Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ

Trần Ngọc Hương
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nghe tin Thủy được bổ nhiệm làm phó giám đốc, ngay tối đó, mẹ chồng Thủy gọi điện lên, vừa chúc mừng câu trước thì câu sau đã gửi gắm: “Con chính là người mở đường cho cả họ nhà mình đấy nhé. Con liều liệu mà làm”.

Thủy vâng dạ cho qua chuyện, nhưng từ lúc đó, cô đã linh cảm rồi đây sẽ “có chuyện chẳng lành”. Và rồi, đúng là như vậy.

Hai vợ chồng Thủy là bạn học cùng lớp đại học, sau khi ra trường thì lấy nhau. Chồng Thủy không đi làm nhà nước mà hùn vốn với bạn đi làm ăn xa. Được mấy năm đầu thuận lợi, càng về sau, việc kiếm tiền càng khó dần. Thủy khuyên chồng về nhà, ít ra là vợ chồng còn được ở gần nhau nhưng chồng Thủy không đồng ý.

Chồng làm tự do, Thủy không còn lựa chọn nào khác là xin vào làm việc trong cơ quan Nhà nước. Ít ra, trong hai vợ chồng cũng phải có một người ổn định hơn để đảm bảo cuộc sống gia đình. Khởi điểm, Thủy chỉ là một chuyên viên, sau đó nhờ có năng lực, trách nhiệm nên cô được cấp trên để mắt, đưa dần vào các vị trí quản lý, rồi lãnh đạo.

So với bạn bè, Thủy thấy mình cũng bình thường thôi. Nhưng với gia đình chồng Thủy, việc có một cô con dâu “chức sắc” giống như có “phao cứu sinh” trong nhà. Mẹ chồng, các anh chị em bên chồng cho rằng, Thủy làm ở vị trí đó thì chắc chắn phải nhiều quan hệ, tiền bạc, việc gì khó đến mấy chỉ cần cô ra tay là có thể giải quyết được.

Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Cả nhà đâu biết rằng, Thủy nhiều lúc rơi vào cảnh ngậm đắng nuốt cay, cố giúp đỡ thì quá sức mà không giúp thì nhà chồng lại đánh giá là cô “kênh kiệu”. Như cái lần anh chồng bị ốm phải lên thành phố chữa bệnh, mẹ chồng gọi cho Thủy, giao cô nhiệm vụ liên hệ với bệnh viện để đưa anh đi khám. “Con tìm cho anh bác sĩ tốt nhất của bệnh viện, rồi sắp xếp sao để anh đi khám được phải nhanh gọn, không phải xếp hàng”, mẹ dặn đi dặn lại Thủy.

Ngày hôm sau đi khám, ngày hôm trước vợ chồng anh chồng đã có mặt ở nhà Thủy. Tính Thủy vốn thơm thảo nên việc tiếp đón anh em trong nhà cô rất sẵn lòng. Thủy còn dành phòng của con để anh chị chồng ở cho thoải mái. Hôm sau, dù có nhiều công việc cần phải xử lý nhưng Thủy vẫn xin nghỉ để ở nhà đi chợ, nấu cơm nước chu đáo. Chỉ riêng việc “quan hệ với bệnh viện” là Thủy không làm được. Tuy nhiên thay vì tìm cách “đi cửa sau”, Thủy sử dụng khám dịch vụ và chọn mời giáo sư để khám cho anh chồng.

Thế mà ngày hôm sau, Thủy đã lại nghe mẹ chồng gọi điện lên trách. Hóa ra khi về đến nhà, những ý tốt của Thủy thì không được ghi nhận, chị dâu Thủy lại chỉ chú ý đến việc đã nhờ Thủy mà anh chị vẫn mất cả buổi xếp hàng chờ đợi mới tới lượt khám. Mẹ chồng khăng khăng cho rằng Thủy tuy có giúp anh chị chồng nhưng vẫn chưa nhiệt tình, chưa làm hết trách nhiệm phận làm em. Trước khi tắt điện thoại, bà còn bảo cứ ngỡ Thủy giúp được thì bà mới nhờ, chứ nếu không anh chị em chồng vẫn có thể tự lo liệu được. Lời nói của mẹ chồng khiến bao nhiêu lòng tốt của Thủy bị đổ xuống sông, xuống biển cả.

Rồi đến lượt cháu chồng thi vào đại học trên thành phố bị thiếu nửa điểm, hết bố mẹ cháu và mẹ chồng lại ngỏ ý Thủy giúp xin học cho cháu. Thủy biết điều này là không thể và cũng không minh bạch nên thẳng thắn từ chối. Vì việc này mà vợ chồng em chồng giận Thủy mãi mới thôi.

Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Vợ chồng Thủy sinh được một cô con gái. Trộm vía con cũng ngoan, biết nghe lời và chăm chỉ tự giác học. Không xin được cho con học, cô em chồng lại chuyển hướng, nhờ Thủy cho cháu lên nhà ở 1 năm để Thủy kèm cặp giúp cho cháu tiến bộ, giỏi giang như con gái của Thủy vậy. Việc để cháu lên ở trong nhà thì Thủy nhận lời, nhưng, Thủy không dám nhận kèm cặp cháu học. Là bởi, giáo dục một đứa trẻ cần cả một quá trình.

Hơn thế, cháu chồng đang trong tuổi lớn, hơn bao giờ hết cần được ở gần bố mẹ. Trong khi đó, Thủy thì bận rộn làm việc tối ngày, nhiều hôm tối muộn mới về tới nhà, chồng cô lại ở xa. Thủy sợ nếu cho cháu ở cùng nhà mà không để mắt được thường xuyên sẽ khiến cháu lêu lổng, nhỡ có gì không tốt xảy ra thì vợ chồng cô lại ân hận.

Theo quan điểm của Thủy nếu cháu không có năng lực thì có thể tìm hướng cho cháu đi học nghề chứ không nhất thiết phải học đại học. Thủy sẽ tìm giúp cho cháu trường nghề tốt rồi đăng ký chỗ ở trong ký túc xá cho cháu. Như vậy, cháu vừa được học, lại vừa có nơi ở an toàn. Nhưng, mới nghe Thủy đưa ra phương án, vợ chồng em chồng đã cho rằng chẳng qua là chị dâu ích kỷ, chỉ muốn “đẩy cháu” ra khỏi nhà để nhàn thân. Mẹ chồng Thủy không hiểu chuyện, cũng mắng át Thủy không thương cháu.

Vừa rồi, được bổ nhiệm làm phó giám đốc, với Thủy đó là sự ghi nhận của cấp trên, đồng nghiệp về những nỗ lực của cô trong công việc. Song, sau một thời gian dài giận Thủy, lần này, mẹ chồng bỗng dưng đưa cả vợ chồng em chồng lên tận nhà, ngỏ ý nhờ Thủy xin việc cho cháu. Gia đình em chồng lẽ ra nếu nghe lời Thủy cho con đi học nghề thì thằng bé bây giờ đã ra trường, có việc làm ổn định. Song, vợ chồng em chồng vin vào cớ bị Thủy “gây khó dễ” nên giữ con luôn ở quê. Thằng bé sau đó chẳng học hành gì mà cứ lang thang lêu lổng chơi không ở nhà. Nay, nghe tin Thủy lên làm Phó giám đốc, vợ chồng em chồng lại muốn Thủy lo tương lai cho cháu. “Cháu là cháu ruột của bác. Nay bác là lãnh đạo rồi có thể nhận cháu làm giúp việc cho bác cũng được. Chúng em đảm bảo cháu ngoan, hiền lành, trung thành, bác sai gì là làm nấy, mà nếu cháu có gì không phải thì bác cứ gọi điện về quê, vợ chồng em sẽ xử lý cháu”, em dâu của Thủy nói.

Con dâu “làm quan”, nhà chồng cứ... nhờ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Thủy phải giải thích trong cơ quan Nhà nước, Thủy không thể có quyền muốn tuyển ai thì tuyển, nhất là thằng bé lại chưa có bằng cấp, trình độ gì. Sau đó, hai vợ chồng em chồng đồng ý “hạ tiêu chuẩn”, nhờ Thủy xin cho con làm bảo vệ, lái xe trong công ty. Thủy thừa biết tính cháu còn ham chơi, chưa chú tâm vào công việc, nếu làm bảo vệ chắc chắn có nguy cơ xảy ra mất mát thì còn nguy hại hơn.

Vì vậy, Thủy một lần nữa lại phân tích để mẹ chồng và các em chồng hiểu trước tiên cần cho cháu học hành tới nơi tới chốn trước, sau đó nếu có cơ hội, Thủy sẽ hỗ trợ cháu hết mình. Song, thay vì nghe lời Thủy, một lần nữa các em chồng lại đùng đùng bỏ về quê, cho rằng Thủy vẽ ra nhiều lý do, chẳng qua là không muốn bao bọc anh em trong nhà. Khi xách va ly ra khỏi nhà Thủy, vợ chồng em chồng còn không ngoảnh lại chào Thủy lấy một tiếng.

“Con hay nhỉ, việc nhỏ không giúp, việc to cũng không giúp em là nghĩa là sao? Con đừng nghĩ con làm được cả. Bố nó cũng đang vất vả mưu sinh nuôi gia đình thì con mới được như hôm nay. Không lẽ, mẹ đợi bố nó đi làm về nước rồi mẹ sẽ kể lại tất cả”- mẹ chồng Thủy trách.

Bao lâu nay, chồng ở xa, Thủy đã phải đóng vai mẹ đơn thân, cáng đáng cả một gia đình. Biết anh vất vả, những khó khăn, cả nỗi ấm ức cô cũng chưa từng nói ra để không làm ảnh hưởng tới quan hệ của anh với mẹ và các anh em. Nhưng mỗi lần bị nhà chồng hiểu lầm, mẹ chồng nặng lời như vậy, Thủy thực sự buồn lòng. Thủy sẽ luôn sẵn lòng hỗ trợ, đùm bọc anh chị em nhưng chỉ trong khả năng của cô chứ không thể nào “một người làm quan cả họ được nhờ”. Vì sao mọi người không một lần nghĩ cho nỗi lòng của cô vậy?

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Phụ nữ Thủ đô cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

(PNTĐ) - Xuân mới là dịp để các cấp Hội LHPN Hà Nội nhìn lại một năm hoạt động qua, đồng thời nỗ lực thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra trong năm 2025. Trong đó, từng cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ tiếp tục ra sức thi đua góp sức xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước, sẵn sàng cùng dân tộc bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.
Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

Để phụ nữ bình đẳng tiến vào kỷ nguyên mới

(PNTĐ) - Năm 2025, tròn 30 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, phụ nữ toàn cầu nói chung và phụ nữ Việt Nam đã và đang được trao quyền nhiều hơn để phát triển bình đẳng. Tuy nhiên, để đạt được bình đẳng giới thực chất, vẫn rất cần những chương trình hành động, những cam kết đầu tư, trao quyền từ các Chính phủ, trong đó có Việt Nam để phụ nữ có cơ hội phát triển, đóng góp nhiều hơn trong kỷ nguyên mới.
“Thành công của người phụ nữ  không ở địa vị hay tiền bạc”

“Thành công của người phụ nữ không ở địa vị hay tiền bạc”

(PNTĐ) - “Thành công của người phụ nữ không phải ở địa vị, tiền bạc, quyền lực, mà thể hiện ở giá trị, nhân cách và văn hóa sống. Đặc biệt, hãy là một người phụ nữ ấm áp, đem đến sự yêu thương và lan tỏa những giá trị tích cực, tốt đẹp cho cộng đồng”, theo BTV - MC Giang Nam.
Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

Giữ nếp nhà, giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành

(PNTĐ) - Nghệ nhân Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1953) là người sáng lập nhà hàng Ánh Tuyết, phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Bà từng được Chủ tịch nước giao nhiệm vụ phục vụ bữa ăn cho các đại biểu quốc tế dự hội nghị Apec năm 2017 tại InterContinental Đà Nẵng; giúp Văn phòng Chủ tịch nước tiếp đoàn Mỹ - Triều. Bà đạt rất nhiều huy chương, giải thưởng tại các sự kiện ẩm thực lớn và quy mô; được UBND Thành phố Hà Nội vinh danh Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2018. Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà đã chia sẻ tình yêu và mong muốn của mình trong lưu giữ tinh thoa ẩm thực cổ truyền Hà Nội.