Con chê... mẹ nghèo

BẢO NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Năm nay, sức khỏe ông dạo này yếu dần nên muốn tổ chức bữa tiệc sum họp tất cả con cháu, con đưa cháu về gặp ông khi còn khỏe. Mẹ biết con khó khăn nên đã mua sẵn vé máy bay cho hai mẹ con rồi. Con nhớ thu xếp thời gian về nhé!”. Chị vâng dạ trong điện thoại với mẹ chồng cũ, lòng ngậm ngùi. Lâu nay biết là ông bà thương nhớ cháu nhưng chị chẳng thể cho con ra thăm được vì chỉ vì hoàn cảnh khó khăn sau khi tái hôn.

Cuộc hôn nhân đổi đời

Hiệp vốn là chàng trai được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ do thuộc dạng “con hiếm”, cầu tự mãi mới được. Sinh được mỗi mình Hiệp nên ông bà dốc hết tâm huyết đầu tư cho con ăn học. Hiệp học được nhưng cũng chơi được, tiêu tiền của bố mẹ không đắn đo. Vừa mới ra trường, nhờ vào việc bố quen biết rộng rãi nên Hiệp được nhận vào làm ở một công ty liên doanh. Lương khấm khá, nhà có của ăn của để, Hiệp càng ỷ lại ăn chơi hơn. Ông bà khuyên con nhiều nhưng chẳng mấy tác dụng. Nhiều người khuyên ông bà nên cưới vợ cho Hiệp để có người quản. Bà nghe cũng phải vì trong khu phố có mấy thanh niên chơi bời, phá phách như thế mà sau khi cưới vợ ngoan hẳn đi, tu chí làm ăn khiến bố mẹ yên lòng.

Nghĩ là vậy nhưng khi nhìn vào các cô gái mà Hiệp dẫn về giới thiệu ông bà cũng ngán ngẩm. Cô chưa một lần cầm chổi quét nhà, cô thì không biết phân biệt nổi các loại rau khi chợ búa, cô lại chẳng biết ứng xử, tóc xanh tóc đỏ, váy ngắn cũn cỡn, đến nhà chẳng biết chào hỏi người lớn cho phải phép… Bà không biết với kiểu vợ như thế thì làm sao mà quản nổi chồng, rồi chăm sóc con cái, ứng xử trong gia đình. Vậy nên trong thâm tâm bà nghĩ, Hiệp yêu thì cứ yêu nhưng đến khi quyết định cưới phải là cô gái có khả năng quán xuyến gia đình sau này. Ví như kiểu người như chị là bà rất ưng bụng.  

Con chê... mẹ nghèo - ảnh 1
Ảnh minh họa

Một lần sau giờ làm, chị được bà mời vào nhà chơi. Bấy lâu cũng quen biết bà, chị cũng thích sự gần gũi, mến khách của bà nên đồng ý. Chẳng ngờ, hôm ấy bà bí mật bố trí con trai ở nhà để hai người gặp nhau. Lần gặp mặt đầu tiên, chị đã để lại ấn tượng cho Hiệp bởi vẻ đẹp dịu dàng, ăn nói hiền lành, lôi cuốn người đối diện.

Bà khen chị nhiều trước mặt con trai và bóng gió ao ước sau này Hiệp cưới được cô vợ như thế thì tốt biết bao. Lâu nay, Hiệp yêu và toàn phải đóng vai là “người hùng ga lăng”, phải chi tiền nhiều để thể hiện phong cách với các cô gái nhà giàu ăn chơi để chứng tỏ đẳng cấp của mình. Bởi vậy, trên chốn tình trường lắm lúc anh cũng thấy mệt mỏi. Nay, chị xuất hiện hoàn toàn trái ngược khiến Hiệp bị lôi cuốn theo một cách khác. Tình yêu giữa hai người đã bắt đầu nảy nở.

Yêu nhau một thời gian, gia đình Hiệp thúc giục chuyện cưới xin. Đám cưới diễn ra trong niềm tự hào của bố mẹ chị bởi con gái lấy được chồng thành phố, gia đình lại khấm khá. Ngày ăn hỏi cũng như ngày đưa dâu, ôtô cứ sắp hàng kéo dài từ cổng làng vào đến nhà cô, khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi chị có số “chuột sa chĩnh gạo”.

Cưới nhau về chị có thai luôn khiến bố mẹ chồng càng mừng. Sinh con gái được hai năm thì chị sinh tiếp con trai, vậy là đủ nếp đủ tẻ, hạnh phúc càng nhân lên gấp bội. Chị là nàng dâu được bố mẹ chồng đặc biệt yêu mến, bởi sự đảm đang, chỉn chu, sống biết điều với mọi người trong gia đình, nội trợ chăm con đều khéo léo.

Con chê... mẹ nghèo - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nỗi tủi thân của người mẹ nghèo

Nhưng sự đời chẳng ai lường trước được điều gì, Hiệp bỗng dưng quay về bản chất của ngày xưa, lại lao vào tụ tập ăn chơi, thậm chí còn công khai cặp bồ với mấy cô gái tóc vàng, tóc đỏ như trước. Chị hết lời khuyên chồng, dùng đủ mọi cách nhưng anh chẳng thay đổi. Bà vì thương con dâu cũng đã nhiều lần kéo chị ra ngoài tìm bồ của con trai để đánh ghen. Gia đình xào xáo theo, hạnh phúc của anh chị đứng bên bờ vực thẳm. Rồi chính Hiệp trở về kiên quyết đòi ly hôn bất chấp sự phản đối của bố mẹ.

Chị khóc cạn nước mắt, van xin chồng hãy vì con mà nghĩ lại. Nhưng anh giống như bị ma nhập, trước sau ly hôn bằng được, thậm chí dùng cả bạo lực, tra tấn về tinh thần để ép chị nhanh chóng ký vào đơn ly hôn. Dù được bố mẹ chồng bảo vệ yêu thương nhưng cuối cùng chị đành phải chấp nhận ký vào đơn ly hôn vì không thể chịu nổi sự tồi tệ của chồng.

Ngày ra tòa, chồng chị yêu cầu con cái chia mỗi người nuôi một đứa nên không ai phải thực hiện cấp dưỡng. Bấy lâu hai vợ chồng sống cùng bố mẹ chồng nên tài sản đất đai nhà cửa không có để mà chia. Thương con dâu và cháu nội, ông bà cho chị một khoản tiền làm vốn. Ngày chị mang con gái chuyển đi, ông bà không cầm được nước mắt. Bà cầm chặt tay chị hứa sẽ chăm sóc đứa cháu nội ở lại cùng bố và ông bà thật tốt để chị yên tâm.

Ly hôn xong, chị mang con gái chuyển vào Nam sống cùng với vợ chồng chị gái để quên đi nỗi đau khổ khi hôn nhân đổ vỡ. Hiệp tuyệt tình tuyệt nghĩa luôn với vợ cũ và con gái sau khi ly hôn, anh ta chẳng một lời thăm hỏi hay đoái hoài gì đến họ. 

Ba năm sau khi ly hôn, chị tái hôn với một người đàn ông cùng cảnh ngộ. Hai người không có kinh tế, cộng thêm gánh nặng với những đứa con thuộc “con anh, con em, con chúng ta” khiến chị lúc nào cũng đầu tắt mặt tối. Cuộc sống khó khăn nên những đứa con cũng bị thiệt thòi theo, mẹ chồng cũ chị thương cháu gửi cho ít tiền cấp dưỡng nhưng cũng chẳng thể khiến cho cháu gái mình sống sung sướng hơn chút nào. Bởi trong gia đình chị những đứa con đều được đối xử như nhau, không phân biệt.

Con chê... mẹ nghèo - ảnh 3
Ảnh minh họa

Lần này nghe mẹ chồng cũ nói vậy, chị bàn với chồng để hai mẹ con ra Bắc một chuyến. Chồng chị chẳng phản đối vì chi phí đi về đã có ông bà lo cho. Hai mẹ con vừa xuống máy bay đã thấy bà dắt con trai chị đứng chờ sẵn. Bao năm nay, chị chẳng có điều kiện thăm con chỉ nói chuyện qua điện thoại cho vợi nỗi nhớ nhung. Nhưng từ ngày chồng cũ tái hôn, sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc mới nên cũng chẳng cho thằng bé liên lạc với mẹ. Bởi vậy khi vừa bước xuống máy bay nhìn thấy con từ xa, chị muốn ào đến ôm con thật chặt cho thỏa nỗi nhớ nhung.

Khi qua được cửa an ninh, chị chạy thật nhanh đến ôm con nhưng thằng bé bất chợt lùi lại, nhìn mẹ với ánh mắt xa lạ. Rồi mặc chị cố gắng thế nào, bà nội thuyết phục ra sao, nó cũng không chịu để cho chị ôm vào lòng. Sự tủi thân ào đến, chị gạt nước mắt rồi nắm lấy tay con dắt lên ôtô đi về nhà ông bà nội.

Mấy hôm ở lại nhà mẹ chồng cũ, chị rất muốn được gần con nhưng thằng bé vẫn cố tình xa cách. “Sao cháu không gần gũi với mẹ và chị gái, mẹ cháu yêu và nhớ cháu nhiều lắm đó”. “Mẹ bẩn bẩn thế nào ấy, cả chị Bống nữa, con không thích có mẹ nghèo như thế…”. Tim chị như vỡ tan khi nghe con trai nói chuyện với bà nội. Nhìn lại, đúng là chị trông tồi tàn, xấu xí trong bộ đồ lỗi mốt giống như cô giúp việc trong nhà. Lâu nay, thằng bé quen mắt với hình ảnh mẹ kế lúc nào cũng váy vóc sang trọng, rất xứng đôi với bố nó và nó trong những bộ đồ thời trang. Nếu bây giờ mà giới thiệu người phụ nữ trông như bà giúp việc kia là mẹ nó thì chắc chắn bạn bè nó sẽ cười chê.

Nhìn lại đứa con gái chị cũng khép nép giữa những con người giàu có. Dù đó là ông bà nội, là bố nó nhưng nó vẫn không cảm thấy thoải mái, luôn miệng bảo mẹ về nhà mình.

Sau buổi tiệc mừng, chị trở về với nỗi đau nhói ở trong tim. Người ta nói con không chê cha mẹ nghèo nhưng giờ con trai chị đang chê người mẹ nghèo khó này rồi. Chị chẳng thể trách con, chỉ trách cuộc đời đã tạo nên bi kịch này mà thôi. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

Góp sức đưa xã đảo thành điểm du lịch xanh

(PNTĐ) - Xã đảo Minh Châu là nơi bao đời nay người dân sống dựa vào nghề chăn nuôi với những chuồng trại lợn, bò, mùi hôi từ chất thải gia súc. Và rồi, có một người phụ nữ nhỏ nhắn đang mạnh dạn góp sức để biến Minh Châu thành một điểm du lịch xanh, sạch trong tương lai. Đó chính là bà Ngô Thị Thanh Vân – Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ và Dịch vụ Bảo vệ môi trường Minh Châu Organic Farm.
Sống xanh ở Thủ đô

Sống xanh ở Thủ đô

(PNTĐ) - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, sống xanh đã trở thành xu hướng tích cực lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là ở giới trẻ. Từ việc hạn chế sử dụng đồ nhựa, chọn phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, đến việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì thiên nhiên – những hành động tưởng chừng nhỏ bé ấy lại đang góp phần xây dựng một Thủ đô Hà Nội ngày một xanh.
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

(PNTĐ) - Nữ cựu chiến binh Trần Thị Kim Dung, chi hội trưởng Cựu chiến binh Tổ dân phố Kim Bài - thị trấn Kim Bài là một trong những tấm gương sáng trên địa bàn huyện Thanh Oai trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong cuộc sống, bà là tấm gương bình dị, luôn tận tâm, trách nhiệm, vì công việc chung, vì cộng đồng. Trong gia đình, bà là người mẹ hiền, người vợ đảm đang.
Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

Cần mạnh mẽ hơn trong bảo vệ trẻ em

(PNTĐ) - Tình trạng bạo lực đối với trẻ em, nhất là trẻ em gái vẫn diễn ra nghiêm trọng, được xem là những trở ngại lớn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và xây dựng xã hội tiến bộ, văn minh ở Việt Nam. Việc "lên tiếng” và giải quyết các vụ việc này cần phải được coi trọng hơn nữa, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và can thiệp nhanh chóng.
Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

Cô giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo

(PNTĐ) - Hơn 20 năm công tác trong ngành, cô giáo Phan Thị Thúy An, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy. Mới đây, cô là một trong các cá nhân được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao tặng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 8 năm 2024.