Coi tướng tay

Chia sẻ

Coi dăm ba bàn tay
Nói tầm bậy tầm bạ...
Mà em mắc lừa ngay
- Nè coi tay em thử!

Chao! Bàn tay xinh quá!
Những ngón nhỏ thanh dài...
"Thầy" giả vờ ngẫm nghĩ
Cốt được cầm ngắm hoài...

Anh là thầy tướng vụng
Tìm khắp bàn tay xinh
Mãi không ra biểu tượng
Nói rằng em thương anh...
                           Bế Kiến Quốc

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Khi nhà thơ Bế Kiến Quốc viết bài thơ này năm 1984, tức là sau cả khi anh hùng Phạm Tuân bay vào vũ trụ. Nhưng chả hề hấn gì, ở vào thời nào, dù khoa học phát triển đến đâu thì hình như các cô gái vẫn muốn xem tướng tay bởi như các cụ đã dạy: Con gái yêu bằng tai, con trai yêu bằng mắt. Vì thế, nếu muốn tìm con đường đến trái tim cô gái thì đôi khi các chàng chỉ có cách là vờ làm “thầy tướng”.

Câu chuyện mà nhà thơ Bế Kiến Quốc kể có khi ở một văn phòng có nam thanh, nữ tú, ở một xí nghiệp, một nhà máy hay nông trường vùng kinh tế mới. Đất nước đang hồi sinh sau chiến tranh, tâm hồn con người đang trẻ và hồ hởi, những câu chuyện vui, suồng sã mà vẫn tế nhị, cứ thế được bắt đầu:

Coi dăm ba bàn tay
Nói tầm bậy tầm bạ...
Mà em mắc lừa ngay
- Nè coi tay em thử!

Cô gái này mới tinh nghịch, mạnh dạn làm sao. Còn nhà thơ thì táo bạo, đưa nguyên cả cái chất liệu tươi mới ấy vào thơ. Nghe lời đề nghị “- Nè coi tay em thử!” thì có vẻ đó là một cô gái ở phương Nam. Mơ được ước thấy, giờ tay của “thí chủ” đã trong tay “thầy”, một cơ hội “hợp pháp” hiếm hoi để cầm tay nhưng cũng chấp chới, nhanh qua, nếu như “thầy” không biết chớp lấy. Bởi thế, nên việc phán đoán cũng đâu có đơn giản chút nào:

Chao! Bàn tay xinh quá!
Những ngón nhỏ thanh dài...
"Thầy" giả vờ ngẫm nghĩ
Cốt được cầm ngắm hoài...

Lạ chưa, cái tướng tay của cô gái hiện lên trong câu thơ mới đặc biệt làm sao. Ngón tay thon dài, bàn tay xinh thì nói lên điều gì đây? “Thầy” cũng không biết tay đẹp như thế này thì tiền vận, hậu vận như thế nào. Nhưng mặc, giờ cứ tìm cách mà trì hoãn để được cầm tay lâu lâu thêm cái đã. Và đến đây, hình như cái chân tướng của “thầy” cũng sắp lộ, nhưng cũng không thể thú nhận pháp thuật kém hay thú nhận giả danh được, đành nói với lòng mình như thế này:

Anh là thầy tướng vụng
Tìm khắp bàn tay xinh
Mãi không ra biểu tượng
Nói rằng em thương anh...

Bày tay thì nói lên điều gì nhỉ? Người ta đã có hẳn những cuốn sách viết rất kĩ về bàn tay, cũng có nhiều lời truyền tụng về cách xem chỉ tay mà ra đường công danh, tiền bạc và tình ái để người này, người kia thấp thỏm hay khấp khởi mừng thầm. Nhưng tuyệt nhiên, hình như từ cổ chí kim, nào thấy ai tìm ra dấu hiệu (biểu tượng) là cô gái đó yêu mình (thương anh). Một mục tiêu kỳ lạ nhưng cũng thật đáng yêu.

Chẳng biết chàng trai sẽ được cầm tay cô gái ấy bao lâu nữa. Cũng có thể, cô gái đã nhận ra chân tướng của thầy tướng giả đò. Mà biết đâu cô đã nhận ra tình ý nhưng thăm dò xem bản lĩnh của “thầy” thế nào? Biết đâu họ sẽ còn cầm tay nhau mãi trong cuộc đời này; mọi liên tưởng, dự cảm của người đọc còn ngân mãi…

Đôi khi trong tình yêu người ta phải nói dối để mà có cái cớ thể hiện tình cảm thật lòng của mình. Và cũng có khi, người ấy biết mình nói dối nhưng vẫn tạo cho mình cơ hội để được gần nhau, được cảm nhận tình cảm của nhau một cách tế nhị, dễ dàng, để xem chàng trai mà mình có ấn tượng tốt đẹp ấy có ngốc thật không? Tình yêu đâu thể dựa trên tướng số nhưng có lẽ với cái cớ xem tay ấy, đã có rất nhiều đôi lứa nên duyên vợ chồng và hạnh phúc trọn cuộc đời…

KIẾN VĂN

Tin cùng chuyên mục

Tưởng chung mà hóa... riêng

Tưởng chung mà hóa... riêng

(PNTĐ) - Có những tài sản, khoản nợ hình thành trong hôn nhân, được biết bởi cả hai vợ chồng nhưng lại không phải là tài sản và nợ chung. Vì vậy, quyền sở hữu tài sản hay trách nhiệm trả nợ lại chỉ thuộc 1 trong 2 bên.
Một ngày hai lần làm giỗ cha...

Một ngày hai lần làm giỗ cha...

(PNTĐ) - Cứ đến ngày giỗ ông Thành là đám con cháu, họ hàng thân tộc nhà ông lại nhộn nhịp vào ra ăn cỗ hết nhà con trai trưởng đến nhà con trai thứ. Cỗ nhà nào cũng to, khách mời không kém nhau một người. Ai ăn cỗ nhà anh con trưởng mà không vào ăn cỗ ở nhà con trai thứ hoặc ngược lại thì thế nào ngày mai cũng… to chuyện.
Đàn bà, con gái biết gì

Đàn bà, con gái biết gì

(PNTĐ) - Câu nói cửa miệng của anh với vợ thường là: “Đàn bà con gái biết gì mà tham gia”, “Đàn bà con gái chỉ làm hỏng việc”... Đến nỗi, nhiều khi anh nói với vợ trong sự vô thức như một thói quen...
Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

Tri ân những con người góp phần làm nên lịch sử

(PNTĐ) - Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ý nghĩa, thiết thực thăm hỏi, tri ân các các nữ thương binh, vợ liệt sỹ gia đình có công, san sẻ khó khăn với phụ nữ... Các hoạt động đã góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, đồng thời khơi dậy khát vọng cùng góp sức xây dựng đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.