Con đã hiểu ra

Chia sẻ

Đúng vào buổi chiều 18/7 sau khi Hà Nội ban hành Công điện áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, con gái tôi nài nỉ mẹ: “Ngày mai, mẹ cho con sang nhà bạn Hạnh chơi một lúc”. Tất nhiên là con nhận được lời từ chối từ tôi.

Nhưng, con có vẻ không chịu hiểu, cứ nài nỉ liên hồi: “Mẹ, con xin mẹ đấy, con chỉ đi gặp bạn một chút thôi”, “Sẽ không có chuyện gì đâu. Mấy ngày qua, bạn con chỉ ở nhà, làm sao mà lây nhiễm dịch được”…

Tôi vẫn kiên quyết nói không. Tưởng con đã xuôi, không ngờ đến tối, con lại ỉ eo để tôi đồng ý. Khi sử dụng các cách nói ngọt đều không được, con liền ra vẻ giận dỗi, trách cứ: “Con tưởng mẹ bảo con phải biết chia sẻ với bạn bè. Bây giờ, là lúc con cần làm điều đó nhất”.

Theo cách nói này, có thể hiểu là con có lý do đặc biệt để phải ra khỏi nhà đi gặp bạn. Tôi liền hỏi: “Vậy, con nói cho mẹ nghe một lý do đủ để thuyết phục mẹ buộc phải đồng ý với con xem nào”.

“Là… là vì… là vì bạn con đang gặp chuyện buồn. Bạn ý thất tình mẹ ạ”.

Rồi con gái kể cho tôi biết về Hạnh -cô bạn thân nhất của con từ hồi cấp 2 mới có tình yêu đầu đời. Nhưng tiếc là chuyện tình cảm của Hạnh và cậu bạn trai không được gia đình cậu bạn chấp nhận. Mới rồi, Hạnh nghe tin cậu bạn đang làm thủ tục chuẩn bị đi du học. Vậy là hai đứa trẻ sẽ phải xa nhau một thời gian rất dài nữa.

“Bạn Hạnh đang rất tuyệt vọng và cần có con ở bên”, con gái tôi nói.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tôi luôn là người mẹ ủng hộ việc con kết bạn và giúp đỡ bạn bè của mình. Tôi càng không bao giờ hẹp hòi, ngăn cản con hỗ trợ khi bạn của mình gặp khó khăn. Nhưng, lần này lại thật khác. Dịch dã thế này, tôi không thể an tâm khi con ra khỏi nhà, nhất là khi thành phố đã có yêu cầu người dân hợp tác trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Mẹ vẫn không thể để con ra ngoài được. Con thử nghĩ xem, cả con và bạn Hạnh đều có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho nhau. Nếu không may con và bạn nhiễm dịch, thì không chỉ ảnh hưởng tới sự an toàn, tính mạng của hai con mà còn kéo theo cả hai gia đình, rồi cả hàng xóm xung quanh, đồng nghiệp của bố mẹ và bố mẹ của bạn Hạnh... Con không thể nói con và Hạnh sẽ không bị làm sao vì chúng ta đâu thể nhìn thấy virus, cũng đâu lường được những gì đã diễn ra với cơ thể mình trong những ngày qua. Vì vậy, cách tốt nhất là con hãy ở yên trong nhà, hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết.

- Nếu mẹ không cho con đi, nhỡ khi bạn ấy nghĩ quẩn, lại làm điều dại dột thì mẹ sẽ ân hận cả đời đấy ạ - con tôi tiếp tục gây sức ép với tôi.

- Mẹ nghĩ, trong bối cảnh này, con có nhiều cách để chia sẻ, lắng nghe bạn. Mẹ sẽ mua thẻ điện thoại cho con để con có thể thoải mái gọi điện, hoặc hai con có thể gọi và nhìn thấy nhau qua facebook. Con đâu nhất thiết phải đến tận nhà bạn để tự đưa mình và đưa bạn vào thế nguy hiểm. Còn mẹ nghĩ, con cũng cần báo cho bố mẹ của Hạnh để hai bác ấy biết, trông chừng và chia sẻ với Hạnh. Bố mẹ Hạnh sẽ biết cách để giữ cho Hạnh được an toàn.

Trước sự kiên quyết của tôi, con vẫn ấm ức còn giận dỗi bỏ về phòng. Lát sau, con nhắn tin cho tôi qua điện thoại nói rằng thất vọng về tôi.

Lúc này, tôi thấy mình phải nói với con mọi việc cho ra nhẽ. Tôi liền sang phòng của con gái, cho con xem những hình ảnh về các y bác sĩ đang làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch. Tôi nói với con đừng đặt mình và bạn mình là trung tâm của vũ trụ. Đành rằng bạn con buồn, nhưng nỗi buồn ấy chỉ là rất nhỏ so với những vất vả của bao con người đang ngày đêm chống dịch. Con đừng tự đưa mình lên cao hơn cả cộng đồng, biết đâu một sự chủ quan, ích kỷ của con có thể làm hỏng công sức chống dịch của bao người.

“Bạn con nếu biết nghĩ cũng sẽ hiểu vì sao con không thể đến với bạn lúc này”.

Cuối cùng, con tôi đã không ra khỏi nhà, thực hiện nghiêm lời kêu gọi không ra ngoài khi không có việc cần thiết. Thay vào đó, hai đứa trẻ gọi cho nhau qua điện thoại. Một buổi nói chuyện của chúng cạn hết cả chiếc thẻ điện thoại tôi mua cho con. Nhưng tôi không thấy tiếc tiền, ngược lại, tôi mừng vì cuối cùng, hai đứa trẻ cũng ý thức về trách nhiệm của chúng với xã hội và cùng chung tay phòng, chống dịch.

THƯƠNG HUYỀN

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.