạnh, đồng thời cũng tự hào bởi chỉ sau 1 tuần, tôi đã học được các kỹ năng cơ bản chăm sóc người ốm và làm việc nhà thành thạo. Những ngày trải nghiệm việc nhà, tôi mới thấy thương vợ nhiều hơn, biết sẻ chia và cảm thông với những vất vả thường nhật của vợ, khi cô ấy cũng đi làm 8 giờ/ngày và còn gồng gánh cả “núi” việc nhà và chăm sóc con cái… Con trai tôi còn nhỏ song đã tự giác mọi việc, tự chủ động học tập, ăn uống…

Giờ vợ và các con tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh. Tôi vẫn là F1 “bất tử” trong gia đình nhờ việc cách ly y tế tốt nên không bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, ở quê, bố mẹ tôi cao tuổi cũng đã nhiễm Covid-19. Bằng kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ cho các F0 tại nhà, một lần nữa, tôi hỗ trợ người thân chăm sóc bố mẹ ở nhà, hỗ trợ thuốc men, dinh dưỡng phù hợp. Tôi tin rằng, dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi để mọi người trở về cuộc sống bình thường mới. Cũng sau cuộc chiến chống dịch bệnh trong gia đình, tôi nhận ra, gia đình là quan trọng nhất. Tôi thấu hiểu, chia sẻ với nỗi vất vả của vợ, cảm nhận sự trưởng thành của con – điều mà tôi đã bỏ qua suốt những năm qua vì lý do “bận việc”. Sau dịp này, tôi sẽ sắp xếp lại công việc, thú vui riêng để dành thời gian cho gia đình nhiều hơn nữa…

QUỲNH AN
(Ghi theo lời kể của anh N.Đ.H, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.