CƠM CANH NGON MỘT PHẦN NHỜ… GIA VỊ
Người đàn ông là người “Hà Nội gốc”, mới 42 tuổi, cao to, đẹp trai như tài tử điện ảnh, sống tử tế, đã ly hôn 2 đời vợ. Anh nhanh chóng có được người vợ thứ ba, nhưng rồi được hai năm, cô vợ chê anh nhạt, đang đòi ly thân để suy nghĩ lại về việc có tiếp tục chung sống với nhau nữa hay không. Anh đến chỉ để hỏi cách làm cho cuộc sống với phụ nữ trở nên “mặn nồng” hơn khi người nào cũng chê anh... nhạt.
Anh là con trai út trong gia đình có 3 anh em trai, nhà ở khu phố “Hàng” của quận Hoàn Kiếm. Hai anh trai đều đã định cư ở nước ngoài. Một anh ở Đức, một anh ở Úc. Anh nghiễm nhiên trở thành “con một”, sống sung túc cùng bố mẹ chưa già lắm. Họ kinh doanh, buôn bán. Anh học xong phổ thông, không đỗ đại học, nhưng anh chẳng cần. Nhiệm vụ của anh đã được cả gia đình giao phó, là duy trì, tiếp nối truyền thống buôn bán của gia đình, giữ căn nhà cổ để những người anh, các con cháu họ lấy lối đi về. Khi anh còn trẻ, bố mẹ anh vẫn là những ông bà chủ đích thực của cửa hàng, anh chỉ là “con ông bà chủ”. Ăn, chơi lang thang, café, chăm chim cảnh, cá cảnh, sau này là chó cảnh cũng đã hết ngày của anh rồi. Anh được bố mẹ và mọi người khen là “trai ngoan”, hay “thanh niên nghiêm túc”. Tuy là trai phố cổ, nhà có điều kiện kinh tế, nhưng không vướng vào bất cứ tệ nạn xã hội nào. Không biết hút thuốc lá, chỉ biết uống cà phê, không biết uống rượu, bia thì nhấm nháp một cốc là đỏ mặt. Anh cũng không có nhiều bạn, bởi đám bạn học cùng thì đều học lên cao hoặc đi công tác nơi khác. Không đi làm công ty hay cơ quan nhà nước, nên anh không có bạn đồng nghiệp. Chưa được nắm giữ cửa hàng, anh cũng không có “khách hàng”. Một vài người bạn cùng khu phố cũng bận làm ăn, thỉnh thoảng gặp nhau thì gật đầu chào nhau ở phố, chứ cũng không có thời gian tụ tập, giao lưu. Chính vì thế, anh rất cô đơn. Có hôm, một mình một ly cà phê sữa trứng, anh ngồi quán tĩnh lặng cả ngày.
Ảnh minh họa
Cả hai lần lấy vợ trước, đều do có người mối lái, giới thiệu.
Lần đầu là ông bác họ giới thiệu cho anh cô thạc sĩ quản trị kinh doanh, quê tỉnh lẻ, đang làm cho một tổ chức phi chính phủ có văn phòng ở Hà Nội. Vì là gái tỉnh lẻ, nên cô sống một mình tại căn phòng thuê của gia đình ông bác. Ông bác thấy cô gái nhanh nhẹn, thông minh, giỏi giang, muốn vun vén cho cháu mình, nên đã tạo cớ để hai người được gặp nhau. Họ đến với nhau không quá khó khăn. Chàng trai chưa yêu ai bao giờ, không đi đến đâu, không có va chạm với bạn khác giới nhiều, nên gặp được cô gái vừa xinh, vừa giỏi lại còn khá chủ động, nên anh chỉ việc gật đầu đồng ý, còn mọi chuyện có người khác lo. Cô gái thấy chàng trai có hình thức đẹp, nét mặt hiền lành, gia đình nề nếp, các anh lại định cư nước ngoài cả, chắc mẩm cơ ngơi của cha mẹ sẽ là của cậu con út, nên cũng thấy “quá được”.
Lấy nhau một thời gian, người vợ thường ca cẩm với mọi người rằng chồng là ông đù đờ, ông ngố, ông sống “nhạt như nước ốc”. Là người có học, thường xuyên tiếp xúc với những người đàn ông thông minh, nói tiếng nước ngoài, kể cả làm việc với người nước ngoài, bàn những vấn đề phát triển cộng đồng, làm gia tăng lợi ích cho người dân… nên khi tiếp xúc với anh chồng trắng trẻo, không có niềm vui gì ngoài ngồi café và chăm chó, mèo, cô vợ thấy chán là phải. Trước cô còn nghĩ anh chồng là “chủ cửa hàng”, lấy nhau về mới biết anh chẳng có gì, ngoài việc được bố mẹ nuôi ăn. Nhà ở chật chội, vì còn dành chỗ cho chứa hàng hóa. Cả gia đình vẫn ăn chung, vợ chồng anh chị có trách nhiệm đóng góp tiền cho bà mẹ, bà sẽ lo cho cả gia đình. Cô vợ chẳng dám có khách, không cho bạn bè biết nhà, bởi có đến cũng chẳng biết ngồi đâu, cũng lại ra quán thôi mà. Chồng thì khó hoà nhập với bạn bè của vợ, còn vợ cũng không muốn chồng xuất hiện trong những cuộc vui chung vì anh không biết nói gì, chỉ ngồi cười góp, ai trêu thì đỏ mặt xấu hổ, có hôm tự ái đòi về trước. Vợ chồng ngày càng xa cách, họ nhận ra “chúng ta không thuộc về nhau”, rồi người quyết định ly hôn là cô vợ, mặc dù họ đã có một bé gái 3 tuổi. Ly hôn xong, con gái theo mẹ, anh chàng lại trở thành “chàng trai độc thân”, trong lòng vẫn băn khoăn một câu hỏi “mình có lỗi gì đâu” mà vợ bỏ mình?
Ảnh minh họa
Lần kết hôn thứ hai, do bà dì ruột giới thiệu. Bà nghĩ, cô gái gốc nhà quê nghèo khổ, giờ tự nhiên thành dâu phố cổ, không phải đi làm thuê, ở trọ, mà sống đàng hoàng, tử tế, chắc sẽ gắn bó với thằng cháu lâu dài. Cô gái được giới thiệu cũng là cô gái xinh xắn, còn vương chút “chân quê”. Cô ra thành phố từ lúc 16 tuổi, làm đủ nghề, từ phụ bán bánh mì đến chăm người già nằm viện, từ bán cháo đêm đến nướng mực vỉa hè. Sau hơn 10 năm lăn lộn chốn thị thành, giờ đây cô cũng là “bà chủ” của một quán cắt tóc, gội đầu nam nữ, mà mọi người vẫn trêu gọi là “thẩm mĩ viện” (SPA). Cũng giống như lần trước, hai người đều nhanh chóng đồng ý đi lại với nhau. Họ báo cáo gia đình làm đám cưới khi cô gái đã có thai 3 tháng. Cô không yêu cầu gì gia đình nhà chồng, trừ việc cô vẫn muốn làm nghề, vẫn có sự nghiệp riêng, vợ chồng thuê nhà ở riêng, gần “thẩm mĩ viện” của cô. Khi sinh con, cô gọi mẹ đẻ của cô ở quê ra hỗ trợ.
Họ chia tay nhau khi anh chồng vô tình nghe được cuộc điện thoại của vợ gọi cho người đàn ông nào đó, báo cáo với anh ta về tình hình của “thằng cu”. Hoá ra, đứa con vợ anh sinh ra là của người đàn ông đó, anh chỉ là người “lấp chỗ trống”, hình nhân thế mạng.
Và lần thứ ba, người vợ mà anh đang chung sống là một luật sư. Cô làm việc cho một văn phòng luật sư tư nhân, nhưng rất bận rộn. Cô phụ trách mảng đất đai, nghĩa là tất cả những gì liên quan đến sổ sách, giấy chứng nhận, quy hoạch, phân loại đất, sổ đỏ, sổ hồng, tranh chấp, thừa kế, nhượng quyền, mua bán… Tuy lấy nhau hơn hai năm rồi, nhưng cô liên tục chê anh “nhạt nhẽo”, lành như nước lọc, khát thì uống vậy, chứ không ai nghiện nước lọc bao giờ. Theo cô vợ, người đàn ông phải có cái gì đó cay, đắng, mới hấp dẫn phụ nữ, giống như người ta nghiện ngập, mê mệt với rượu, chè, café cay đắng vậy.
Không muốn để người vợ thứ ba lại bỏ mình, người chồng đã đến văn phòng tư vấn để được chia sẻ, nghe các chuyên viên tư vấn giải thích xem mình sai ở đâu, thiếu cái gì và muốn trở thành người đàn ông hấp dẫn thì phải làm những gì?
Ảnh minh họa
Chia sẻ với người đàn ông tốt nết mà lận đận trong đường hôn nhân, chúng tôi nói với anh rằng hai cuộc hôn nhân trước của anh đều có vấn đề ngay từ ban đầu. Người ta nói “nồi nào vung ấy”, hay nói theo kiểu hiện đại là “gió ở tầng nào thì sẽ gặp mây ở tầng đó”, anh phải biết mình là ai, phù hợp với những đối tượng phụ nữ như thế nào. Những người phụ nữ có học, có cá tính mạnh mẽ, tự lập, tự chủ, giao tiếp rộng, có nghề nghiệp tử tế… sẽ không phù hợp với người đàn ông không có bất cứ thứ gì, kể cả thói xấu, trừ mỗi hình thức đẹp và cái mác “trai phố lớn”. Giá người anh chọn chỉ là cô gái hiền lành, chịu thương chịu khó, chấp nhận lấy anh, ở nhà sinh con, dọn dẹp nhà cửa, phụ giúp bố mẹ chồng trông coi cửa hàng thì cô ấy sẽ gắn bó với gia đình mình, coi như đó là chốn nương thân, tự bằng lòng với cuộc sống “bình bình” hàng ngày. Cô ấy sẽ tự hào vì có người chồng hiền lành, đẹp trai, không vướng vào tệ nạn xã hội, không bạo lực gia đình…
Người vợ thứ ba hiện nay cũng có thể lại dứt áo ra đi, nếu như người chồng không tự làm mới mình. Muốn thế, anh phải cố gắng có sự nghiệp riêng, có ý chí làm ăn, kiếm tiền, vun vén cho cuộc sống chung của gia đình, có hiểu biết về lĩnh vực mình hoạt động cũng như hiểu biết về xã hội, có khả năng giao tiếp tốt, dễ hoà nhập với mọi đối tượng ngoài xã hội, quan tâm tới vợ con, có những hành vi, việc làm lịch lãm, khiến người phụ nữ tự hào, muốn khoe chồng mình với người khác. Đặc biệt, người chồng không chỉ “ngoan hiền”, mà cần cả sự quyết đoán, mạnh dạn, dám làm, dám chịu trách nhiệm và là người tình tuyệt vời trong “lĩnh vực giường chiếu” nữa. Tuy nhiên, để có thể thay đổi, rất cần sự hỗ trợ và chung sức của người vợ, cần cho vợ biết thiện chí của mình là đang nỗ lực hoàn thiện bản thân để hoà hợp với vợ…
Mọi bài toán của cuộc đời đều có ba cách giải quyết: chấp nhận, thay đổi và buông bỏ. Nếu không chấp nhận mình lại bị bỏ lại phía sau, hãy cố gắng thay đổi. Chúng ta chỉ buông bỏ khi đã cố gắng thay đổi hết sức có thể.
TÂM GIAO