Còn rất lâu nữa, chồng cô mới... lớn

Thái Linh
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bữa đó, Thắm bận việc cơ quan nên về muộn. Cô gọi điện cho chồng nhờ anh về sớm đón con, rồi tiện thể nấu bữa tối luôn. Nhưng một lát sau thì chồng cô nhắn tin tới: “Thôi, ba bố con về nhà ăn cơm bà nội nấu. Mẹ Thắm tự lo thân nhé”.

Thắm đã chẳng xa lạ với kiểu chồng “bám váy mẹ” như thế. Nhưng hôm nay, khi tâm trạng vốn đã không tốt vì stress công việc, tin nhắn của Toàn, chồng Thắm càng khiến cô muốn phát điên. 10h đêm, Thắm rời cơ quan. Ngoài trời rét buốt, hàng quán hai bên đều đã đóng cửa. Nước mắt Thắm bỗng rơi lã chã vì tủi thân.

Về tới nhà, cửa cổng vẫn khóa chặt. Bên trong nhà tối om. Mấy bố con có lẽ vẫn đang ở nhà nội. Bụng đói cồn cào, Thắm đành úp tạm gói mì ăn liền “không người lái” ăn cho xong bữa. Đó là tất cả những gì Thắm có được sau cả ngày dài làm việc vất vả. Thế mà Thắm đã từng ước sẽ được ăn cơm do chồng nấu cho.

Ăn xong, Thắm rã rời lên phòng. Chưa kịp gọi điện cho Toàn giục anh về sớm thì Toàn lại nhắn tin tới. “Thôi trời lạnh, ba bố con ở đây luôn. Đằng nào ngày mai cũng cuối tuần rồi. Vợ buồn thì mai sang bà nội nhé, nếu không thì ba bố con ở đây đến hết Chủ nhật luôn. Bà bảo vợ cứ yên tâm, có bà nuôi, ba bố con tha hồ béo”.

Thắm chán, chả muốn nhắn tin lại trả lời chồng. Đã ngoài 40 tuổi, nhưng Toàn vẫn cứ như một đứa trẻ to xác mà cạn nghĩ. Không phải là Toàn vụng tới mức không thể nấu những món đơn giản mà là anh lười. Còn mẹ chồng Thắm, nghe con trai báo phải nấu cơm vì vợ về muộn là vội rủ con sang nhà để bà phục vụ.

Còn rất lâu nữa, chồng cô mới... lớn - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

Toàn là con trai một của bố mẹ chồng Thắm. Từ nhỏ, anh đã được cưng chiều, bao bọc. Hồi mới yêu Toàn, Thắm đã cảm thấy có gì đó hơi bất thường khi mỗi lần đến nhà anh chơi, cần lấy đồ gì trong nhà là Toàn đều “ới” mẹ. Mấy lần, mẹ anh còn mang quần áo đã được là phẳng phiu ra dí tận tay rồi bảo con trai thay đồ đi rồi còn đi chơi với Thắm.

10h đêm, bà lại gọi điện giục Toàn về nhà kẻo muộn, trời lạnh dễ ốm. Thắm lân la hỏi chuyện thì Toàn cũng chẳng ngại ngần mà thật thà kể rằng: Anh sống vô tư vì cái gì cũng đã có mẹ. Điều này khác hẳn với Thắm vì Thắm vốn là cô gái tỉnh lẻ, một mình lên thành phố nên phải tự lập hoàn toàn. Tuy nhiên, hồi đó, Thắm vẫn nghĩ là có thể “cải tạo” được Toàn. Đợi khi nào cô và Toàn lấy nhau thì mẹ chồng sẽ chẳng can thiệp vào cuộc sống riêng của vợ chồng cô nữa.

Nhưng Thắm đã lầm. Mẹ chồng Thắm vẫn giữ nếp chăm con trai như thể anh hãy còn bé và độc thân, cần được bà che chở. Thắm thừa nhận mẹ chồng cô yêu con, cháu, không hề ghét bỏ Thắm nhưng cô lại không chịu được cách ứng xử của mẹ chồng với chồng mình. Ngày nào, bà cũng phải gọi điện cho con trai, ngay cả khi không có việc gì quan trọng thì chỉ là để nghe thấy tiếng con. Vào bếp nấu được món gì ngon mà con trai thích, là bà lại nhắn nhe để con về ăn. Toàn thì vô tư, cứ mẹ có lòng thì con có dạ. Anh hồn nhiên báo Thắm là không ăn cơm nhà rồi vòng về nhà mẹ đánh chén no nê.

Hồi mới sinh con đầu lòng, do vợ chồng ở riêng nên Thắm muốn chồng cũng hỗ trợ cô chăm con. Toàn bế con được một chút đã than đau người. Thắm mới sinh còn đang mệt, mà cứ một tay bế con, một tay pha sữa, rồi lục đục cả đêm, trong khi Toàn nằm giường bên thì ngáy như sấm rền. Giận chồng quá, Thắm góp ý để anh thay đổi. Toàn gãi đầu gãi tai một hồi rồi... gọi cho mẹ cầu cứu.

Thế là mẹ chồng lại gọi cho Thắm, nói đỡ lời để Thắm đừng sai việc chồng. “Phụ nữ ai cũng vất vả vì con, chứ mấy khi trông chờ được vào người đàn ông hả con. Thôi thì con thông cảm cho nó. Con thức đêm thì hôm sau còn được ngủ chứ thằng Toàn thức đêm một hôm sẽ không đi làm được, lại ảnh hưởng tới công việc”.

Rồi mẹ chồng Thắm đưa ra phương án hoặc là để bà tới nhà ở cùng giúp Thắm trông con hoặc là bà cho tiền để vợ chồng Thắm thuê thêm người giúp việc trong mấy tháng đầu. Chồng Thắm được mẹ “cứu nét’ thì sung sướng, hoan hô luôn mà không cần nghĩ mẹ đến giúp mình trông con thì bố sẽ phải ở một mình. Còn nhà Thắm cũng chật chội, lại có thêm người giúp việc cũng không tiện.

Thắm đành phải gắng gượng tự lo cho con. Tuy nhiên, mẹ chồng cô dường như vẫn chưa thực sự yên tâm. Bà sợ Toàn ở nhà có con mọn thì sinh hoạt không thoải mái nên vẫn hay rủ anh về nhà bà chơi rồi dụ anh ở lại ngủ luôn. Ở nhà mẹ chồng Thắm có nguyên một tủ quần áo, rồi đồ đạc cá nhân cho Toàn dùng.

Còn rất lâu nữa, chồng cô mới... lớn - ảnh 2
Minh họa sưu tầm

Vì thế, đến bây giờ, Toàn vẫn vô tư ăn ngủ ở nhà mẹ đẻ mà không cần biết Thắm còn lại một mình sẽ thế nào. Hồi khu nhà cô thông báo mất điện, Toàn than “nóng không chịu được” cũng phóng xe về nhà mẹ và dặn Thắm “nếu lúc nào có điện thì gọi anh về sau”.

Quen có mẹ lo nên trước việc lớn, việc nhỏ trong nhà, câu nói quen thuộc của Toàn luôn là: “Để hỏi mẹ xem như thế nào”. Thắm muốn thay đổi nội thất trong phòng ngủ của vợ chồng, Toàn cũng bảo Thắm: “Để hỏi mẹ xem như thế nào” hay là “Em đèo mẹ đi chọn đồ cho”. Cái xe máy đi cũ cần thay, Toàn cũng: “Để  hỏi mẹ xem như thế nào? Có khi mẹ biết mình mua xe lại cho thêm tiền”. Rồi cả việc Thắm có người quen giới thiệu cho cô một chỗ làm mới tốt hơn, Thắm về bàn với chồng thì hôm sau tin tức đã đến tai mẹ chồng Thắm.

Tâm lý người già vốn lo lắng, ngại thay đổi nên bà ra sức ngăn cản Thắm chuyển việc. Bà còn bảo: “Nếu con chuyển việc vì thiếu tiền thì mỗi tháng mẹ cho con thêm mấy triệu”. Thắm hoàn toàn không muốn như vậy vì cô nghĩ hai vợ chồng đều là người trưởng thành, cần phải tự lập cuộc sống. Cô chuyển đổi công việc chưa hẳn vì tiền mà còn muốn thử thách bản thân, cho mình một môi trường làm việc mới sáng tạo hơn. Nhưng Toàn hoàn toàn không ủng hộ cô, nhất là sau khi nghe mẹ phân tích những rủi ro, khó khăn khi vợ chuyển việc anh càng lo lắng, mất phương hướng.

Rồi anh ngon ngọt bảo Thắm: “Có mẹ cho thêm tiền tiêu thì mình cứ vô tư nhận đi em ạ. Mình là con cơ mà, có phải nhận của người ngoài đâu mà ngại”. Cuối cùng, Thắm không muốn mọi người trong gia đình phải lo lắng, căng thẳng nên đành chấp nhận cảnh sống an phận, không bứt phá.

Nhiều lúc, Thắm chỉ ước ao giá chồng mình cứng cáp hơn và ít bị phụ thuộc vào mẹ. Cô thích được dựa vào anh, mỗi khi gặp khó khăn, lúng túng sẽ được nghe lời khuyên của một người chồng chững chạc, từng trải.

Nhưng khi mẹ chồng cô còn muốn bảo bọc con trai U50 và chồng cô vẫn khoan khoái ỷ lại vào mẹ như thế thì rất lâu nữa anh mới có thể lớn lên.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.