Con ơi

Thái Dũng
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Nhà ta nắng dột vào trưa
Con nằm chiếu rách để mưa trùng trình

Mẹ đi gánh nước giếng đình
Bỏ quên cái tình vào chiếc võng gai
Bỏ quên vào những ban mai
Chiếc cầu bắc bởi hai quai yếm đào

Con đừng mơ đến trăng sao
Chớ tin vào cái ngọt ngào người cho
Sang sông không để đắm đò
Luyện chân thật vững mà đo bùn lầy.

                                  Đồng Đức Bốn

Con ơi - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH:
Bài thơ “Con ơi” của thi sĩ tài hoa Đồng Đức Bốn là lời nhắn gửi tha thiết của người cha tới đứa con, cũng là tự nói với chính mình: Hãy chớ mơ mộng hão huyền, đừng quá tin vào lời đường mật của người đời, hãy biết tự vượt qua mọi thử thách để vững bước trên hành trình cuộc sống.

Đồng Đức Bốn (1948-2006) quê Hải Phòng, lúc sinh thời từng làm nhiều nghề để mưu sinh. Cuộc đời sóng gió, phiêu bạt nhiều nơi hằn sâu trong sáng tác của thi sĩ. Thể thơ lục bát trong bài cũng như toàn bộ sáng tác của ông đã được sử dụng thật tài tình, làm nên tên tuổi lừng danh của thi sĩ trong nền thơ ca Việt Nam. Với dung lượng chỉ mươi dòng cô đọng, chủ thể trữ tình qua bài đã khái quát rất ngắn gọn hoàn cảnh thực tại của gia đình: “Nhà ta nắng dột vào trưa / Con nằm chiếu rách để mưa trùng trình”. Cách dùng kết hợp từ trong câu thật khác lạ bất ngờ. Thông thường phải là nắng chiếu, nắng soi, chỉ có mưa mới dột; đằng này lại là “nắng dột”.

Phải chăng nhà thơ muốn nói tới chuyện hôn nhân trắc trở rất riêng của mình. Trong một bài thơ khác, thi sĩ tâm sự: “Đời tôi tình rách tả tơi/ Bây giờ nhặt mảnh sao rơi vá vào.” (Đời tôi - 1986). Cách sử dụng ngôn ngữ thơ của tác giả thật độc đáo, khác lạ. Cuộc sống gia đình người Việt, đa phần phụ nữ là người lo toan, đảm đang, thu vén, gìn giữ lửa ấm hạnh phúc. Câu tục ngữ “Đàn ông xây nhà đàn bà xây tổ ấm” là nói về điều ấy. Trường hợp của nhà thơ không được vậy thì phải. Từ láy trùng trình được dùng rất đắt giá. Ở đây, trùng trình là cố ý nấn ná làm chậm lại, cho thấy sự nỗ lực của chủ thể muốn níu giữ để gia đình không bị đổ vỡ.

Nhưng xem ra điều này quá khó khi người cha nói với con sự thật chua chát trong quan hệ giữa mẹ và bố: “Mẹ đi gánh nước giếng đình/ Bỏ quên cái tình vào chiếc võng gai/ Bỏ quên vào những ban mai/ Chiếc cầu bắc bởi hai quai yếm đào”. Nhà thơ rất có tài trong việc vận dụng những ý thơ tiêu biểu của ca dao mang ý nghĩa phổ quát như “gánh nước giếng đình” và thay đổi lối gieo vần lưng ở câu thơ thứ ba, gây sự chú ý. Điệp ngữ “bỏ quên” là lời trách cứ tưởng nhẹ mà thực ra rất nặng với người đã không làm tròn chức phận vun đắp tổ ấm. Không những thế, người ấy hơn một lần “bỏ quên cái tình” vào chiếc võng gai, vật dụng có mắt lưới rỗng hoác, làm sao mà đựng giữ được hơi ấm, giữ gìn được hạnh phúc gia đình vốn rất mong manh, dễ vỡ.

Nghệ thuật gieo vần lưng Bỏ quên cái tình vào chiếc võng gai rất sáng tạo trong câu đã góp phần thể hiện sự hẫng hụt về tình cảm. Mặt khác, thi nhân đặt gia đình vào thế rất chông chênh, đễ đổ vỡ là chiếc cầu bắc bởi hai quai yếm đào... Hình ảnh thơ tiếp thu sáng tạo thi liệu từ ca dao nên vừa rất mới lạ, hấp dẫn vừa tạo được một trường mỹ cảm quen thuộc với người đọc. Sức nặng của cảm xúc, ý nghĩa của bài thơ được dồn nén vào khổ thơ cuối cùng.

Chủ thể trữ tình dặn dò và nhắn nhủ tới đứa con những lời lẽ chí lý, chí tình: “Con đừng mơ đến trăng sao/ Chớ tin vào cái ngọt ngào người cho”. “Trăng sao” là những vì tinh tú đẹp đẽ, lung linh kỳ ào trong không gian vũ trụ, đó cũng là những thứ xa vời, con người bình thường không thể với tới được, càng không phục vụ thiết thực cuộc sống hằng ngày nên con hãy đừng mơ tưởng. Con cũng chớ tin vào những cái “ngọt ngào người cho”, dù đó là thức ăn, đồ uống hay lời nói.

Những thứ ngọt ngào khiến con có cảm giác dễ chịu tức thời nhưng thường là “Ở đâu sẵn những lời đường mật thì ở đó chứa mầm mống của sự giả dối”. Sự giả dối làm xói mòn niềm tin và tình cảm. Điều đó sẽ rất có hại. Nhà thơ mong muốn ở đứa con là hãy sáng suốt và vững vàng: “Sang sông không để đắm đò/ Luyện chân thật vững mà đo bùn lầy”. Những hình ảnh dòng sông, con đò gợi liên tưởng đến hành trình cuộc sống và những thử thách con người cần phải vượt qua để đi tới thành công.

Muốn được điều đó, mỗi người cần phải “luyện chân thật vững”, rèn luyện thường xuyên để có được sức bền, sự dẻo dai cần thiết mới vượt qua được “bùn lầy” trở ngại khó khăn. Cuộc đời là một dòng sông lớn lắm ghềnh nhiều thác, quan trọng là mỗi người phải thật vững tay chèo vượt qua được sóng gió và bước tiếp. Nhiều hình ảnh thơ trong bài gần gũi mà vẫn mới mẻ, cảm xúc thật và ảo đan xen, cộng hưởng với nhau tạo nên tứ thơ khác lạ, thật thú vị cho người đọc.

Bài thơ là tiếng lòng chan chứa yêu thương, sự quan tâm người cha dành cho đứa con. Nhân vật trữ tình không hướng nhiều đến sự chia sẻ của đối tượng mà là tự bộc lộ cảm xúc thật của lòng mình. Đó chính là đặc trưng phong cách rất riêng tạo nên sức hấp dẫn của thơ Đồng Đức Bốn.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.