Cỏ non tháng Giêng

Việt Phương
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Chỉ đợi cơn mưa
Cỏ xanh đến vô chừng.
Bờ đê ấy trải dài ra sông vắng.
Em đi hội xuân thoáng chốc
Con đò ngang, hương khói lễ chùa.
Cỏ níu bàn chân
Xanh trong mắt trẻ thơ.
Rạo rực một tình yêu hương cỏ.
Đêm tháng Giêng
Ướm lời một nửa!
Cỏ xanh hoa đã giấu nụ hôn.
Anh sang sông lễ mẹ cơi trần.
Cau tròn trái hương hoa làng đã hẹn
Tháng Giêng long lanh mắt biếc
Tháng Giêng thay lời.
Tình yêu giấu trong môi
Nụ cười say có mùi vị cỏ
Chân đê làng trăm năm anh nhớ
Để tháng Giêng xanh một tình yêu.

                            Thái Thăng Long

Cỏ non tháng Giêng - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Bài thơ là câu chuyện tình đẹp, xanh mướt mát như cỏ, êm đềm ngọt ngào trong mật ngọt tình yêu và tháng Giêng… của Thái Thăng Long nền nã, nhẹ nhàng nhưng cũng rất tinh tế. Ban đầu là cỏ của đất trời, cỏ tự nhiên xanh:

Chỉ đợi cơn mưa
Cỏ xanh đến vô chừng.
Bờ đê ấy trải dài ra sông vắng.
Em đi hội xuân thoáng chốc
Con đò ngang, hương khói lễ chùa.

Bốn câu thơ đầu mở ra bức tranh quê mà ta từng gặp trong thơ Nguyễn Bính, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ… 

Ngoài đường đê cỏ non tràn biếc cỏ,
Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ
Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước gió.
Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.

                         (Chiều xuân-Anh Thơ)

Hay: 

Ngày chiều về, vàng tía rộn chân mây,
Trăng sao bạc thêu màn trời gấm đỏ,
Hơi lam tím phủ mờ trên lá cỏ,
Một đàn bò thấp thoáng bước trong sương.
Ngày tắt dần theo nhịp tiếng chuông vang..

              (Ngày xuân chơi đồng quê-Đoàn Văn Cừ)

Nhưng, riêng cái “ngưỡng” xanh của cỏ “đến vô chừng” thì hình như chưa có trong thơ mới. Cỏ của thơ mới là cỏ tả thật, khiêm nhường chứ chưa xanh đến quyết liệt, cùng cực như ở bài thơ này. Và đâu chỉ có thể, hình như cỏ còn “đồng lõa”, còn “tiếp tay” cho tình xuân:

Cỏ níu bàn chân
Xanh trong mắt trẻ thơ.
Rạo rực một tình yêu hương cỏ.
Đêm tháng giêng
Ướm lời một nửa!
Cỏ xanh hoa đã giấu nụ hôn.

Cỏ non tháng Giêng - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Cỏ của tình yêu thật ý tứ, níu bàn chân ai đó ở lại một cách rất hồn nhiên. Không biết chất “keo” ấy là gì mà ta lưu luyến thế, để đêm tháng Giêng cũng chỉ mình cỏ biết và rồi thầm giấu đi một nụ hôn. Nhà thơ đã gọi ra một thứ hương tình yêu: “Tình yêu hương cỏ”. Có người nói rằng, tình yêu luôn gắn với mùa màng bởi những mối tình đẹp cũng mong manh như vẻ đẹp của những loài hoa. Nhưng với nhà thơ Thái Thăng Long, tình yêu hương cỏ bình dị mà bền bỉ. Và, cũng vì lẽ đó mà cái kết của câu chuyện tình này thật đẹp:

Cau tròn trái hương hoa làng đã hẹn
Tháng Giêng long lanh mắt biếc
Tháng Giêng thay lời.
Tình yêu giấu trong môi
Nụ cười say có mùi vị cỏ
Chân đê làng trăm năm anh nhớ
Để tháng Giêng xanh một tình yêu.

Đọc đến đây ta nhận ra cả ánh mắt, nụ cười cũng đều mang hương cỏ, vị cỏ, cứ thế mà xanh lên, mà gìn giữ. Mùi cỏ ấy, nụ hôn náu trong cỏ ấy cứ xanh mãi, trẻ mãi, đẹp mãi cùng tháng năm. Người thi sĩ của tình yêu đã khép lại dòng cảm xúc của mình như thế:

Chân đê làng trăm năm anh nhớ
Để tháng Giêng xanh một tình yêu.

Có phải vì “trăm năm” còn nhớ một mối tình mà bao lứa đôi yêu cỏ mãi. Cỏ là cái duyên cớ nơi chân đê, cỏ là ông Tơ, bà Nguyệt (Cỏ níu bàn chân); cỏ cất giữ những điều thiêng liêng nhất (Cỏ xanh hoa đã giấu nụ hôn) và sau cùng, cỏ là sự vĩnh hằng của tình yêu.

Cỏ tháng Giêng non tơ và nên thơ…

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.