“Con phải yêu người như thế này”
(PNTĐ) - Mẹ Lam lúc nào cũng nhắc nhở, khắt khe chuyện con gái phải yêu người thế này, nên chọn người như thế kia khiến chị em Lam mệt mỏi.
10h tối Lam đi chơi về đến nhà. Dù đã mở cửa nhẹ nhàng, nhón chân thật khẽ nhưng rồi cô vẫn bị mẹ phát hiện. Thật chẳng dễ chịu chút nào khi mẹ lại gọi vào để giảng “bài ca muôn thủa”:
- Con đi đâu mà giờ này mới về, xong lại ăn uống linh tinh ngoài hàng quán. Con gái lớn rồi mà suốt ngày để mẹ lo lắng.
- Con đi chơi với nhóm bạn. Mà con gái mẹ ngoan lắm, mẹ yên tâm. Con sắp ra trường rồi, mẹ cũng thoải mái chút để cho con kiếm người yêu chứ.
- Yêu ai thì yêu, nhưng trước tiên phải dẫn về để bố mẹ và các chị nhìn xem nó là người thế nào đấy nhé. Con còn trẻ lại ngây ngô như thế dễ bị lừa lắm, khi đó lại khổ. Đấy nhìn xem, cái Trâm ấy…
Thấy mẹ lại bắt đầu điệp khúc quen thuộc, Lam nhanh nhảu “con biết rồi ạ” và chạy tót vào phòng. Nếu không, chắc cô phải ngồi nghe đến gần nửa tiếng vẫn chưa xong. Mẹ Lam là thế, lúc nào cũng bắt con phải yêu người có hình thức thế này, gia đình phải thế kia, tính tình phải thế nọ… Còn bố Lam thì chỉ nhẹ nhàng dặn: “Yêu đương hết mình nhưng lý trí cần tỉnh táo để nhận ra đâu là người tốt, thật lòng với mình con ạ”.

Gia đình Lam rất bình thường ở thành phố, bố cô là công nhân về hưu, còn mẹ thì mở hàng bún ăn sáng từ ngày cô còn nhỏ xíu. Lam nhớ lương của bố ngày đó ba cọc, ba đồng, mọi việc chi tiêu trong gia đình đều xoay sở bằng khoản thu nhập từ quán bún của mẹ. Mẹ Lam có duyên bán hàng, lại nấu ngon nên quán bún lúc nào cũng đông khách, nhờ vậy mà kinh tế gia đình được cải thiện dần, ba chị em cô cũng được ăn học đầy đủ tại các trường đại học có tiếng.
Mẹ Lam lúc nào cũng sợ con gái khổ nên mẹ kiểm soát, căn dặn đủ điều, nhiều khi khiến chị em Lam cảm thấy nghẹt thở. Đặc biệt là sau khi Trâm, chị cả của Lam lấy chồng ngay khi ra trường, hai vợ chồng chưa có công việc ổn định nhưng vì trót có em bé nên đành cưới sớm. Anh chồng tính lại trẻ con thiếu chín chắn, mẹ chồng thì khó tính vì không ưa từ ngày cưới nên lúc nào chị Trâm cũng tất tả, vất vả và mệt mỏi vì chuyện kinh tế, chuyện mẹ chồng - nàng dâu.
Bởi thế, mẹ Lam luôn lấy “tấm gương” của cô chị để dạy dỗ hai cô em, càng lo, càng nói nhiều và trở nên khó tính hơn trong chuyện yêu đương của các con. Chị hai của Lam đã đi làm được 3 năm, dắt hai anh người yêu về ra mắt mẹ đều lắc đầu. Người thì mẹ chê là nhìn trẻ con, lấy về lại giống anh rể, người thì mẹ lại nói là gia đình phức tạp, ở cùng mẹ chồng lại càng không ổn.

Thấy “gương” chị, nên Lam yêu mà không dám chia sẻ bất cứ một thông tin gì kể cả trên mạng xã hội hay chụp ảnh trong điện thoại. Bởi Lam không thể tưởng tượng được thái độ của mẹ như thế nào khi cô yêu người hơn tận 12 tuổi, là giáo viên tiếng Nhật ở trung tâm cô đang theo học. Hơn nữa, anh lại đến từ một tỉnh miền núi rất xa và điều này chắc chắn là một rào cản lớn.
Lam và bạn trai yêu nhau được gần 1 năm nay, cả hai đều nghiêm túc với chuyện tình cảm này, hứa hẹn sau khi Lam ra trường ổn định công việc sẽ kết hôn. Lam dự định sắp tới sẽ dẫn anh về xin phép và ra mắt gia đình. Thế nhưng, chuyện lại chẳng như dự tính.
- Chẳng là hôm đó, Lam đi hẹn hò ngày cuối tuần. Cô nghĩ mẹ sang nhà chị trông cháu chưa về nên để người yêu chở về đến tận ngõ. Lúc đang nắm tay bịn rịn thì mẹ Lam bỗng nhiên xuất hiện. Thì ra, hôm nay bà về sớm. Nhìn thấy cảnh tượng nóng mắt, bà không nói gì. Lam biết ý mẹ nên lẳng lặng đi theo vào nhà cùng với ánh mắt đầy lo lắng của người yêu.
- Con yêu đương từ bao giờ mà giấu không cho một ai biết? Nó là người thế nào? Quê quán ở đâu? Năm nay bao nhiêu tuổi?
Đến lúc này, Lam chỉ còn cách nói thật với mẹ. Khi nghe xong mẹ Lam ngồi im, gương mặt tỏ rõ sự bất lực. “Mày là đứa mà mẹ yên tâm nhất vậy mà giờ lại dính vào đứa như nó. Hơn nhau ngần ấy tuổi, mày có biết vì sao bây giờ mà nó vẫn chưa có gia đình không? Mà quê thì ở xa tít, mày định theo nó về đấy hả con? Sao mà dại thế con, bao nhiêu đứa phù hợp mẹ giới thiệu cho thì không chọn, không yêu”.

Lam lí nhí xin lỗi mẹ, giải thích:
- Anh ấy thực sự rất tốt, là động lực để con cố gắng học tập tốt. Anh ấy kết hôn muộn không phải có vấn đề gì mẹ ạ. Mà anh ấy vừa đi làm bên Nhật mấy năm mới về và anh ấy đang làm chủ trung tâm ngoại ngữ nơi con đang học.
Lam chưa nói dứt câu, mẹ cô đã đứng lên, vào trong phòng rồi đóng cửa cái rầm. Những ngày hôm sau, bà cũng không nói lời nào với Lam. Lam không muốn mẹ buồn, suy nghĩ, nhưng cô cũng không thể từ bỏ tình yêu của mình. Lam nhờ hai chị gái quân sư nhưng cũng đều chỉ biết khuyên “Chỉ có cách thuyết phục mẹ bằng hành động thôi, em cứ ra trường, xin được việc làm càng sớm càng tốt. Và cũng bảo anh ấy thỉnh thoảng qua quán mẹ nhiệt tình giúp đỡ việc nọ việc kia. Nếu mẹ cảm nhận thấy anh ấy là người tốt, chân thành với em thì chắc chắn dần dần mẹ sẽ chấp nhận thôi”.
Khi Lam còn đang rối bời không biết làm thế nào để “bình thường hóa” mối quan hệ với mẹ thì cuối tuần đó anh người yêu đánh liều đến quán mà không nói trước với Lam. Chờ đúng lúc quán đông khách anh mới bước vào, xin phép được dọn bàn, bưng bê. Mẹ Lam tỏ rõ thái độ khó chịu nhưng vì quán đông khách, lại được sự hậu thuẫn của bố Lam nên anh hăng say phụ giúp như một nhân viên thạo việc. Anh khéo léo, nhanh nhẹn làm cho mẹ Lam dần nguôi đi cơn giận.
Cứ thế, mỗi sáng cuối tuần người yêu Lam lại sang phụ giúp bố mẹ cô ở quán bún. Những ngày sau đó không thấy mẹ nhắc đến chuyện cấm cản yêu đương khiến Lam mừng thầm. Tối hôm đó, mẹ gọi Lam vào tâm sự: “Thời gian qua tiếp xúc với nó, mẹ cũng thấy nó nhanh nhẹn, chăm chỉ, hiền lành. Thôi hạnh phúc là do con quyết định mẹ không can thiệp vào nữa”. Nghe những lời này, Lam thực sự hạnh phúc. Cô chỉ biết ôm mẹ mà chẳng nói thành lời.