“Cởi dây” cho mình

CÔNG NGỌC
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lê đã cố bình tĩnh, nhưng cái tin ấy - tin cái thai là con gái, vẫn khiến cô chao đảo. Lê thấy mọi thứ trong cơ thể đang vùng lên muốn bóp nghẹt lấy trái tim, như thể tự cô đang đay nghiến chính mình.

Nếu lời chẩn đoán của vị bác sỹ ở phòng khám này là đúng, thì tức là từ đây, Lê có thêm cô con gái nữa. Chỉ mới nghĩ vậy thôi đã đủ mệt rồi. Vì nghĩa là cô chưa hoàn thành nhiệm vụ với nhà chồng. Bố chồng là trưởng họ, lại khó tính, chồng là con trai duy nhất trong nhà, cô không đẻ con trai sao được? Những áp lực cứ tự nhen nhóm, rồi nhân lên khiến Lê ngạt thở. Cô sợ phải báo tin này với chồng, chứ chưa nói là với bố mẹ chồng. Với bố mẹ đẻ, Lê cũng không dám chia sẻ. Cô sợ bố mẹ lại buồn.

Trên đường về lại chỗ làm, những hình ảnh từ ngày xưa lại hiện hữu trong tâm trí Lê. Đó là cái ngày cô sinh viên còn chưa tốt nghiệp, mới tròn 20 tuổi, bàng hoàng nhận ra mình có bầu với người yêu, chỉ sau một vài lần không làm chủ được cảm xúc, thiếu bảo vệ bản thân và đi quá giới hạn. Tất nhiên, yêu nhau đã lâu nên anh người yêu kia - Đạt - chồng Lê bây giờ không “bỏ của chạy lấy người”, mà nghiêm túc suy nghĩ tới việc về xin bố mẹ được cưới vợ.

Đó cũng là lần đầu tiên Lê ra mắt nhà người yêu. Cái sự ngây thơ cộng với nét vụng về, mệt mỏi của người phụ nữ đang nghén ngẩm không được lòng mẹ Đạt - một người đàn bà sắc sảo, trải đời. Buổi nói chuyện trở nên căng thẳng khi Đạt nói, “Lê có thai rồi, bố mẹ cho chúng con cưới”. Bố Đạt nghiêm mặt lại, nhưng ông cũng chưa biết phải xử trí thế nào. Chỉ có mẹ Đạt là thật sự bình tĩnh.

Bà gạt con trai ra một bên, nhìn thẳng vào Lê mà nói: “Tại sao cháu chưa học hành xong xuôi, đã để cho có bầu rồi? Sau này nếu cưới nhau, không có việc làm, thì cháu định lấy gì nuôi con? Sao cháu là con gái mà dại thế, đàn ông nó chẳng mất gì, còn cháu, đoạn đường còn lại xác định làm vợ con bác, cháu đã thật sự muốn chưa? Hôn nhân đến với nhau vì lỡ dở có bầu, cháu có chắc sẽ hạnh phúc không?”.

“Cởi dây” cho mình - ảnh 1
Ảnh minh họa

Lê cúi gằm mặt, mỗi lời mẹ Đạt nói, cô tưởng như mình càng cúi sâu hơn. Vì quá xấu hổ. Chưa ai nói với cô như vậy, mẹ cô - dù hay dặn dò con gái lắm, cũng chẳng bao giờ nói trắng phớ đến nghiệt ngã như thế với con gái. Vậy mà đời Lê lại xoay vần theo đúng cái nghiệt ngã ấy. Nhưng rồi cô cũng được lấy chồng - chính xác là “được lấy chồng” - như một sự châm chước của bố mẹ chồng bởi sự đã rồi thì đành vậy chứ sao nữa! Lê bước vào nhà chồng, theo cái cách “vớt vát”, cửa dưới và đầy tự ti như vậy. Và Lê cứ bó mình mãi trong cảm giác tiêu cực ấy, như tự mua dây buộc mình, càng lúc càng chặt.
Đứa con đầu là gái.

Bố mẹ chồng không nói gì, thậm chí mẹ chồng Lê còn “giành” đón tay cháu với mẹ Lê. Nhưng chẳng hiểu sao nhìn thấy cảnh đó, Lê vẫn cứ nghĩ mình thấp kém, tới mức có tội. Đã chửa trước, lại còn không đẻ được con trai để “gỡ hòa” với mẹ chồng, cô thua lại càng thua. Cứ nghĩ vậy nên cô càng thấy sự quan tâm của mẹ chồng kia chỉ là “thể hiện” trước mặt thông gia mà thôi. Lúc quyết định sẽ ở cữ nhà chồng, Lê suýt trào nước mắt cầu cứu mẹ mình vì sợ, mẹ chồng sẽ đay nghiến cô lần nữa.

Nhưng nào có phải thế. Lê được mẹ chồng chăm tận tình hết sức. Bà có vẻ nói nhiều, nói dài, nói dai nên đôi khi thành “nói dại”, chứ chăm cháu, chăm con dâu khéo lắm, cứ như bà đã từng chăm mấy đứa cháu rồi. Nhưng cứ mỗi lần bà thể hiện điểu đó, Lê lại nhớ về những câu nói của bà ngày cô về ra mắt, lại thu mình lại, đến một lời cảm ơn mẹ chồng cũng chẳng dám nói ra. 

Lấy chồng khi còn chưa học xong, nên Lê chưa thể có việc làm. Đạt bảo vợ cứ ở nhà trông con cho đến khi em bé cứng cáp chút cũng được, anh sẽ lo kinh tế, nhưng mẹ chồng biết được liền gạt phắt: “Không được, như thế là nó ỷ lại vào chồng. Đàn bà ỷ lại thì không thể nào mà biết lo toan được! Con anh chị cai sữa, tôi sẽ nuôi. Việc của chị Lê là đi học trở lại, nhanh chóng lấy bằng tốt nghiệp và đi làm. Phụ nữ ít nhiều phải tự lực, thì đàn ông mới nể, mới biết cách chăm sóc cho gia đình!”.

“Cởi dây” cho mình - ảnh 2
Ảnh minh họa

Giờ khi đã đi làm được hai năm, với tấm bằng loại khá dù lấy muộn, và mức lương đủ để trang trải các chi phí trong nhà và nuôi con, mà Lê vẫn tự thấy mình co rúm lại mỗi khi nhớ tới “lệnh bài” ấy của mẹ chồng. Cô biết mình thay đổi được như bây giờ, phần lớn là nhờ bà thúc giục, đỡ đần, nhưng sao cái sợi dây tự ti cô tự đeo vào mình năm nào, vẫn thít chặt hơn chứ chẳng hề nới lỏng ra được. Rất nhiều lần, Lê muốn tìm đến sự chia sẻ từ chồng, nhưng rồi lại thôi, vì nghĩ người đàn ông thì có bao giờ hiểu được nỗi lòng phụ nữ.

Xe taxi đã đỗ lại trước cơ quan Lê. Nhưng lòng cô đang chùng xuống như vậy, tâm trí đâu làm nữa. Lê xin nghỉ làm, bảo taxi quay đầu đưa cô về nhà. Cả ngày trời, Lê suy sụp trong suy nghĩ, liệu có nên giữ lại đứa bé gái này không? Lê không chỉ sợ sẽ bị nhà chồng nói này, nói nọ, mà cô còn không dám nghĩ nếu nay mai con gái cô cũng gặp phải tình cảnh như mình lúc này thì sao? Những khổ đau, dồn nén sẽ lặp lại một lần nữa mà không có lối thoát à?

Trong lúc Lê hạ quyết tâm, thì mẹ chồng gọi điện, báo sẽ lên ở nhờ nhà hai vợ chồng khoảng đôi tuần để chữa dứt điểm chứng đau đầu hành bà bấy lâu nay. Lê không thể từ chối, nhưng nếu mẹ chồng lên, cô sẽ phải chuẩn bị chu đáo, đâu còn thời gian để đi giải quyết nữa! “Thôi đành lùi lại, chờ mẹ chồng xong chuyện về quê rồi tính!”, cô nhủ thầm.
Lên ở được vài ngày, thì mẹ chồng đã đoán được Lê có bầu. Giữa bữa ăn, bà đủng đỉnh hỏi: “Chị lại chửa phải không?”. Lê giật bắn mình, hỏi lại “Sao mẹ biết?”.

- Nhìn cái biết ngay, cái món sò điệp sốt bơ tỏi này lần nào về chị cũng chén cả nửa đĩa, tôi toàn phải nấu nhiều, nay lại bỏ đi không thèm ăn, không chửa thì là gì!

Lê ngượng ngùng, hóa ra mẹ chồng luôn để ý tới thói quen, sở thích của cô. Xúc động, cô đành nói thật: “Nhưng lần này lại con gái mẹ ạ! Con xin lỗi, chưa đẻ được đích tôn cho ông bà…”.

- Chị làm sao đấy, tôi đòi đích tôn bao giờ chưa? - mẹ chồng Lê nghiêm mặt.

- Hóa ra mấy hôm nay em mệt mỏi, không chịu ăn uống là vì lo không đẻ được con trai à? Anh đã nói là con nào cũng quý còn gì -  Đạt ngồi bên cũng sững người.

“Cởi dây” cho mình - ảnh 3
Ảnh minh họa

Như được cởi hết dồn nén, Lê bật khóc. Giữa những tiếng nấc, Lê kể lại hết những lo lắng lâu nay. “Con sợ mẹ mắng lắm, lần nào mẹ mắng con cũng co rúm người lại. Lúc nào con cũng thấy mình vô dụng, giờ lại bầu tiếp con gái, con không dám nói với mẹ, vì nghĩ kiểu gì mẹ cũng chê bai con… Con đã định đi giải quyết…”.

Bữa cơm gia đình khựng lại. Mẹ chồng ra dấu để Đạt đứng lên trước, còn bà ngồi lại với Lê. Giờ đây chỉ còn hai mẹ con, bà khẽ khàng: “Mẹ đáng sợ thế cơ à?”.

Lê vẫn cúi gằm mặt, như một sự ngầm đồng ý. Mẹ chồng cô đứng lên, đi về phía con dâu, khẽ ôm Lê vào lòng. “Ôi con gái khờ khạo của tôi! Mẹ không biết cách nói lời hay ý đẹp, chứ mẹ chưa bao giờ chê bai hay xem thường con gì hết! Cháu nào mẹ cũng yêu quý hết, con không được phép bỏ, nhớ chưa!”.

Lần đầu tiên, Lê thấy bà không còn gọi mình là “chị”, xưng “tôi”. Có lẽ sau bao năm cô chỉ chờ mỗi giây phút này. Hóa ra, lâu nay cô chỉ biết mua dây buộc mình, chẳng dám mở lòng để thấy ai cũng yêu thương mình hết. Lời của mẹ chồng hôm nay, đã gỡ cái dây thít chặt tâm trí cô. Lê ôm lại mẹ chồng. Cũng là lần đầu tiên, nhiều cái đầu tiên quá!

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.