CÙNG PHẬN CON RIÊNG, SAO NỠ PHÂN BIỆT?

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Để chuẩn bị trông con gái riêng ở cữ trong tuần tới, bà mua đủ thứ để dành cho con, nào là trứng gà sạch, chai mật ong đánh tưa lưỡi cho cháu, tam thất bồi bổ cho mẹ, rồi thì gạo nếp, gạo tẻ… Nhớ lại nửa năm trước, con gái riêng của ông cũng ở cữ, bà xuống thăm tay không, bảo mọi thứ đã có nhà nội lo, nhà ngoại xuống động viên tinh thần là đủ.

Con anh, con em

Ông bà về chung sống với nhau sau khi cả hai đã một lần đổ vỡ. Ông có hai đứa con với người vợ trước. Ngày họ ly hôn, cả hai thỏa thuận ông nuôi đứa con gái đầu, còn đứa con trai nhỏ hơn thì ở với mẹ. Bấy giờ, con gái ông mới 16 tuổi, nó là đứa trẻ ngoan nhưng chẳng thể níu kéo được bố mẹ sống cùng nhau dưới một mái nhà. Ngày bố mẹ chia tay, chính con bé đề nghị được về sống cùng bố vì nó nghĩ bố sống một mình chẳng có ai nấu cơm, giặt giũ cho sẽ khổ lắm. Nó hiểu ông từ trước đến nay chỉ biết lăn lộn kiếm tiền bên ngoài, việc cơm nước, áo quần đều phải có vợ lo, vắng vợ lúc nào ông cũng ăn uống tạm bợ, mặc cũng xuề xòa. Nó cũng biết mẹ là người phụ nữ có nhiều tham vọng, nếu không có bố nó, mẹ nó vẫn sống tốt. Vậy nên, từ ngày ra ngoài sống riêng cùng bố, nó quan tâm chăm sóc bố rất tốt, khiến ông giảm dần nỗi trống vắng, bơ vơ khi không có người phụ nữ bên cạnh.

CÙNG PHẬN CON RIÊNG, SAO NỠ PHÂN BIỆT? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ly hôn được 2 năm, ông gặp bà, bấy giờ bà cũng ly hôn được hơn 1 năm, đang nuôi đứa con riêng kém con gái ông chừng 3 tuổi. Cảm thông hoàn cảnh của nhau, họ quyết định “rổ rá cạp lại”, hy vọng sẽ tìm lại được hạnh phúc sau những tháng ngày giông bão. Ban đầu gặp nhau, bà tỏ ra vồn vập, tình cảm với con gái riêng của ông lắm. Điều đó khiến con bé cũng nhanh chóng có thiện cảm với bà và chấp nhận việc hai người đến với nhau. Ông cũng yên tâm khi thấy con gái riêng của ông và con gái riêng của bà sống hòa hợp. 

Vợ cũ của ông sau đó cũng tái hôn với người đàn ông khá giả nên thỉnh thoảng hay gửi tiền và đồ dùng về cho con gái. Sự quan tâm tới con cái sau ly hôn của vợ cũ của ông rất tốt, trái ngược hẳn với chồng cũ của bà đối với đứa con gái riêng sống với mẹ. Ông ta ít khi thăm hỏi và hầu như chẳng bao giờ có quà cáp tiền bạc gửi cho con. Bà bảo vì ông ta cho rằng con cái chia mỗi người một đứa nên chẳng ai phải có trách nhiệm chu cấp nuôi con sau ly hôn. Ông không đồng ý với điều ấy, đành rằng về lý không ai phải chu cấp nuôi con sau khi đã thỏa thuận nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con cái sau ly hôn. Nhưng, tình cảm dành cho con cái thì không thể bỏ đi được, việc thăm hỏi, quà cáp động viên con cái là điều nên làm. Cuối cùng bà cũng phải thừa nhận chồng cũ là người chẳng ra gì và lấy đó để bù đắp cho sự thiệt thòi của con gái mình. 

Từ đó, bà phân biệt đối xử có phần ưu ái con riêng của mình hơn con riêng của chồng. Mỗi lần ông ý kiến về sự phân biệt đó, bà lại bảo làm thế là cũng đền bù lại một chút cho sự thiệt thòi mà con gái riêng của bà đang phải chịu. Vì lẽ đó, mỗi lần mua quần áo mới cho con, bà chỉ mua cho con gái mình mà không hề mua cho con gái riêng của chồng với lý do: “Quần áo của nó, mẹ nó mua gửi đến mặc không hết”, “rồi thì lúc nào con chị cũng mặc đồ mới, còn con em thì chỉ mặc lại đồ cũ của chị, nên thỉnh thoảng phải mua cho con em kẻo nó tủi thân”. Ông nhìn vào thấy đúng thế thật nên cũng chẳng phân bì sự thiên vị mà bà đang thể hiện đối với hai đứa con gái trong nhà. 

CÙNG PHẬN CON RIÊNG, SAO NỠ PHÂN BIỆT? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Bên thương, bên thường

Hai đứa trẻ lớn lên, đến tuổi lập gia đình. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà cả hai đứa đều về làm dâu trong hai gia đình khó khăn về kinh tế. Lúc này cuộc sống người vợ cũ của ông khó khăn bởi công việc làm ăn phá sản nên chẳng giúp được gì nhiều cho con gái khi lấy chồng nghèo. Do vậy, Hoài (con riêng của ông) vẫn phải cùng chồng tự thân vận động, lam lũ với cuộc sống thiếu trước hụt sau. Hoài sống biết điều nên được nhà chồng thương yêu, cuộc sống tuy khó khăn nhưng lúc nào cũng êm ấm. Ngược lại, Thúy (con riêng của vợ ông), bản tính không được như Hoài nên cuộc sống hôn nhân nhiều mâu thuẫn. Vợ ông vin vào đó mà tiếp tục quan tâm, chăm sóc và lo lắng cho con gái của mình hơn so với con gái riêng của chồng. Điều đáng nói, sự quan tâm ấy của bà càng ngày càng thiên vị thái quá, nó khiến ông cảm thấy bất bình.

Ông làm nghề lái xe tải, tiền bạc kiếm được đều đưa về cho bà lo lắng cho hai đứa con. Dù ông luôn nhắc nhở, sự đầu tư cho con cái ăn học, giúp đỡ chúng khi lấy chồng đều phải ngang nhau. Nhưng bà chỉ nghe rồi để đấy và vin vào đủ lý do để chăm bẵm, vun vén cho con riêng của mình nhiều hơn con riêng của ông. Ngày Hoài và Thúy đi lấy chồng, ông bảo tặng con quà cưới cho mỗi đứa một cái kiềng vàng. Bà đi mua hai cái kiềng vàng trông bên ngoài giống nhau nhưng thực ra trọng lượng lại hoàn toàn khác nhau. Cái của Hoài là ba chỉ vàng, còn của Thúy là 4 chỉ. Mỗi lần, Hoài về thăm nhà, bà chỉ cho ăn uống rau dưa bình thường, đạm bạc, còn vợ chồng Thúy về là bà lập tức chợ búa rôm rả, nấu nướng nhiều món ngon. Chưa hết, bà còn mua quà sẵn, gói ghém cho con gái riêng đủ thứ để mang về nhà chồng dùng dần. Còn Hoài, bà chỉ mua lấy lệ lúc thì chục trứng gà, lúc chục quả na là hết. Ông thương con gái riêng của mình thiệt thòi nên thỉnh thoảng lại dấm dúi chút tiền riêng cho nó. Phía bà cũng nhiều lần giấu bớt tiền chợ búa hàng ngày để cho Thúy. 

CÙNG PHẬN CON RIÊNG, SAO NỠ PHÂN BIỆT? - ảnh 3
Ảnh minh họa

Ngày Hoài sinh con, ông bảo với bà sang bên đó ở giúp con một tháng cữ, mọi việc ở nhà đã có ông lo. Biết nhà chồng con gái cũng khó khăn, ông đưa cho bà một số tiền bảo mang theo sang bên đó chủ động đi chợ cơm nước cho Hoài, bồi dưỡng thêm cho con gái có sữa nuôi cháu. Bà cầm tiền ông đưa, nhưng sang bên đó tuyệt nhiên không đi chợ mua bán lần nào, lại còn than thở với Hoài dạo này công việc của bố khó khăn, đi làm chẳng được bao nhiêu. Hoài thương bố, thương mẹ kế, thậm chí còn bớt xén một ít tiền mừng bên nhà chồng cho cháu để đưa cho bà mang về chi tiêu thêm. Vậy mà ở được 1 tuần, bà nói khó với thông gia xin về vì “bên nhà ông ấy đang ốm, việc nhà không ai lo”. Trở về, bà lại nói với ông rằng nhà nội không thích nhà ngoại sang chăm con dâu lâu nên cố tình gây khó dễ để bà không thấy thoải mái mà xin về. Từ bấy đến nay, Hoài sinh con được hơn 5 tháng, bà không một lần thăm nom hỏi han thêm lần nào. Chỉ có ông, thỉnh thoảng sang thăm con gái và cháu ngoại.

Đến lượt Thúy ở cữ, sinh con, bà làm công tác chuẩn bị gần hai tháng nay, mua đủ thứ tích trữ mang sang cho con. Bà còn làm công tác tư tưởng cho ông lần này đi chăm cữ con gái phải ba tháng mới về, đến khi mẹ con nó cứng cáp hẳn. Ông nghe vợ nói mà chạnh lòng, đúng là con mình đẻ ra có khác. Bà đi chăm Thúy đúng ba tháng xong trở về rồi xin thông gia cho cháu sang nhà mình thêm một tháng để chăm cho mẹ con nó cứng cáp hẳn mới yên tâm. Trong thời gian Thúy về ở nhà, Hoài cũng mang con về chơi, trước là thăm em, sau là để cho ông đỡ nhớ cháu. Bà vẫn không bỏ được tật xấu coi trọng con riêng của mình hơn con riêng của chồng. Cùng là phụ nữ chăm con nhỏ nhưng chế độ ăn của Thúy sang hơn Hoài, bà luôn viện cớ để cho Thúy được ăn cơm trước, còn mẹ con Hoài ăn chung với cả nhà. Đến lúc này, ông không chịu nổi liền mắng bà ăn ở không công bằng và bảo nếu bà tiếp tục giữ kiểu ứng xử đó thì từ nay cấm cửa luôn Thúy không được về đây. 

Nghe ông nói vậy, bà lăn ra khóc lóc, kể khổ bao nhiêu năm nay bỏ công bỏ sức ra phục vụ chồng với con riêng của chồng mà giờ bị đối xử không ra gì, rồi thì Thúy khác máu tanh lòng với ông nên ông không thương. Hoài thấy không khí gia đình bất hòa, khuyên bố không nên làm to chuyện rồi lặng lẽ ôm con ra về. Nhìn con gái lủi thủi ôm con về giữa trưa nắng, lòng ông càng thêm xót. Kể từ hôm đó, ông tự quản tiền mình làm ra, chỉ đưa cho bà đủ tiền chi tiêu thiết yếu trong nhà. Ông cũng cấm cửa luôn Thúy, bảo nếu Hoài không được về bên này chơi thoải mái thì Thúy cũng vậy. Ngôi nhà của ông bà từ đó vắng vẻ, đi làm thì chớ về nhà ông một góc, bà một góc. Hạnh phúc cuối đời của họ tưởng ấm êm, không ngờ sóng gió vẫn nổi lên bởi cách ứng xử không công bằng giữa hai đứa con riêng của ông bà. 

Tin cùng chuyên mục

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

Nỗi niềm phận gái lấy chồng xa

(PNTĐ) - Chị khóc vùi bên mộ cha, gần 10 năm rồi chưa một lần được thăm cha mẹ, cho đến hôm nay chị cũng không về kịp để nhìn mặt cha lần cuối cùng. Mẹ chị nói, cha chị yếu dần nhưng vẫn cố gắng hết sức để đợi chị về. Tâm nguyện cuối của ông trước khi ra đi là được gặp đứa con gái duy nhất của mình. Thế nhưng, tâm nguyện đó của ông cũng chẳng thể toại nguyện.
Tình đầu đâu có... xấu

Tình đầu đâu có... xấu

(PNTĐ) - Hôm đó, mẹ vợ anh trở bệnh phải nhập viện gấp. Hai vợ chồng anh lại đang ở xa. Anh liền nhắn tin cho Như “cầu cứu”: “Mẹ vợ anh vào viện em khám chỉ có một mình. Em lo cho bà giúp anh nhé. Nay vợ chồng anh đều không đưa bà đi được”.
Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

Những phụ nữ dám ước mơ, dám thay đổi

(PNTĐ) - Ngày nay, phụ nữ không chỉ tự tin, độc lập mà còn xây dựng các chuẩn mực, thước đo để khẳng định giá trị bản thân, hướng đến hình mẫu phụ nữ hiện đại. Họ dám nghĩ, dám làm, dám bước qua ranh giới và rào cản, quyết tâm theo đuổi đam mê, từ đó khẳng đinh tài năng trên từng lĩnh vực mà mình theo đuổi.