Cùng con vượt qua kỳ nghỉ hè mùa dịch

Chia sẻ

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào đúng kỳ nghỉ hè của các con. Cha mẹ lại cuống cuồng tìm cách giúp con có một kỳ nghỉ hè bổ ích, vừa đảm bảo an toàn mùa dịch. Đây cũng là dịp để cả gia đình cùng gắn kết chia sẻ niềm vui trong những ngày nghỉ hè.

Đừng để con chán!

Chị Thu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hàng năm, cứ đến dịp nghỉ hè, hai đứa con của chị sẽ được cha mẹ lên kế hoạch cho một lịch trình kín mít: đi bơi, chơi bóng đá, tham gia trại hè, đi du lịch, về quê… với vô số hoạt động hấp dẫn, thú vị. Tuy nhiên năm nay, hai đứa trẻ phải ở nhà và hầu như dành thời gian ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại. Dù chị đã đăng ký cho con các khóa học online về tiếng Anh, tuy nhiên, các con chị không ít lần cảm thán: “Con buồn chán quá, mẹ ơi!”.

Vợ chồng anh An (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng phải chứng kiến cảnh hai đứa con ủ rũ, uể oải cả ngày chỉ vì bố mẹ quá bận mà các con bị cấm túc không được ra ngoài vui chơi. Chị cho biết, gần nhà chị có một nhà văn hóa với khu sân vui chơi công cộng nhỏ. Cứ chiều đến, trẻ con và người lớn đều tập trung ra đó thể dục thể thao. Dịch bùng phát, chị không cho các con đến nơi đông người. Các con cũng không thể chơi đá bóng hay cầu lông trong nhà hay ngoài lòng đường. Có lúc, nghe con than thở hay nói: “Con muốn đi chơi nhà bóng” mà chị cũng đành bất lực.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội, việc thiếu hụt hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với lứa tuổi, hạn chế giao tiếp xã hội với bạn đồng tuổi làm nảy sinh các vấn đề cảm xúc mà nếu tiếp tục kéo dài, sức khỏe tinh thần của trẻ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người lớn trong gia đình không thể thay thế được bạn cùng độ tuổi với trẻ. Do đó, kỳ nghỉ dài trong nhà khiến trẻ có thể thấy buồn bã và đơn độc. Chưa kể, cha mẹ căng thẳng vì vừa phải đi làm, vừa phải lo lắng chăm sóc và bảo vệ con khiến bầu không khí trong gia đình có thể thiếu tích cực và sự ấm áp, các cơn giận dữ vô cớ dễ bùng nổ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của trẻ.

“Hiện nay, cha mẹ lựa chọn cho con học hè, nhưng lại không theo nhu cầu của con. Đa số là tình trạng học tiếng Anh hết sức ồ ạt. Một số gia đình lại đăng ký cho con học theo chương trình online để hy vọng con ngồi yên, không phá phách chứ không quan tâm đến điều đó có lợi cho trẻ hay không. Do đó, để con có một kỳ nghỉ hè thực sự bổ ích, cha mẹ cần tìm hiểu mong muốn, nhu cầu của con, từ đó định hướng được những kế hoạch thiết thực phù hợp” – chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cho biết.

Dạy con kỹ năng phòng dịch

Trước cửa nhà chị Kim luôn có sẵn lọ nước rửa tay khô dạng xịt và một hộp khẩu trang y tế. Mỗi khi ra ngoài, ai cũng phải lấy khẩu trang và đi đâu về, sẽ phải xịt rửa tay trước khi vào nhà. Con trai 4 tuổi của chị Kim (Thanh Xuân, Hà Nội) luôn thấm nhuần kỹ năng ấy. Vào thang máy, bé không nói chuyện với người lạ, và hạn chế nói chuyện ở nơi đông người, không khạc nhổ bừa bãi, dùng khăn và khuỷu tay che miệng khi ho, hắt hơi, giữ vệ sinh nơi công cộng... Thậm chí, bé còn nhắc giúp bố mẹ, ông bà mỗi khi người lớn quên các quy tắc đó.

Chị Kim cho con ở nhà sau khi dịch bùng phát. Chuyến đi du lịch xa của cả gia đình cũng bị hủy bỏ. Chị hạn chế đưa con đến một số khu vui chơi như công viên, trung tâm thương mại… để phòng dịch. Con trai chị vì thế cũng như những bé khác, có cảm giác nhàm chán, buồn bã. Hằng ngày, chị giải thích cho con về mức độ nguy hiểm và khả năng lây nhiễm Covid-19, đồng thời tự sáng tạo ra những trò chơi ngay tại nhà như cùng nhau chơi các trò xếp hình, lấy đệm làm cầu trượt, lấy vỏ các loại hộp sữa đã dùng hết làm ghế bập bênh, dùng thùng giấy làm “lâu đài hoàng tử”…

Rất may, chị có thể chủ động sắp xếp làm việc ở nhà. Trong thời gian này, chị dạy con kỹ năng tự chơi một mình, không quấy rầy hay làm phiền cha mẹ khi tập trung làm việc.

Chị Kim vẫn duy trì đều đặn giờ giấc sinh hoạt chuẩn mực cho cả gia đình, sáng đúng 6 giờ dậy, trưa 12 giờ phải đi ngủ và tối 9 giờ tối phải đi ngủ. Trước khi đi ngủ, chị cùng con nhập vai vào các nhân vật trong truyện, đóng vai và kể chuyện, đọc sách rồi đi ngủ.

Đồng hành và chia sẻ cùng con

Ở nhà cũng là cơ hội để mở ra cánh cửa cho sự sáng tạo và tưởng tượng. Ngoài việc dán mắt vào màn hình ti-vi hay điện thoại di động, đây là thời điểm cho phép trẻ em có cơ hội rèn luyện các kỹ năng xã hội, phát triển khả năng điều tiết cảm xúc và giải quyết các vấn đề mình phải đối mặt.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nhiều cha mẹ đã rèn cho con thói quen đọc sách bằng cách đặt sách online về nhà và tạo ra những cuộc thi có thưởng quà. Thậm chí, nhiều phụ huynh đăng ký cho con các khóa học kỹ năng sống online thay vì đến các trung tâm như trước đây. Theo đó, các chuyên gia sẽ quay các video hướng dẫn nhiều kiến thức sinh tồn trên kênh trực tuyến gồm: phòng chống hỏa hoạn, huấn luyện bơi sinh tồn, chèo thuyền, leo núi, sơ cấp cứu... Các khóa học này giúp trẻ học được kỹ năng cần thiết mà chúng còn thiếu khi ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, bố mẹ quản lý chặt chẽ việc tham gia các lớp, về độ tuổi cũng như nội dung đăng ký, đồng thời cùng thực hành các phương pháp ấy với con chứ không để con tự chơi một mình.

Không phải tất cả các hoạt động giải trí đều bị dừng lại trong mùa Covid-19. Vẫn có những cách để tận hưởng kỳ nghỉ của mình một cách an toàn với các chuyến đi du lịch đến những vùng đồng quê trong lành hay các khu nghỉ dưỡng không quá đông đúc. Tuy nhiên, cha mẹ hãy lên kế hoạch một cách cẩn thận và tìm hiểu trước thông tin thì vẫn có thể thực hiện một chuyến du lịch vui vẻ mà an toàn. Nếu không có đủ thời gian và công sức hay tiền bạc đầu tư một chuyến đi xa, vẫn có nhiều cách đơn giản giúp trẻ “vui mà vẫn an toàn” trong mùa dịch.

Đối với những đứa trẻ lớn hơn, chúng luôn mong chờ mỗi khi mùa hè đến là tham gia các trại hè, các môn thể thao đồng đội hoặc đi dã ngoại. Do đó, cha mẹ có thể đồng hành cùng con tham gia các môn thể thao vận động như: đạp xe, chạy bộ, bóng đá… vào bếp nấu nướng, tạo một môi trường nơi trẻ em có thể thể hiện hết khả năng, được vui chơi, phát triển an toàn và khỏe mạnh.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Tạ lỗi với mẹ

Tạ lỗi với mẹ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.
Về thăm nhà xưa

Về thăm nhà xưa

(PNTĐ) - Sáng nay, cả đại gia đình chúng tôi trở về thăm ngôi nhà xưa-nơi ông bà tôi từng ở và nuôi bác và bố tôi khôn lớn. Ngôi nhà nằm ở vùng trung du, cách Hà Nội 2 giờ đi xe.
Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

Nữ chủ tịch Hội hết lòng vì hội viên

(PNTĐ) - Chị Bùi Thị Ngọc, sinh năm 1982 người dân tộc Mường đã có 18 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ và 7 năm giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chị không những hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn có nhiều đóng góp trong sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.