Con hư là tại mẹ

Chia sẻ

Cạy cục mãi, bà Xoan mới được chủ quán phở chấp nhận cho vào làm chân bưng bê, rửa bát. Bà làm không ngơi chân ngơi tay, vậy mà thi thoảng vẫn bị người ta mắng: “Bà chậm chạp như thế này thì khách nào chờ được. Tôi không thương bà là mẹ thằng trời đánh đó thì đuổi bà lâu rồi”.

Bà Xoan chẳng dám cãi lại câu nào, miệng vâng dạ liên tục rồi lại cúi mặt xuống chậu bát bẩn. Ở tuổi này, lẽ ra bà đã được nghỉ ngơi, hưởng phúc báo đáp của con cháu chứ không phải vật vã nuôi thân và 3 cái tàu há mồm.

Tất cả là do “thằng con trời đánh” của bà gây ra. Người ta nói nó, khinh nó vậy cũng đâu có sai. Đến bà là mẹ mà còn chẳng thể nào bênh vực được nó. Lắm đêm, cứ nghĩ đến nó mà bà lại buồn ứa nước mắt.

Chồng bà mất sớm để lại cho bà hai đứa con. Đứa con gái đầu do hoàn cảnh khó khăn mà tới năm lớp 12 phải nghỉ học để cùng mẹ đi làm nuôi em. Bao nhiêu hy vọng, bà đành dồn hết cho thằng út ít, nghĩ nó là quý tử trời ban, sau này sẽ giúp mẹ con bà đổi vận. Bà và con đầu có thể thiếu thốn, nhưng quyết không để cho thằng út thua kém bạn bè. Thời đó, nó là đứa đầu tiên trong lớp có chiếc xe đạp Thống Nhất mới coóng. Nhưng đi chưa đầy tháng thì xe đã bị trộm cuỗm mất. Cũng tại nó đểnh đoảng, đi học về thì dựng luôn ở dưới tầng 1 vì lười khóa xe. Bà giận quá, phạt nó phải đi bộ đến trường. Mới đi được mấy ngày, nó dậm chân dậm cẳng kêu mệt, đòi bà mua cho xe khác nếu không nó sẽ bỏ học. Sợ nó mệt thật, bà lấy cả tiền gom góp định cho đứa lớn khi lấy chồng để mua xe cho nó. Vì chuyện này mà con gái đầu của bà phải tay trắng về nhà chồng, sau này, không ít lần nó bị nhà chồng nói bóng, nói gió.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cứ như vậy, thằng trời đánh trở thành “con cưng” trong nhà từ lúc nào. Nó quen với việc muốn gì là phải được mẹ và chị đáp ứng, không cần quan tâm nhà mình có khó khăn hay không. Sáng ra, bà và chị nó phải ăn cơm nguội với tí mỡ chưng, nhưng nó thì được ra quán ăn phở thịt bò hai trứng.

Cho đến cuối năm lớp 11, nó học dốt tới mức không lên nổi lớp 12 thì bà mới té ngửa lâu nay, nó vẫn toàn lừa dối bà. Chẳng là, bà giao hẹn nếu nó học đạt điểm cao thì sẽ thưởng cho tiền. Từ đó, cứ đôi ngày, nó lại mang về một bài kiểm tra được điểm giỏi. Bà vốn học ít, có đọc cũng chẳng hiểu gì nên chỉ cần nhìn thấy nó chìa ra điểm 9, 10 đỏ chót là vội rút tiền đưa con. Bà đâu ngờ, nó chuyên xé trộm vở của các bạn rồi tự chấm điểm cao cho mình để lừa tiền của bà. Từ lúc đó, lẽ ra, bà phải để ý dạy dỗ nó cẩn thận thì bà lại tặc lưỡi an ủi mình: “Trẻ con đứa nào chả biết nói dối”. Con không học lên cao thì bà lại nghĩ cách cho nó vào miền Nam lập nghiệp vì bà nghe nói ở miền Nam có nhiều cơ hội đổi đời. Trước khi đi, bà còn dúi nốt chút vàng cuối cùng trong nhà - là mấy chỉ vàng mà mẹ chồng bà cho lúc bà mới về làm dâu cho nó làm vốn.

Việc bà bỏ mặc nó một mình bươn chải ngoài cuộc sống càng đẩy con bà đi xa khỏi gia đình. Nó đi một mạch mấy năm không về và cũng không gửi tiền về. Bà lại tự an ủi, nó đi thì đỡ được miệng ăn, tự nó nuôi thân cũng là tốt rồi. Bà đã không biết rằng, nó ngày càng lì lợm, giống như con ngựa bất kham. Đi lang thang chán, một ngày, nó đột ngột trở về nhà dẫn theo 3 đứa con nheo nhóc, nói là nó đã lấy vợ nhưng vợ chồng nó cũng đã ly hôn. Con dâu bà bỏ con lại cho con trai bà nuôi rồi bỏ đi biệt tích.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Làm bố, lẽ ra con trai bà phải thay đổi, sống tử tế hơn. Nào ngờ, nó vẫn chứng nào tật đó, lười lao động mà chỉ thích nhanh giàu. Mấy lần, bà thấy trong túi nó cũng rủng rỉnh tiền, nó còn dẫn 3 đứa con đi mua quần áo rồi ra quán ăn đổi gió. Chúng nó chê cơm nhà bà nấu không ngon bằng cơm tiệm. Nhưng bà cũng nghe hàng xóm rỉ tai là nó hay tụ tập với đám bạn nghiện, còn la cà gần xới bạc, chỗ ghi đề. Bà biết dính vào cờ bạc, đề đóm chẳng hay ho gì, nhưng lại nhớ lúc nó có tiền trong túi, rỉnh rang tiêu pha, tiền nhiều gấp mấy lần phải đi làm bốc vác, phụ hồ… nên nghe đấy mà bỏ ngoài tai. Bà mắt nhắm mắt mở, an ủi nếu nó trúng được quả lớn, bà sẽ bảo nó dừng chơi mấy trò đỏ đen để trở lại làm người tử tế. Thi thoảng, có chút tiền lẻ, hay là nằm mơ thấy con số nào đó, bà còn nói cho nó rồi gợi ý nó thử chơi lớn xem sao.

Nhưng đổi đời đâu chưa thấy, cuối cùng, nó đã biến cả nhà rơi vào cảnh bất hạnh. Hóa ra, chủ xới bạc cho nó thắng giả vài bận để câu kéo, sau đó dồn nó thua cuộc tới mức nợ đầm đìa. Càng nợ, nó lại càng khao khát đánh để gỡ lại. Nó về nhà cậy tủ, lấy trộm cả sổ đỏ căn nhà cũ nát của bà để đi cầm, lấy tiền vừa trả nợ, vừa đánh bạc tiếp. Bà chỉ biết khi có chủ nợ tới tận nhà gõ cửa đòi tiền. Họ dọa nếu mẹ không trả nợ thay con thì con trai bà sống chết không biết thế nào.

Lúc này, bà mới tỉnh ngộ, thấy rằng mình đã sai lầm khi còn cổ vũ con kiếm tiền không lương thiện. Chẳng thể ngày một ngày hai bán đi ngôi nhà, bà đành gạt nước mắt gá nhà cho chủ nợ, chấp nhận giá siêu rẻ. Cả căn nhà phút chốc hóa thành sương khói, bà chỉ còn cầm được vài chục triệu đồng rồi cùng cháu ra khỏi nhà. Từ khi bị xiết nợ, con trai bà cũng bỏ đi mất dạng, không một lần liên hệ lại. Nó để mặc cho bà xử lý hậu quả mà nó gây ra.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không còn chỗ ở, bà và 3 đứa cháu phải thuê một phòng trọ nhỏ trong khu lao động của người nghèo. Phòng chỉ rộng 10m2, lũ cháu nheo nhóc nóng bức, kêu khóc suốt ngày. Bà cũng bị ức chế, mấy lần đã tăng xông, may chưa thiệt mạng. Hết đường mưu sinh, bà phải đi làm thuê cho quán ăn từ sáng tới tối mịt chỉ để kiếm vài chục ngàn đồng/ngày. Bình thường, chẳng ai chấp nhận thuê một người già cả, lẩy bẩy như bà. Nhưng biết hoàn cảnh của bà, họ đành nhận, coi như cho bà và các cháu một tia hy vọng sống. Con gái đầu của bà đi lấy chồng giận thằng em trời đánh làm mất nhà của bố mẹ nên tuyên bố từ mặt em và cháu. Nó cũng giận luôn bà không công bằng, bắt nó chịu nhiều thiệt thòi mà chỉ biết nuông chiều con trai. Vì thế, biết là ba đứa cháu nheo nhóc nhưng nó quyết không rủ lòng thương, để mặc chúng cầu bơ cầu bất trong cảnh không cha, không mẹ. Nó cũng mặc bà loay hoay mưu sinh ở cảnh xế chiều.

Mấy hôm nay trở trời, bà thấy trong người không được khỏe, hai chân đau nhức, mười ngón tay cũng co quắp nhưng vẫn phải cố gắng đi làm. Bà không biết mình có thể trụ được đến lúc nào. Bà chỉ lo khi mình nằm xuống rồi, thì ai sẽ nuôi đàn cháu trứng nước? Rồi thằng con trời đánh đó, liệu nó có hối cải mà làm người cho tử tế hay lại tiếp tục sống kiểu vất vưởng, rồi túng quẫn quá thì sinh ra trộm cắp, cướp giật?

Bà thương mình nhưng cũng trách mình, ngày xưa đã không dạy dỗ con trai cho tử tế, để rồi bây giờ thì chính bà lại phải nhận trái đắng.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Cuộc sống mới

Cuộc sống mới

(PNTĐ) - Ngày tốt nghiệp đại học, Linh không nghe lời bố mẹ, tự mình khăn gói lên đường lập nghiệp ở một tỉnh miền núi, cách nhà 50km. Tất nhiên, vì thế mà mối tình đầu dù là sâu nặng nhưng cũng lỡ dở khi người yêu không tán thành quyết định của Linh.
Đừng “giá như” nữa nhé!

Đừng “giá như” nữa nhé!

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.