Tưởng chung mà hóa... riêng
(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Vợ chồng ly hôn, tranh chấp xác định tài sản và nợ chung
TAND tỉnh L.A đã xét xử vụ án “Tranh chấp ly hôn, xác định tài sản chung, xác định nợ chung, đòi tài sản và hợp đồng vay, góp vốn” giữa ông Hoàng Văn H và bà Trần Thị G. Theo bà G trình bày, vợ chồng bà có mua 1 sợi dây chuyền trọng lượng 3.7 lượng vàng 18K, khi mua trị giá 150.000.000 đồng là tiền bán đất mua được nên yêu cầu ông H phải chia lại cho bà G là 75.000.000 đồng. Tại tòa sơ thẩm, bà G cho biết sợi dây chuyền này bà tặng ông H nhân dịp sinh nhật còn ông H cho biết đã bán đi để đầu tư vào kinh doanh.
Về nợ chung: Do cần tiền kinh doanh nên vợ chồng có vay tiền của một số người thân trong gia đình tổng cộng 270 triệu đồng. Về hình thức vay các bên lập giấy tay, thời gian vay là cùng lúc thời điểm vợ chồng mua đất kinh doanh. Vợ chồng có hứa hẹn khi bán đất sẽ trả lại tiền nhưng sau này khi bán xong thì vẫn chưa trả được. (Bà G cung cấp các bản sao giấy vay tiền và đoạn ghi âm hội thoại giữa bà và ông H). Bà yêu cầu Tòa án phân chia nghĩa vụ trả nợ giữa hai vợ chồng theo hướng mỗi người có trách nhiệm trả là 135.000.000 đồng.
Tại Bản án Hôn nhân và gia đình sơ thẩm tháng 10 năm 2024, TAND huyện C.G không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị G về việc chia tài sản chung đối với sợi dây chuyền trọng lượng 3.7 lượng vàng 18K cũng như không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị G về việc yêu cầu buộc ông Hoàng Văn H trả lại số tiền đã vay.
Bà G đã kháng cáo một phần Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm. Tòa án phúc thẩm đánh giá, bà G xác định vợ chồng có vay số tiền 270.000.000 đồng để mua đất tuy nhiên, trong các giấy vay tiền không có chữ ký xác nhận của ông H. Thời gian vay tiền thể hiện trong 1 giấy vay lại không trùng khớp với thời điểm hai vợ chồng mua đất mà bà G trình bày.
Phía ông H không thừa nhận có vay tiền và dùng số tiền vay được để mua đất. Đối với chứng cứ đoạn hội thoại do bà G cung cấp, ông H xác định không phải của ông và bà G không chứng minh được đoạn hội thoại được thực hiện giữa bà G và ông H.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Đối với 1 sợi dây chuyền trọng lượng 3.7 lượng vàng 18k mua năm 2021 có giá là 150.000.000 đồng: Các bên đều xác định sợi dây chuyền được mua trong thời kỳ hôn nhân và được bà G mua tặng cho ông H nhân dịp sinh nhật, ông H xác định hiện tại sợi dây chuyền không còn, đã bán để chi trả tiền trong quá trình kinh doanh, bà G cũng không có căn cứ chứng minh sợi dây chuyền hiện tại còn nên yêu cầu của bà G đòi chia đôi tài sản này là không có căn cứ. Vì vậy, tòa không chấp nhận yêu cầu của bà Trần Thị G về việc chia tài sản chung đối với một sợi dây chuyền trọng lượng 3.7 lượng vàng 18k.
Về nợ chung, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm không xác định số tiền nợ 270.000.000 đồng là nợ chung của ông H và bà G là có căn cứ và phù hợp.
Nhìn nhận vấn đề pháp lý từ vụ việc
Thứ nhất, về xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng, trong quan hệ hôn nhân gia đình ngoài các vấn đề liên quan đến con cái thì vấn đề liên quan đến tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hay trước hôn nhân được các cặp vợ chồng rất quan tâm. Việc xác định rõ đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng của vợ chồng có ý nghĩa rất quan trọng đặc biệt khi hai bên muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân và phát sinh vấn đề phân chia tài sản.
Theo quy định tại Điều 33, Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Điều 35 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung thì được coi là tài sản chung của vợ chồng.
Bên cạnh đó, Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP có hướng dẫn chi tiết quy định về thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân là khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp; Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước; thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định về tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là những tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; Tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng; Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Theo đó, tại vụ án nêu trên, bà G và ông H đều thừa nhận sợi dây chuyền trọng lượng 3.7 lượng vàng 18k có giá là 150.000.000 đồng là được bà G mua tặng ông H nhân dịp sinh nhật nên đây được xác định là tài sản riêng của ông H, nên việc ông H định đoạt tài sản nêu trên sẽ không cần sự đồng ý của bà G.
Thứ hai, về việc xác định nợ chung của vợ chồng, theo quy đinh tại Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì việc xác định nợ chung trong thời kỳ hôn nhân của vợ có thể hiểu như sau:
- Những khoản nợ chung là những khoản nợ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; Khoản nợ phát sinh từ giao dịch do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
- Những khoản nợ riêng là khoản nợ phát sinh trước thời kỳ hôn nhân; khoản nợ phát sinh từ trường hợp chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng hoặc từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; khoản nợ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.
Như vậy, có thể nhận thấy, trong đời sống hôn nhân, vợ chồng thường có sự thỏa thuận, bàn bạc và thống nhất với nhau khi xác lập các giao dịch với người thứ ba. Sự thỏa thuận đó có thể được thể hiện một cách công khai bằng văn bản, hoặc bằng lời nói. Các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng thường do vợ chồng cùng trực tiếp tham gia giao dịch, nên khi phát sinh các khoản nợ thì vợ chồng cùng có nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, có những trường hợp do chủ quan và không nhận thức rõ các quy định pháp luật, dẫn đến việc xảy ra tranh chấp giữa các bên.
Đối chiếu với vụ án nêu trên, việc TAND cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà G là hoàn toàn có căn cứ bởi bà G đã không đưa ra được căn cứ để chứng minh số tiền nêu trên do bà và ông H cùng xác lập thực hiện.
Qua vụ việc trên, có thể thấy rằng, không phải bất cứ tài sản nào trong thời kỳ hôn nhân cũng là tài sản chung và không phải bất cứ khoản nợ nào trong thời kỳ hôn nhân cũng là nợ chung. Việc xác định tài sản chung và nợ chung phải đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và khi có tranh chấp xảy ra thì bên nào có yêu cầu thì bên đó phải đưa ra được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ.