Cú bốc đồng của teen

Chia sẻ

Chỉ vì một cú điện thoại kéo dài chưa tới 1 phút, mà nhà tôi suýt mất đi đứa cháu đang ở tuổi 17. May mà phúc phận nhà tôi còn to, cháu chưa cắt tay tự vẫn thì mẹ cháu phát hiện ra.

Kể lại nguyên nhân khiến cháu tôi muốn chấm dứt sự sống, nhiều cha mẹ sẽ cho rằng nó lãng xẹt, vớ vẩn. Bản thân bố mẹ cháu cũng không nghĩ con mình lại nghĩ quẩn chỉ vì chuyện không đâu như vậy.

Chuyện là mẹ cháu đang trên đường từ cơ quan về nhà thì nhận được điện thoại của thầy giáo lớp học thêm gọi tới, thông báo là cháu hôm trước không đến lớp học. Trong khi đó, các buổi học thêm, cháu tôi vẫn xách cặp đi học đều. Mẹ cháu giận quá, liền nhắn tin cho cháu hỏi lý do vì sao con lại trốn học như vậy. Trong tin nhắn, mẹ cháu cũng gửi vào đó ít tâm tư, rằng bố mẹ cháu phải vất vả kiếm tiền nuôi cháu ăn học, mà cháu lại nỡ lòng nào ứng xử như vậy. Ngay sau đó, cháu tôi nhắn tin trả lời là có đi học, nhưng cháu đến sau khi thầy điểm danh nên bị ghi nhầm là vắng mặt. Chị gái tôi chưa thực sự tin tưởng nên đã yêu cầu trung tâm kiểm tra lại. Tuy nhiên, trong khi chờ mọi việc rõ ràng thì cháu tôi đã tính làm chuyện dại dột. Nếu chị tôi không về kịp, có lẽ điều xấu nhất đã xảy ra với cháu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Khi chị tôi giằng được con dao trên tay con gái, nó không những không ân hận mà còn phản ứng dữ dội hơn. Cháu tuyên bố ghét mẹ vì mẹ đã không tin tưởng. Cháu gái tôi coi đó là sự sỉ nhục lớn không thể chấp nhận được.

Cả gia đình tôi đã phải ra sức thuyết phục, an ủi, giải thích cho cháu hiểu mọi việc không quá nặng nề như vậy. Mẹ cháu nhận được thông tin như vậy nên có chút nôn nóng muốn cháu giải thích cho mẹ hiểu. Nhưng, cháu vẫn không thể nguôi ngoai. Cháu thấy cả thế giới như đã sụp đổ tan tành.

Khi đem chuyện này kể với mấy người bạn, mọi người đều nói, phản ứng của cháu tôi vậy không phải cá biệt. Con của bạn tôi, cũng chỉ vì một lần bị nghi là có liên quan đến một vụ thất lạc quỹ lớp mà cũng xách va li bỏ nhà ra đi để chứng minh mình trong sạch.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Một người bạn khác của tôi là chuyên gia tư vấn tâm lý chia sẻ: Trong tình huống này, cả cha mẹ và con đều cần bình tĩnh, tìm cách xử lý phù hợp. Chẳng hạn, khi bất ngờ nhận được thông tin chưa tốt về con, cha mẹ nào cũng muốn xác minh sự việc. Tuy nhiên, thay vì hỏi con theo kiểu quy chụp, vì sao con lại bỏ học, vì sao con lại lấy trộm tiền, cha mẹ nên hỏi một cách khác như: “Mẹ nghe nói các cô giáo phản ánh con nghỉ học hôm đó nhưng không biết có nhầm lẫn gì không nhỉ?”, “Con có biết việc gì xảy ra ở lớp không? Có phải quỹ lớp bị mất không con?”. Như vậy, cha mẹ vừa nhận được thông tin từ con nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng và tạo cơ hội để con giải thích. Còn trẻ cũng dễ dàng trong việc hồi đáp mà không có cảm giác bị tổn thương do bố mẹ không tin tưởng mình.

Cũng có thể, trẻ mắc lỗi thật nhưng vẫn cố tình giấu diếm vì sợ bị trừng phạt. Ngay cả khi như vậy, cha mẹ cũng không nên nổi giận vì dễ làm trẻ “đường cùng nghĩ quẩn”. Cha mẹ có thể làm như đang chấp nhận lời giải thích của con, sau đó lựa lúc thích hợp thì nói cho con biết thực ra cha mẹ biết sự thật là gì. Tuy nhiên, cha mẹ mong con lần sau sẽ không nói dối và cũng không mắc lỗi đó nữa (bỏ học, lấy trộm tiền…). Khi được cha mẹ tha thứ, trẻ sẽ cảm thấy biết ơn và sẽ tự giác thay đổi hành vi của mình.

NGUYỄN THỊ HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.