Con rể sợ báo hiếu nhà vợ
(PNTĐ) -
Em trai Lê gọi điện báo tin cơn bão đêm qua làm tốc mái nhà, cây cối trong vườn nhà cũng gãy đổ. “Năm nay nhà mình chắc lại đói chị ạ. Chỉ thương bố mẹ, già rồi mà vẫn không hết lo toan”…
- Chị biết rồi, để chị nói với anh đưa chị về nhà xem tình hình ra sao?
- Thôi chị, hai đứa đang nhỏ, đường sá lại xa, sức khỏe chị cũng không tốt. Anh rể cũng bận rộn. Ở nhà đã có em, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua. Chị cứ yên tâm nhé.
- Rồi anh chị sẽ có cách.
Lê lặng người sau cuộc nói chuyện với em trai. Lời hẹn với em vẫn còn dang dở, Lê chưa biết sẽ phải thực hiện như thế nào. Trước mắt cô hiện ra khung cảnh hoang tàn ở quê mình. Bão ở quê cô dữ lắm, chỉ sau một đêm có thể khiến những người nông dân chăm chỉ như bố mẹ cô tay trắng.
Chẳng thế mà gương mặt thất thần của bố, giọt nước mắt lăn dài vì xót xa của mẹ đã hằn sâu vào ký ức của Lê từ lúc nào. Ngay cả khi đã theo chồng lên thành phố sống ở một nơi yên bình, Lê vẫn luôn đau đáu dõi về quê nhà. Mỗi khi nghe dự báo thời tiết có cơn bão sắp về là Lê lại thắc thỏm không yên.
Em trai Lê nói cô không phải lo, nhưng Lê không lo làm sao được. Tối đó, trong bữa cơm, Lê rón rén kể chuyện với chồng.
- Nhà ông bà ngoại bị bão càn. Anh xem hay là vợ chồng mình thu xếp… Em…
Lê còn chưa nói hết câu thì chồng cô đã dằn mạnh chiếc bát xuống bàn, rồi quắc mắt nhìn cô.
- Em không chọn được lúc nào để nói chuyện đó hay sao? Cả ngày anh đã đi làm mệt, vừa về đến nhà, cơm chưa ăn được thì đã bị em này nọ. Em muốn anh kiệt sức phải không… Nuôi vợ chưa đủ, còn đèo theo cả một huyện người.

Lê im lặng, không nói gì thêm. Cô biết tính chồng mình, gia trưởng và độc đoán. Nếu cô cự cãi gì lúc này, có thể vợ chồng sẽ mất hòa khí. Cô cũng biết việc mình chọn bữa cơm để nói chuyện với chồng không phải cách tốt. Nhưng, không làm vậy thì cô chẳng biết nên nói với anh vào lúc nào. Chồng Lê luôn lấy lý do bận rộn, rồi mệt mỏi để trì hoãn tiếp nhận những thông tin về gia đình vợ. Đôi lúc, Lê có cảm giác, anh chỉ cần cưới Lê về làm vợ còn anh quên mình còn là con rể của bố mẹ cô, anh rể của em trai cô nữa.
Quả nhiên tối đó, chồng Lê vẫn bình thản xem phim, rồi lướt facebook mà không hỏi han gì thêm về tình hình nhà vợ. Quá sốt ruột, đợi lúc chồng lên giường đi ngủ, Lê lại đem chuyện này ra nói với chồng.
- Anh xem, nếu anh bận thì cho em về quê ít bữa. Em muốn hỗ trợ bố mẹ. Nhà đang như thế, có thêm người giúp vẫn hơn anh ạ. Rồi việc sửa sang nhà cửa cũng cần đến tiền.
- Trời ạ.
Chồng Lê đập mạnh tay xuống giường, sẵng giọng:
- Em xem mình thì làm được gì mà đòi về? Ở đây, hai đứa trẻ ai lo? Em đừng nói bắt anh nghỉ việc ở nhà để trông con. Tốt nhất là em cứ yên phận ở nhà, đàn bà đi lấy chồng thì hãy toàn tâm toàn ý cho nhà chồng, hiểu chưa? Em có biết dạo này việc làm ăn gặp khó khăn, đồng tiền kiếm ra khó khăn đến mức nào không? Em thì cứ phóng tay, vứt tiền qua cửa sổ
- Bố mẹ gặp khó, mà sao anh lại nói vậy? Lê òa khóc.
- Ở quê đã có thằng Vượng, ngôi nhà, mảnh đất đó sau này cũng thuộc về nó. Vợ chồng mình không chia chác gì phần tài sản đó cả thì bây giờ, nó cũng phải tự gánh vác mọi việc. Đừng có suốt ngày gọi điện cho chị kể lể, kêu than.
- Anh…
Lê òa khóc vì thấy chồng kết tội những người thân của mình vô lý. Mảnh đất và ngôi nhà của bố mẹ Lê ở quê, nếu tính về tài sản thừa kế thì Lê cũng có một phần trong đó.
Nhưng, đất đai bán đi nào có được mấy đồng mà chia chác. Vợ chồng Lê ở thành phố chẳng đến nỗi thiếu đói, cũng không định về quê Lê ở nên hai vợ chồng xác định sẽ không tranh giành gì đất đai mà để lại cả cho em trai Lê.
Từ lúc lấy chồng rồi sinh con vì nhiều lý do mà Lê ở nhà làm nội trợ. Thế là chồng cô càng có lý do cho rằng mình đã nuôi vợ, lại không được nhận tài sản thừa kế nên chối bỏ mọi trách nhiệm làm con của mình với đằng ngoại.

Ít năm trước, bố Lê đi xe máy bị tai nạn giao thông phải nằm viện mấy tháng. Sau đó, ông còn phải tĩnh dưỡng tại nhà gần nửa năm. Lê bàn với chồng gửi về nhà ít tiền để đỡ đần bố mẹ. Nhưng cũng phải mấy lần giục giã, rồi nài nỉ chồng Lê mới đồng ý. Sau đó, mỗi lần vợ chồng to tiếng, chồng Lê lại mang chuyện này ra nhắc cho Lê thấy cô nợ anh nhiều ân tình. Và rằng bố mẹ Lê đã không giúp gì cho con gái thì cũng đừng là gánh nặng cho vợ chồng con như vậy.
Lê giận lắm, nhưng vì muốn nhà cửa yên ấm, hơn thế cũng biết mình phụ thuộc chồng nên đành nhẫn nhục. Khi gửi tiền về cho bố mẹ, Lê vẫn phải nói đó là ý tốt của chồng để giúp đẹp mặt anh và không muốn bố mẹ phải phiền lòng.
Lần khác em trai Lê muốn mở một cửa hàng bán đồ điện ở quê nhưng còn thiếu chút vốn. Lê rất muốn giúp em nhưng tiền không có, đành nói khó với chồng. Lê chỉ dám nói là em trai vay tiền anh chị, sau này có sẽ trả dần để chồng đồng ý. Với vợ chồng cô, việc bỏ ra vài chục triệu giúp người thân không khó. Có những bữa đi tiếp đối tác, riêng tiền rượu mà chồng Lê bỏ ra cũng gần từng đó. Song, chồng cô lại đay nghiến bỏ tiền cho đối tác còn lấy lại được gấp 3, gấp 5 lần, còn tiền cho em trai Lê vay thì có nguy cơ mất trắng. Mãi rồi anh cũng đồng ý “xuất” ra ít tiền, nhưng thái độ thì bực bội ra mặt.
Trong mắt họ hàng, bà con chòm xóm, Lê là cô con gái hiếu thảo của gia đình. Mọi người còn xuýt xoa khen bố mẹ Lê tốt số, có con gái lấy chồng tận trên thành phố nên có điều kiện đỡ đần bố mẹ. Lê nghe những lời khen ấy mà ngậm ngùi. Bố mẹ Lê thật thà, chất phác, luôn nghĩ tốt cho mọi người, lại rất ngại khi phải phiền tới con cháu.
Chưa bao giờ cô nghe thấy bố mẹ phàn nàn một tiếng về con rể. Nhà gặp khó khăn, nếu em trai Lê không gọi điện báo, bố mẹ Lê cũng chẳng bao giờ chia sẻ với cô. Chồng Lê vài năm không về thăm nhà vợ một lần, ông bà gạt đi, còn nói Lê phải thông cảm cho chồng vì bận việc. Từng việc chồng Lê làm cho nhà cô, dù nhỏ nhất, bố mẹ cô đều ghi nhớ. Mỗi lần gửi quà quê lên cho vợ chồng cô, bố mẹ không bao giờ quên những thức đồ món mà chồng cô thích ăn.
Còn em trai Lê cũng chưa bao giờ có ý cậy nhờ, ỷ lại vào anh rể. Bao năm qua, em trai thay cô chăm sóc bố mẹ, lo lắng việc gia đình. Ấy vậy mà chồng cô luôn coi em trai cô như gánh nặng. Hễ thấy em trai gọi điện lên là nghĩ tới việc vợ chồng cô đang bị xin tiền, hay là cậy nhờ giúp đỡ.
Việc tối nay cũng vậy, trước thái độ thờ ơ của chồng, Lê thực sự thất vọng. Lê thấy mình quá vô dụng vì không thể làm gì cho bố mẹ mình. Chồng cô đã quên mất rằng, bố mẹ đã sinh ra cô, nuôi cô khôn lớn để bây giờ cô toàn tâm toàn ý làm vợ anh, làm mẹ của các con anh. Tiếng là Lê ở nhà chồng nuôi, nhưng, cô cũng đóng góp cho gia đình này. Nếu không có cô đảm đương việc nhà, chăm sóc con cái thì làm sao chồng cô yên tâm đi làm, kiếm tiền. Vậy mà, anh lại coi việc báo hiếu nhà ngoại là của riêng Lê, còn anh không có trách nhiệm gì.
Lê tự hỏi, liệu cô còn có thể sống an vui bên người chồng lạnh lùng, không hiểu đạo lý ấy?