CON TRAI CHỊ KHÔNG PHẢI HƯ MÀ BỊ TRẦM CẢM

Chia sẻ

Một buổi chiều, người phụ nữ ngoài 50 tuổi dắt theo cậu con trai 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học ở Hà Nội đến văn phòng tư vấn của chúng tôi. Vừa ngồi xuống ghế, chuyên viên tư vấn chưa kịp mời họ chén nước, người mẹ đã hỏi con trai: “Giải quyết chuyện của mẹ trước hay của con trước?”. Cậu con trai nói nhanh, với giọng có vẻ “hỗn xược” rằng: “Để con trước, xong rồi con bắt xe ôm về, mẹ ở đây giải quyết việc của mẹ đến bao giờ cũng được”. Hoá ra, cả hai mẹ con đều “có vấn đề”, cần tư vấn tâm lý. Chúng tôi rất mừng vì cậu con trai có vẻ chủ động và hợp tác ngay từ phút đầu.

Thoạt nhìn, không ai nghĩ đây là chàng trai vừa qua cái tuổi “mười bẩy bẻ gẫy sừng trâu”, đang là sinh viên ở Hà Nội. Vóc dáng nhỏ thó, ăn mặc luộm thuộm, nét mặt “hơi tối”, nói thì nhanh, hay cướp lời người lớn, dùng tay chỉ trỏ vào người nói chuyện với mình… Tất cả đều toát lên vẻ “trẻ trâu” ở cậu.

Mẹ cậu bắt đầu kể về vấn đề của cậu. Nào là lười tắm, ngủ li bì, không chú ý đến ăn mặc, không đi đâu, không có bạn thân, cả tháng không ra khỏi nhà cũng được, phòng ở của cậu thì luộm thuộm, hay cãi lý sự. Đặc biệt là đang đòi bỏ học vì chọn sai nguyện vọng. Người mẹ nói rằng con bà “không giống ai”, không hư hỗn quá mức, không cờ bạc, rượu chè, hút sách, không trai gái, không nghiện điện tử, nhưng “rất khó chịu và gây ức chế cho người khác khi giao tiếp”.

Xen vào giữa những lời kể của người mẹ là những câu nói phản bác gay gắt của cậu con trai, có lúc như cãi nhau, nên chuyên viên tư vấn phải thống nhất cách làm việc. Thứ nhất, người con trai hãy nói lên vấn đề của mình, tại sao cậu lại đồng ý đi gặp tư vấn tâm lý, cậu thấy cần hay mẹ ép đi. Khi nào cần ý kiến của người mẹ bổ sung, hay làm rõ, chuyên viên tư vấn mới hỏi ý kiến người mẹ.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Thống nhất với cách làm việc như vậy, chàng trai kể chuyện của mình. Cậu nói ở nhà không ai hiểu cậu. Bố mẹ cậu ly hôn, cậu ở với mẹ (điều này người mẹ chưa kịp kể), bố có vợ khác, ít gặp vì ông ấy còn lo cho vợ mới và em bé mới ra đời của ông ấy. Khi còn học phổ thông, cậu ước mơ trở thành luật sư hoặc các công việc cần giao tiếp trước đám đông vì cậu có năng khiếu thuyết trình, thu hút người khác. Cậu đã nghĩ đến trường đại học Văn hoá hoặc Học viện báo chí tuyên truyền, nhưng gần đến kỳ thi, gặp mùa đại dịch Covid-19 nên công tác tìm hiểu các ngành nghề của cậu cũng hạn chế. Mẹ cậu nói cậu yếu đuối, nhút nhát, nên học trường nào đó gần nhà. Thế là cậu chọn chuyên ngành “truyền thông đa phương tiện”, một sự liên kết đào tạo giữa một trường đại học không có chức năng đào tạo ngành này với một trường đại học “có danh tiếng”.

Vào học cả năm mà chưa được đến trường “check in” một lần, toàn nằm nhà ôm máy tính học online, cậu đã chán. Đã vậy, vào học rồi cậu mới “té ngửa” ra rằng cậu hóa ra chỉ học lập trình và cuối cùng sẽ trở thành người “ngồi một chỗ” chỉnh sửa các clips trước khi đăng lên youtube, một công việc theo cậu là như một kỹ thuật viên, chứ không có giao tiếp, sáng tạo, đi đây đi đó như cậu mong muốn. Cậu muốn bỏ học để lựa chọn lại ngành nghề, nhưng mẹ và “bạn trai của mẹ” không cho, nói rằng học thì cứ học, lấy cái bằng, sau này làm gì gì làm. Cậu không đồng ý, cho rằng cuộc đời vốn ngắn ngủi, tại sao phải lãng phí thời gian để học cái điều mình không thích, có thể sau này cũng không dùng đến. Nói đến đây, cậu lý sự: “Nói chung, học cũng chỉ để sau này có cái nghề, kiếm tiền để sống, tại sao không kiếm tiền sớm hơn?”, “Mà ai cũng hối hả, lo toan, trăm sự cũng chỉ vì kiếm tiền. Kiếm tiền để làm gì? Để sống, đúng không? Nhưng sống để làm gì, không ai trả lời được câu hỏi này, kể cả thầy giáo của cháu. Cháu thấy cuộc sống này vô nghĩa…”. Nhân tiện nói đến cuộc sống vô nghĩa, cậu cũng nói đến trường hợp một vài bạn học sinh gần đây tự tử. Cậu kết luận, báo chí cứ bảo bị áp lực, thật ra là các bạn ấy không muốn sống nữa vì cuộc sống vô vị, vô nghĩa, chứ đã có gì mà “áp lực”.

Nhận thấy cậu bé này thông minh, nhưng có vấn đề về tâm lý. Nói chuyện với cậu là phải dùng kiến thức khoa học, chuyên môn cứng, sách vở, chứ nói chuyện theo kiểu chia sẻ, an ủi, động viên, khuyên nhủ… không mấy hiệu quả. Chúng tôi đề nghị chàng trai trẻ thực hiện một số bài test (trắc nghiệm), nhằm xác định và đánh giá mức độ lo âu, trầm cảm, tất nhiên không nói cho cậu biết mục đích này. Cậu “ô kê” luôn.

Bỏ qua những “cá tính vụn vặt” của người trẻ mà người mẹ cũng như người thân cảm thấy khó chịu, cậu đã có những dấu hiệu khá đặc trưng của người bị trầm cảm. Thứ nhất, dấu hiệu đặc trưng của bệnh trầm cảm hiện lên khuôn mặt, đó là “thần thái kém”. Người bị trầm cảm có nét mặt u buồn, lo lắng, nóng nảy, chán nản, hay cáu gắt, thiếu kiên nhẫn trong giao tiếp, hoặc “chán chẳng muốn nói”. Tất nhiên, người thường cũng có lúc bị như vậy, nhưng nếu tình trạng kém khí sắc, thần thái kéo dài trên 2 tuần, thì đây là dấu hiệu của những rối nhiễu tâm lý. Dấu hiệu thứ hai của trầm cảm là mất hết mọi hứng thú với cuộc sống: chán ăn, khó ngủ, không muốn chơi, chẳng muốn đi đâu, không muốn làm gì và có lúc “muốn chết”. Mất ngủ kéo dài, mất niềm tin vào cuộc sống, mất niềm tin vào chính mình, thấy mình là người vô dụng, không ai cần mình, không ai yêu thương mình, sống thu mình lại, giảm khả năng chú ý, hiệu quả học tập và làm việc không cao… là những dấu hiệu tiếp theo của chứng bệnh trầm cảm, nhất là ở thanh niên. Ở chàng trai trẻ này, có đầy đủ những dấu hiệu như vậy.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi đã có “kết quả trắc nghiệm khách quan”, chúng tôi mới chuyển hướng nói chuyện với chàng trai và người mẹ. Chúng tôi cho cả hai người biết rằng chàng trai không phải là thanh niên hư hỏng, chống đối, mà cậu có dấu hiệu trầm cảm. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,6 triệu người bị trầm cảm, chiếm 4% dân số (số liệu 2015), trong đó khoảng 5.000 người chết vì tự tử do trầm cảm. Cách đây mấy năm, đây đã thực sự là con số báo động, đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Bệnh trầm cảm có ba dạng. Thứ nhất là trầm cảm nội sinh, tức là tự phát bệnh ở trong người. Điều này không phải ai cũng biết, bởi đa số mọi người cho rằng trầm cảm phải do áp lực cuộc sống, phải vất vả lo lắng, suy nghĩ nhiều mới bị. Những bà mẹ sau khi sinh con, nội tiết tố trong cơ thể có những thay đổi, hoặc thanh niên bước vào tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ “sắp mãn xuân” cũng dễ mắc bệnh trầm cảm. Tất nhiên, nhóm thứ hai là trầm cảm do sức ép, áp lực trong học tập, lao động, cuộc sống gia đình mà không có cách tháo gỡ, để phải suy nghĩ trong một thời gian khá dài. Thi trượt đại học, bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình và những biến cố bất ngờ trong cuộc sống cũng là nguyên nhân nảy sinh bệnh trầm cảm. Dạng thứ ba là trầm cảm sau khi đã khỏi một chứng bệnh khác như hậu Covid, sau khi nằm viện lâu ngày để điều trị tai nạn, vết thương…

Ở chàng trai trẻ này, yếu tố gia đình ly hôn, đỗ đại học không như mong muốn, học online kéo dài do dịch bệnh, ít hoạt động giao lưu do thực hiện giãn cách xã hội, ít người thân, gần gũi tâm sự, chia sẻ, lại bị gây sức ép, không cho thay đổi nguyện vọng học tập… dẫn tới tình trạng trầm cảm. Có thể gọi đây là dạng “trầm cảm tổng hợp” do nhiều nhân tố tác động.

Trao đổi với hai mẹ con, chúng tôi nhắc người mẹ rằng lúc này học tập chưa phải là việc quan trọng nhất, uốn nắn thói quen, nếp sống của cậu con trai theo ý của mình cũng không phải là quan trọng nhất, mà là tập trung chữa bệnh cho con. Đầu tiên là cần thay đổi thói quen, nếp sống hàng ngày. Cùng con xây dựng thời gian biểu và đồng hành với con trong việc thực hiện kế hoạch ấy. Đi dạo, đi xe đạp, tập thể thao, bơi lội, tập gym, làm vườn… là những việc nên làm. Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, điều độ, tăng cường rau củ quả, vitamin, khoáng chất là quan trọng, không để con tự ăn mì tôm cả ngày rồi lại ngủ. Nếu con hứng thú, có thể cho con đi làm thêm việc gì đó mà con thích, vừa có cơ hội giao lưu, vừa có thêm thu nhập, mang lại niềm vui cho con. Nếu thấy cần thiết, gia đình có thể đưa con đến khám ở Viện sức khoẻ tâm thần để được các bác sĩ kê đơn thuốc hỗ trợ. Việc học tập có thể duy trì, tạm nghỉ hay chuyển đổi tuỳ thuộc vào tình hình sức khoẻ tâm lý của con trai sau một thời gian luyện tập và điều chỉnh.

Sau khi đề nghị con trai ra ngoài lấy xe máy trước và đợi mẹ, chúng tôi trao đổi nhanh với người mẹ về chuyện “có bạn trai” của chị hiện nay, đồng thời nhắc nhở tầm quan trọng của việc theo dõi, điều trị chứng trầm cảm cho con để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc. Nếu cần thiết, chị có thể gọi điện để trao đổi kỹ hơn về những vướng mắc của chị với anh bạn hiện nay, việc của con trai chị xin phép dừng ở đây.

Trước khi về chị nói một câu kết luận: “May mà tôi cho cháu đến gặp các anh chị, mới biết cháu bị bệnh, chứ ở nhà ai cũng bức xúc vì nghĩ cháu hư hỗn, cố tình chống đối, gây rối cho cuộc sống của mẹ”.

Chuyên gia tư vấn tâm lý ĐINH ĐOÀN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.