“Có mỗi thị mẹt” thì đã sao?

HẢI LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hơn chục năm nay, vào mỗi dịp nghỉ lễ, Tết, khi con cháu tụ tập về quê đầy đủ, bà Loan lại “nhắc nhở” dâu cả nhớ làm tròn “bổn phận” của mình. Vì từng ấy năm qua, chị Dung chưa chịu sinh cháu nữa, dù trước đó vợ chồng chị chỉ mới có một con gái.

Với bà Loan, chị Dung lần lữa không sinh nở như thế là vô trách nhiệm với nhà chồng, với mong mỏi chính đáng của bố mẹ chồng. Dù ngoài chị Dung, vợ chồng bà Loan còn một dâu thứ nữa, và cô ấy cũng đã sinh cho gia đình bà hai cháu trai. Nhưng trong suy nghĩ của bà vẫn luôn khăng khăng một điều: Con cả phải sinh được đích tôn thì mới là hoàn hảo, là tuyệt vời nhất, là không có lỗi với tổ tiên, là nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng. Ngặt nỗi, cả chục năm qua bà cứ than thở mãi, sao nhà người khác thì dễ dàng là vậy, mà nhà bà lại khó khăn đến thế!

Trái ngược với sự lo lắng của mẹ chồng, vợ chồng chị Dung đã quyết tâm ngay từ đầu, chỉ sinh một con để toàn tâm toàn ý nuôi dạy cho tốt, dù con là trai hay gái. Hai vợ chồng cùng nghĩ, cả hai đều là công chức, viên chức nhà nước, sống bằng đồng lương chứ không có thu nhập nào khác, mà thời buổi bây giờ nuôi con cần đủ thứ chi phí, lo cho con không chỉ ăn no mặc ấm là đủ, mà còn phải học hành đàng hoàng, tử tế, từ văn hóa đến năng khiếu…

“Thà nuôi một đứa mà lo cho nó đủ đầy còn hơn hai, ba đứa mà cả nhà cứ phải giật gấu vá vai, rồi phải ngậm ngùi cắt chỗ học này, cắt lớp kia của con vì không đủ chi phí…”, chị Loan nghĩ. Họ cũng khá thoáng trong việc không quá suy nghĩ con cái sẽ phụng dưỡng mình về già, nên chỉ một là đủ. Con lớn, đủ lông đủ cánh là nó sẽ muốn bay, lúc ấy tương lai, chân trời là của nó, bố mẹ mà ép nó ở lại để “nuôi lại” mình thì ích kỷ quá. Vì thế, họ đồng lòng chỉ sinh một con, và bao lâu nay không gây gánh nặng cho nhau về việc có suy nghĩ sẽ phải sinh thêm, dù trách nhiệm dâu cả vẫn còn đó.

“Có mỗi thị mẹt” thì đã sao? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhưng bà Loan không nghĩ vậy. Khi con gái chị Dung được 2 tuổi, bà bắt đầu nhắc khéo con dâu tiếp tục sinh thêm. “Con bây giờ sức khỏe cũng coi như ổn định, cái My (con gái chị Dung) cũng đi lớp được rồi, vợ chồng nên lên kế hoạch sinh tiếp đi là vừa”. Lúc ấy, thấy mẹ chồng nhắc nhở nhẹ nhàng nên chị Dung không nỡ làm bà buồn, chỉ dạ vâng cho nhanh. Nhưng dạ vâng rồi vẫn thế, tình hình không có gì thay đổi, mãi mà vợ chồng bà Loan vẫn chưa thấy tin vui từ “nhà thằng cả”, làm bà cứ sốt ruột. Không chịu được nên bà lại gặng hỏi, lần này con gái chị Dung đã 4 tuổi. Lúc này, vợ chồng chị Dung mới “ngả bài”, nói thật là không muốn sinh thêm. Bà Loan ngã ngửa, “ôi sao lại thế được, hay con bị bệnh gì?”.

Thấy mình lỡ mồm, bà Loan không nói thêm nữa, nhưng cũng vì thế mà chị Dung thành thật bày tỏ quan điểm của hai vợ chồng chị. Thấy các con kiên quyết quá, chồng bà Loan nháy mắt, tỏ ý bảo vợ thôi đừng can thiệp ngay.

Hai ông bà rầu rĩ suốt cả tuần, “Ai đời lại đẻ có một đứa. Nhà đã neo người thì chớ, tôi chỉ mong chúng nó đẻ nhiều, không nuôi được thì mang về đây, tôi vẫn còn sức khỏe, tôi gánh được hết”. Thấy bà Loan than thở mãi, chồng bà thương vợ quá mới khuyên: “Chắc chúng nó ảnh hưởng tư tưởng bên nước ngoài nhiều quá nên mới nghĩ vậy. Thôi thì lạt mềm buộc chặt, tôi với bà cứ nhẹ nhàng khuyên bảo, rồi tạo điều kiện để hai vợ chồng chúng nó thoải mái hơn về kinh tế, chắc lúc ấy hai đứa sẽ nghĩ lại”.

Bà Loan tươi tỉnh hơn hẳn sau ý kiến của chồng. Từ đó, bà cho phép vợ chồng chị Dung cứ cách 1 năm ăn Tết nhà chồng thì lại được 1 năm ăn Tết nhà đẻ. Không chỉ vậy, hai vợ chồng bà còn quyết định rút tiền tiết kiệm để tặng cho vợ chồng chị, nói là “để các con sửa sang lại nhà cửa cho rộng rãi hơn”. Ý bà đã rõ, bà muốn góp công vào chuẩn bị để các con vững tâm lý mà yên tâm sinh thêm con. Đều đặn mỗi tháng, hai vợ chồng bà Loan lại thịt gà, ngan, vịt, rồi nhặt rau vườn nhà, đóng vào thùng gửi xe khách ra cho các con…

“Có mỗi thị mẹt” thì đã sao? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhưng phía vợ chồng chị Dung vẫn vậy. Đã 2, 3 năm trôi qua, bé My đã vào tiểu học, nhưng vợ chồng chị vẫn chưa có tin vui để báo cho ông bà. Tết năm đó, khi cả đại gia đình đang quay quần tiếp khách, vị khách có chúc khéo vợ chồng chị Dung sớm sinh quý tử, thì chị không ngại ngần tiếp lời: “Cháu cám ơn bác, nhưng nhà cháu đến đây là dừng rồi ạ!”. Rồi chị rót nước, mời trà như chưa có gì xảy ra, không để ý thấy sắc mặt bà Loan bỗng dưng tối sầm. Nếu không có chồng ở bên động viên, thì bà đã không giữ được bình tĩnh.

Và cũng từ cái Tết năm đó tới nay, bà Loan không còn muốn giữ hòa khí với con dâu nữa. Mỗi lần vợ chồng chị Dung về thăm nhà là một lần bà đề nghị “thẳng tay”: “Vợ chồng anh chị có định đẻ tiếp không, cả làng này người ta đồn anh chị tịt kia kìa. Nhà người khác chỉ muốn đông con đông cháu cho thêm người, thêm của, đằng này anh chị cứ giữ khư khư cái quan điểm vớ vẩn. Đẻ thêm thì làm thêm việc mà kiếm tiền nuôi chúng nó, mà còn có hai ông bà già tôi ở đây, có gì mà lo túng thiếu. Đúng là đếm cua trong lỗ mà cứ nghĩ mình hay lắm!”.

Nói chung, càng ngày, trong lời nói của bà Loan càng không giữ được bình tĩnh nữa. Gặp là mắng, là chì chiết, là đay nghiến chuyện chị Dung không chịu đẻ cháu cho bà. “Tôi giờ chẳng mong chị đẻ con trai, chỉ cần chị đẻ một đứa nữa thôi là vợ chồng tôi cũng đội ơn chị lắm rồi. Nhưng chị được chiều quá, được học hành nhiều quá nên giờ có xem hai con người này ra thể thống gì nữa”.

“Có mỗi thị mẹt” thì đã sao? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Đáp lại mẹ chồng, chủ yếu chị Dung chỉ im lặng. Nhưng kể cả là sợi dây chun co dãn, cứ kéo đi kéo lại hàng chục, hàng trăm lần thì cũng đứt, chị cũng có lúc không chịu đựng nổi. “Con xin mẹ. Vợ chồng con xác định như thế, con mong bố mẹ hiểu. Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào, chúng con không mong sau này các cháu phụng dưỡng mình, chỉ mong ngay lúc này chúng con có điều kiện tốt nhất để nuôi dưỡng cháu. Mẹ không hiểu, con cũng đành chịu”.

Nói xong thì vợ chồng chị xách vali về nhà ngoại ăn Tết. Cái Tết vừa rồi buồn tênh, trống rỗng với vợ chồng bà Loan. Bà chẳng có ác tâm gì, mà nỡ lòng nào bị con cái đối xử như thế? Bà cứ mải dằn vặt mình, chẳng thiết ăn uống, đi chơi Tết, nên sức khỏe suy sụp hẳn. Ốm chẳng ra ốm, nhưng người cứ lả đi, chồng bà than: “Này là tâm bệnh rồi chứ còn gì nữa!”. Ông buồn quá, gọi điện cho vợ chồng chị Dung, “thôi chúng mày thắng rồi, hai thân già này chịu thua, giờ tao chỉ mong bà ấy khỏe lại…”.

Vài tiếng sau, có tiếng vali lộc cộc trước cổng nhà. Vợ chồng chị Dung và bé My về lại nhà nội. Nhưng vì không muốn mẹ chồng lại buồn thêm, hai vợ chồng chị Dung cố gắng tránh mặt, để bé My – năm nay đã mười hai tuổi, cơm cháo cho bà nội. Cô bé ngoan và hiểu chuyện, khéo léo chăm bà, bón cháo rồi rủ rỉ kể chuyện cho bà nghe. Bà Loan vuốt tóc cháu mà chảy tràn hai hàng nước mắt. Bà biết bé My đã được bố mẹ nuôi dạy tử tế, cẩn thận, học hành lại giỏi giang, vậy thì còn thiết tha thêm gì nữa? Thôi thì, thời buổi con cái đặt đâu bố mẹ ngồi đấy, bà nghĩ cứ thử một lần buông đi, chỉ ngồi đó và nhìn các con khôn lớn, trưởng thành thôi?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Chỗ dựa cho con

Chỗ dựa cho con

(PNTĐ) - Trong khi các con tập trung hết tâm sức để ôn luyện trước các kỳ thi chuyển cấp, tuyển sinh sắp tới, bố mẹ đóng vai trò không thể thiếu để chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần và trở thành chỗ dựa tin cậy giúp các em giảm bớt áp lực, để vượt qua kỳ thi với kết quả tốt nhất.
Con giời

Con giời

(PNTĐ) - Nghe vợ bảo tháng này chịu khó đi làm bằng xe máy, Dũng giật nảy mình: “60 cây số cả đi lẫn về mà em bảo anh đi xe máy thì về tới nhà, anh tắm bằng bụi à?”.
Hạ mình xuống để yêu

Hạ mình xuống để yêu

(PNTĐ) - Để có một cuộc hôn nhân lâu dài, điều đáng quý nhất là cả người phụ nữ và người đàn ông đều dành cho nhau sự trân trọng và chân thành. Đôi khi, để tìm thấy điều quý giá đó, người ta còn phải hạ mình xuống.
Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

Yêu thương, sẻ chia làm nên nếp nhà vững chắc

(PNTĐ) -Tôi là Nguyễn Thị Bích Vân, cán bộ Hội Phụ nữ huyện Thạch Thất. Cuộc thi viết “Các vấn đề gia đình thời nay” với chủ đề “Xây chắc nếp nhà” lần thứ XIII năm 2023 do Hội LHPN Hà Nội phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam tổ chức trên Báo Phụ nữ Thủ đô là một chủ đề thiết thực, gần gũi với đời sống. Chủ đề của cuộc thi cũng mang tính thời sự, trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, sự phát triển của mạng xã hội đang ít nhiều ảnh hưởng tới tính bền vững của nếp nhà.