Con dâu “vô dụng”

Nam Anh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Linh chạy vào phòng, ôm mặt khóc ngay trong ngày sinh nhật con trai 5 tuổi. Nếu không vì con, cô đã bỏ đi và mặc kệ mọi việc muốn ra sao thì ra. Lúc này, cô chỉ ước có chồng ở bên, để anh chứng kiến những tủi nhục mà cô đang phải chịu đựng.

Lẽ ra, Linh đã không có mặt ở đây, tại nhà của bố mẹ chồng. Sinh nhật con trai, cô dự định sẽ đưa con ra ngoài chơi thật vui vẻ. Nhưng rồi bố chồng gọi điện, nói ông bà sẽ làm sinh nhật cho cháu. “Sinh nhật cháu đích tôn của tôi 5 tuổi, sao có thể úi xùi được. Cháu nó cần biết được nhà bố nó yêu thương nó tới mức nào”, mẹ chồng Linh nói.

Nhiệm vụ của Linh là dẫn con sang nhà ông bà nội, sau đó phụ giúp mẹ chồng nấu cơm trưa. Mẹ chồng Linh luôn là người đi chợ cho những sự kiện lớn của gia đình, đơn giản vì bà không khiến và không tin Linh có thể làm được. Bà chỉ sai Linh mua thêm mấy thứ rau cỏ lặt vặt.

Lần này cũng vậy, khi Linh đang ở chợ thì bà gọi điện dặn Linh mua nến để cắm vào bánh sinh nhật cho con. Linh vâng rồi không hiểu sao lại quên mất. Lúc về tới nhà chồng, mở đồ ra thì mới phát hiện là thiếu nến. Chỉ có thế mà mẹ chồng Linh nổi cáu. Rồi bà mắng Linh: “Đúng là càng nhìn càng thấy con dâu bất tài, vô dụng. Tiền thì đã không kiếm được, đến việc nhà cũng đoảng vị. May mà bố mẹ chồng đã lo cho hết, chứ không thì đến đất cũng chẳng có mà ăn với cái tính đãng trí, vô tâm này”.

Con dâu “vô dụng” - ảnh 1
Ảnh minh họa

Bố mẹ chồng vốn đã không ưa Linh ngay từ khi cô mới bước chân về làm dâu. Khi chồng Linh ở nhà, ông bà còn nể nang, bóng gió chê bôi con dâu. Nhưng từ ngày chồng Linh phải đi công tác xa dài ngày, ông bà cho rằng, lỗi ở Linh vô dụng, chẳng giúp gì cho chồng còn khiến chồng thêm nặng nợ. Và thế là nhà chồng chẳng cần giữ ý tứ nữa, bất kể lúc nào cũng có thể trút lên Linh những ngôn từ nặng nề, sắc nhọn như thể ngàn mũi dao cứa vào lòng tự trọng của Linh.

Linh cũng biết, so với nhiều phụ nữ khác ngoài kia, cô không thuộc tuýp năng động, giỏi giang, kiếm tiền như nước. Bố mẹ chồng Linh có 3 con trai với 3 con dâu, thì 2 chị dâu của Linh đều có vị trí ngoài xã hội, chỉ có Linh là kém cỏi nhất. Linh cũng tốt nghiệp đại học, sau khi ra trường thì xin vào làm ở một cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, vì bản tính thích bình yên, ngại bon chen nên Linh cứ mãi yên vị ở vị trí nhân viên. Lương hàng tháng thì khiêm tốn, chỉ đủ cho Linh chi tiêu cho bản thân. Rồi con trai ra đời làm hai vợ chồng càng vất vả hơn. Chồng Linh vì muốn kiếm thêm tiền mà phải xin chuyển từ thành phố lên miền núi để quản lý văn phòng đại diện của công ty. Một năm, anh chỉ được về thăm nhà đôi lần, mỗi lần mươi ngày. Thấy con vất vả, gầy gò, râu ria lởm chởm, bố mẹ chồng Linh càng xót con. Từ đó cáu lây sang Linh. Ông bà còn bảo, ngày trước, đã mai mối cho chồng Linh lấy một cô gái môn đăng hộ đối, tài giỏi thì con trai ông bà không nghe. Bây giờ, lấy phải cô vợ kém cỏi, dở dở ương ương.

Từ coi thường, bố mẹ chồng thấy con dâu làm gì cũng chẳng vừa mắt. Cháu trai đang tuổi hiếu động, việc mắc lỗi cũng là bình thường. Nhưng, bố mẹ chồng chẳng cần giữ thể diện cho Linh, hễ thấy cháu chạy nhảy ầm ĩ, lỡ tay đánh vỡ cái cốc, đi về mà quên chào… là sẵn sàng nói Linh ngay trước mặt con. “Đúng là mẹ nào con nấy. Mẹ vô tích sự thì làm gì cũng hỏng, dạy con tử tế cũng không xong. Kiểu này ông bà nội không ra tay dạy dỗ lại thì có ngày cháu thành tướng cướp”.

Con dâu “vô dụng” - ảnh 2
Ảnh minh họa

Thi thoảng, bố mẹ chồng Linh cũng mua cho cháu trai đồ này, thức nọ. Nhưng, quà tặng cháu luôn đi kèm những lời nói xách mé đến cho con dâu: “Cháu ra đây ông bà thử quần áo đẹp cho nhé. Nếu cứ trông chờ vào mẹ cháu thì còn lâu mới có đồ đẹp mà mặc”.

Khi nhà chồng đứng ra tổ chức sinh nhật cho cháu đích tôn, Linh muốn gửi cho bố mẹ chút tiền. Mẹ chồng Linh đã không nhận mà còn nói mát: “Vợ chồng con làm gì có tiền mà sĩ diện. Thôi, con lo đủ cơm nước ba bữa cho hai mẹ con con đã là tốt lắm rồi, những việc phát sinh thì để bố mẹ lo. Con tiêu hoang rồi lại khổ bố nó nai lưng ra kiếm tiền bù”.

Ở trong nhà, Linh khổ tâm lắm vì các anh chị chồng thường xuyên biếu quà, mời bố mẹ chồng Linh đi chơi, thi thoảng thì đãi cả nhà ra nhà hàng ăn tiệc đổi gió. Linh cứ nhớ mãi hôm đó, cả nhà kéo nhau ra nhà hàng Nhật Bản. Mẹ chồng Linh mừng rỡ ra mặt, rồi còn khen chị dâu cả khéo chọn nhà hàng để báo hiếu bố mẹ. “Đấy, nhờ có con mà bố mẹ còn được đi nơi này, nơi kia. Chứ trông chờ vào nhà cậu út, cô dâu út thì chắc chết già cũng chẳng biết món Tây, món ta là gì”.

Linh tự biết, so với các anh chị và theo tiêu chuẩn của bố mẹ chồng, vợ chồng Linh là thiếu chu đáo nhất. Cả năm, cô nào có biếu được bố mẹ thứ gì cho ra biếu ngoài mấy đồ ăn, thức uống lặt vặt. Cũng là bởi thu nhập của hai vợ chồng có hạn, vài năm vợ chồng Linh còn chẳng dám đi chơi xa lấy một lần thì làm sao mà mời được ông bà đi nơi này nơi kia.

Rất nhiều lần, Linh ôm nỗi buồn tủi của phận dâu nghèo trong lòng. Cô nghĩ, nếu cô giàu hơn, kiếm được tiền nhiều hơn, phụ giúp cho chồng tốt hơn thì chắc bố mẹ chồng sẽ không coi thường cô đến thế. Bố mẹ chồng cũng sẽ chẳng dễ dàng nói những ngôn từ làm tổn thương cô mà không một chút lăn tăn cô sẽ cảm thấy thế nào.

Con dâu “vô dụng” - ảnh 3
Ảnh minh họa

Những nỗi niềm này, Linh chỉ biết giấu kín trong lòng. Chồng đi làm ở xa đã vất vả lắm rồi, mỗi lần anh gọi điện về, Linh luôn vui vẻ chuyện trò để anh yên tâm. Thêm nữa, dù gì, đây cũng là bố mẹ của chồng, Linh không muốn vì mình mà chồng khó nghĩ. Với nhà ngoại cũng vậy, Linh giấu bố mẹ mình vì sợ ông bà lại tủi thân, thương con mà xung đột với nhà thông gia.

Linh cũng hiểu, bố mẹ nào cũng đều mong các con phương trưởng, thành đạt. Bản thân vợ chồng Linh cũng vậy, có ai muốn nghèo túng đâu. Bao năm qua, vợ chồng Linh chấp nhận cảnh xa nhau, mỗi người mỗi nơi, cơm niêu nước lọ… cũng chỉ vì muốn có cải thiện cuộc sống.  Nhưng, năng lực của vợ chồng Linh có hạn, đâu thể muốn giầu là giầu ngay được. Vì thế, Linh chỉ mong bố mẹ chồng mở rộng lòng mình, đừng lấy vật chất ra để mà đo lòng hiếu thảo cũng như bản chất của các con. Giá như bố mẹ Linh cũng nhìn ra những điểm tốt của Linh, rằng cô cũng biết điều, hiểu chuyện, nhìn trước ngó sau và cơ bản, cô là người tử tế, lương thiện thì có thể ông bà sẽ có cái nhìn thiện cảm hơn dành cho cô.

Hôm nay, trong ngày vui nhất của con trai, một lần nữa Linh lại phải nghe những lời nói nặng nề từ người mà cô đang gọi là bố mẹ. Có lẽ, cô sẽ cần thưa chuyện với bố mẹ chồng, để ông bà hiểu cô hơn. Cô đang im lặng để giữ đạo làm con, giữ hòa khí gia đình nhưng cũng đến lúc, cô không thể cho phép ai cứ mãi giày xéo vào lòng tự trọng của cô thêm nữa.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

Người phụ nữ khát khao làm đẹp cho đời

(PNTĐ) - Là một phụ nữ mang trong mình những đam mê cháy bỏng, cùng kiến thức rộng lớn về các loại cỏ cây hoa lá, Thu Hiền Nguyễn đã phác họa nên “Hoa 10 Giờ” - tiệm hoa tươi phong cách cổ điển đầu tiên tại Việt Nam bằng tất cả niềm đam mê, nỗ lực và một tâm hồn hướng thiện.
Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

Giáo dục giới tính cho trẻ theo lứa tuổi

(PNTĐ) - Thời gian gần đây, không ít sự việc trẻ em bị xâm hại tình dục hay quan hệ tình dục sớm, dẫn đến mang bầu, sinh con ở lứa tuổi còn rất nhỏ khiến nhiều bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng. Để hạn chế vấn đề này, cha mẹ nên giáo dục giới tính cho con ngay từ khi còn nhỏ. Đây là yếu tố rất quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển của trẻ.